Trong hai ngày 30-31/1, Phó Thủ tướng Quốc Vụ viện Trung Quốc Lưu Hạc cùng với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer khởi động một vòng đàm phán quan trọng về thương mại trong bối cảnh có nhiều bất đồng sâu sắc về những đòi hỏi của Washington đối với Bắc Kinh về cải tổ cơ cấu kinh tế, gây khó khăn cho việc đạt được một thỏa thuận trước thời điểm Mỹ tăng thuế vào ngày 2/3 tới.
Rất ít dấu hiệu tốt
Đây là cuộc họp ở cấp cao nhất tại Nhà Trắng kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý đình chiến thương mại trong 90 ngày hồi tháng 12/2018.
Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại bữa ăn tối và thỏa thuận bên lề G20. (Nguồn: Reuters |
Giới thạo tin cho biết, có rất ít dấu hiệu cho thấy các quan chức Trung Quốc sẽ sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu cốt yếu của Mỹ nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và chấm dứt các chính sách mà Washington cho là ép buộc các doanh nghiệp nước này phải chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp của Trung Quốc.
Những phàn nàn của Mỹ, cùng với cáo buộc gián điệp mạng của Trung Quốc đánh cắp bí mật thương mại của nước này và một chiến dịch có hệ thống nhằm thâu tóm các hãng công nghệ của Mỹ, đã được chính quyền của Tổng thống Donald Trump sử dụng để biện minh cho đòn trừng phạt thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong khi đó, các quan chức Trung Quốc phủ nhận rằng, chính sách của họ là ép buộc chuyển giao công nghệ. Họ nhấn mạnh vào các bước đi đã được thực hiện, bao gồm giảm thuế ô tô và một dự thảo luật đầu tư nước ngoài nhằm cải thiện khả năng tiếp cận cho các doanh nghiệp nước ngoài, cũng như hứa hẹn cấm "các biện pháp hành chính nhằm ép buộc chuyển giao công nghệ".
Hãng tin Bloomberg cho biết, ông Lưu Hạc sẽ đàm phán với các quan chức Washington về số lượng mua đậu tương của Mỹ và vấn đề Bắc Kinh trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước, trong khi khung thỏa thuận thương mại Trung - Mỹ đã dần trở nên rõ ràng, dự kiến Bắc Kinh sẽ đồng ý mua thêm hàng hóa của Mỹ, đồng thời cam kết dừng ngay các hoạt động ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ, hai bên cũng có thể thiết lập một hệ thống để đảm bảo rằng, cam kết sẽ được thực hiện.
Hãng tin trên còn cho biết, nếu Trung - Mỹ có kế hoạch tổ chức một vòng đàm phán khác, sẽ cho thấy hai bên có thể đạt được thỏa thuận thương mại trước thời hạn đình chỉ thuế quan vào ngày 1/3, ngay cả khi chưa đạt được thỏa thuận, Washington có thể kéo dài thời hạn tạm ngừng các biện pháp thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong cuộc trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình CNBC, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết, việc Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc vẫn còn xa vời. Ông Ross tuyên bố vẫn còn nhiều vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc, do vậy chính quyền Tổng thống Trump cần thúc đẩy “cải cách mang tính cơ cấu” và “lệnh trừng phạt”, mới có thể khôi phục quan hệ thương mại bình thường với Trung Quốc.
Theo ông Ross, cả Mỹ và Trung Quốc đều mong muốn chấm dứt cuộc chiến thương mại, nhưng kết quả sẽ phụ thuộc vào việc Trung Quốc có tăng cường cải cách và tiếp tục mở cửa thị trường hay không. Ông dự đoán rằng, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ ra một tuyên bố chung về tiến trình của các cuộc đàm phán sau cuộc hội đàm vào các ngày 30 và 31/1.
Ai tổn thương nhiều hơn ai?
Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn và Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Liêu Mân đã đến Mỹ vào ngày 28/1 (theo giờ địa phương) để chuẩn bị cho cuộc hội đàm. Có nguồn tin cho biết, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) Dịch Cương cũng sẽ tham gia vào cuộc đàm phán. Nếu Trung - Mỹ không thể tạo được đột phá để giải quyết tranh chấp thương mại trong vòng đàm phán lần này, cuộc chiến thuế quan đang tạm dừng giữa hai bên sẽ lại bùng phát trở lại.
Cuộc chiến thương mại có thể khiến Trung Quốc chịu tổn thương nhiều hơn so với Mỹ, nhưng nếu tiếp tục xung đột, tình hình có thể đảo ngược trước khi mùa Xuân năm nay kết thúc. (Nguồn: Reuters) |
Ngoài ra, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang chuẩn bị tiến hành điều tra khoản thuế quan trị giá 250 tỷ USD mà Tổng thống Mỹ Trump áp đặt đối với hàng hóa Trung Quốc, để xác định liệu khoản thuế quan do Mỹ đề xuất có vi phạm các yêu cầu của WTO đối với sự đãi ngộ bình đẳng về thuế quan giữa các thành viên của tổ chức này hay không.
Thời hạn cuối cùng để "đình chiến" thương mại kéo dài 90 ngày giữa Trung - Mỹ vẫn còn khoảng 5 tuần nữa. Đã có một số nguồn tin tiết lộ rằng hai bên đến nay vẫn chưa đạt được nhất trí về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và cải cách cơ cấu của Trung Quốc.
Nếu không có sự đột phá trong vòng đàm phán Trung - Mỹ lần này, thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD sẽ từ 10% tăng lên 25%. Nếu Trung Quốc áp dụng các biện pháp trả đũa, có nghĩa là tranh chấp thương mại Trung - Mỹ sẽ được nâng cấp toàn diện. Mỹ có thể một lần nữa vung "thanh đại đao" thuế quan sang số hàng hóa Trung Quốc trị giá 267 tỷ USD, bao gồm điện thoại di động, máy tính, quần áo và giày dép, đến lúc đó có nghĩa toàn bộ số hàng hóa tiêu thụ ở Mỹ của Trung Quốc đều bị áp thuế. Trong khi đó, Trung Quốc lấy việc áp thuế đối với số hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc trị giá 110 tỷ USD để trả đũa.
Kênh truyền hình CNBC dẫn lời các nhà kinh tế dự đoán rằng, mặc dù cuộc chiến thương mại có thể khiến Trung Quốc chịu tổn thương nhiều hơn so với Mỹ, nhưng nếu tiếp tục xung đột, tình hình có thể đảo ngược trước khi mùa Xuân năm nay kết thúc.
Các chuyên gia kinh tế của Tập đoàn Bank of America Merrill Lynch chỉ ra rằng, do các biện pháp phục hồi trong nước với quy mô lớn, suy thoái kinh tế của Trung Quốc có thể bắt đầu được cải thiện trong vài tháng tới.
Về phía Mỹ, cùng với việc cắt giảm thuế và hiệu ứng chi tiêu giảm dần, các nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2019, một số thậm chí đã dự đoán về tốc độ tăng trưởng dưới 2%.