Các chủ tọa chuẩn bị bắt đầu cuộc họp của Ủy ban Hỗn hợp về thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 hôm 6/4 tại Vienna, Áo. (Nguồn: BBC) |
Cuộc họp có sự tham gia của các quan chức đối ngoại cấp cao đại diện cho Trung Quốc, Pháp, Đức, Iran, Nga, Anh. Đại diện của Mỹ tham gia họp trực tuyến từ một khách sạn gần địa điểm tổ chức cuộc họp.
Đây là nỗ lực mới nhất để phá vỡ thế bế tắc trong các cuộc đàm phán về JCPOA, trong bối cảnh thời gian không còn nhiều để các bên tham gia cứu vãn thỏa thuận khi thỏa thuận tạm thời được áp dụng từ tháng 2 sẽ hết hạn vào cuối tháng 5 tới.
Chủ tọa cuộc họp, Phó Tổng Thư ký, đồng thời là Giám đốc Chính trị của Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu (EEAS) Enrique Mora đã đăng tải trên trang Twitter sau sự kiện rằng các bên đã có một "cuộc họp mang tính xây dựng".
Theo ông Mora "có sự thống nhất và tham vọng về một tiến trình ngoại giao chung với 2 nhóm chuyên gia về thực thi thỏa thuận và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt".
Các nhà đàm phán Mỹ và Iran không gặp mặt trực tiếp, song áp dụng cách tiếp cận ngoại giao con thoi với sự hỗ trợ của các nhà điều phối.
Iran và các cường quốc thế giới dự kiến sẽ có cuộc gặp tiếp theo vào ngày 9/4, sau khi các chuyên gia dự thảo kế hoạch liên quan tới việc Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và Iran trở lại tuân thủ các nghĩa vụ theo thỏa thuận JCPOA.
Tuy nhiên, vấn đề này cũng đang đứng trước thách thức không nhỏ, khi Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, người có tiếng nói quyết định cuối cùng với mọi vấn đề của đất nước, đã yêu cầu dỡ bỏ ngay lập tức tất cả các lệnh trừng phạt và bác bỏ đề nghị dỡ bỏ dần dần.
Tehran cũng bác bỏ đề nghị của Mỹ rằng, Iran ngừng làm giàu uranium ở mức 20% để đổi lấy việc giải phóng 1 tỷ USD bị đóng băng tại các nước do lệnh trừng phạt của Mỹ.
Các nhà ngoại giao cho rằng, vòng đàm phán lần này sẽ kéo dài vài tuần. Mục tiêu là một dạng thỏa thuận trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Iran diễn ra vào tháng 6 tới, cho dù các quan chức Mỹ và Iran nói không cần phải vội vàng.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng thể hiện mong muốn có một thỏa thuận "lâu dài hơn và mạnh mẽ hơn", trong đó có cả chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo và sự ủng hộ của Iran đối với các lực lượng ủy nhiệm tại Trung Đông.
Tuy nhiên, Iran vẫn bác bỏ đàm phán về một thỏa thuận rộng hơn.
Cùng ngày, phát biểu trên truyền hình nhà nước, trưởng đoàn đàm phán vấn đề hạt nhân của Iran, Thứ trưởng Ngoại giao Abbas Araqchi cũng cho hay: "Các cuộc đàm phán tại Vienna đã mang tính xây dựng... cuộc họp tiếp theo sẽ diễn ra ngày 9/4".
Ông Araqchi cũng nói thêm rằng, Tehran sẽ không đình chỉ hoạt động làm giàu uranium ở mức tinh khiết 20% để đổi lấy việc giải phóng 1 tỷ USD tiền quỹ của họ bị phong tỏa tại các nước khác do các biện pháp trừng phạt của Mỹ tái áp đặt đối với Iran từ năm 2018.
Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Pháp cho biết, nước này hoan nghênh việc nối lại các cuộc đàm phán về hạt nhân Iran, đồng thời tin tưởng vào việc các bên tham gia nhất trí về các bước cần thiết để Iran và Mỹ trở lại JCPOA.