Những ngày đầu năm mới 2019, Tập đoàn Apple - niềm tự hào của công nghệ Mỹ đã tiết lộ tin “sốc” cắt giảm dự báo doanh thu hàng quý lần đầu tiên sau hơn 15 năm. Theo đó, doanh thu trong quý tài khóa đầu tiên trong năm 2019 sẽ có thể thấp hơn 7% so với kỳ vọng, đạt mức 84 tỷ USD. Trước đó, Apple đã dự báo doanh thu ở mức từ 89 đến 93 tỷ USD.
Nếu khắc phục được những khác biệt về thương mại, hiện tại được cho là thời điểm tốt cho Bắc Kinh, nhưng cũng là cơ hội không tồi cho ông Trump. (Nguồn: Kyodo) |
Ngoài nguyên nhân số lượng người dùng nâng cấp iPhone quá ít, cùng một số yếu tố khách quan khác, Công ty này đã đổ lỗi nền kinh tế đang có xu hướng chậm lại của Trung Quốc. Trong khi đó, chỉ cách đây ít hôm, trong cuộc họp cổ đông Quý 4/2018, CEO Apple Tim Cook đã nói rằng, tình hình kinh doanh của chúng ta ở Trung Quốc đã rất mạnh trong quý vừa qua, tăng trưởng 16% và iPhone đang tăng trưởng mạnh 2 con số tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.
Ngay ngày hôm đó, Chứng khoán Mỹ đóng cửa giảm mạnh với chỉ số Dow Jones giảm hơn 600 điểm khi cổ phiếu Apple trượt dài 10%, đánh dấu mức giảm lớn nhất kể từ tháng 1/2013 đến nay. Ông Trump đã đổ lỗi cho một tháng 12 tồi tệ với một "trục trặc" nhỏ. Và ông nói rằng, mọi thiệt hại rồi sẽ sớm được thu hồi lại thôi, "một khi chúng tôi giải quyết xong các vấn đề thương mại và đi kèm với nó sẽ có một vài điều khác sẽ xảy ra."
Cuộc mặc cả ngang ngửa
Theo kế hoạch, các nhà đàm phán Mỹ - Trung sẽ gặp nhau tại Bắc Kinh trong hai ngày 7-8/1 để cố gắng vượt qua thời hạn 2/3/2019, nhằm ngăn chặn được sự leo thang thuế quan từ 10% đến 25% đối với lượng hàng nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc vào Mỹ.
Trong khi Trung Quốc rất cần một thỏa thuận thương mại để giúp hỗ trợ chống chọi lại sự suy thoái kinh tế ngày càng sâu rộng, điều này phần nào giải thích cho lỗ hổng doanh thu của Apple. Bắc Kinh còn lo ngại mất quyền tiếp cận các công nghệ quan trọng của Mỹ, trong bối cảnh tham vọng trở thành “nhà lãnh đạo công nghệ” toàn cầu chưa bao giờ nguội.
Còn đối với người đứng đầu Nhà Trắng, ông Trump dường như cũng hiểu rằng, việc tiếp tục hoặc leo thang chiến tranh thương mại với Bắc Kinh rất có thể sẽ phá hủy hết những thành tựu kinh tế, mà ông đang hy vọng nó có thể giúp ông đàng hoàng tiến vào cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2020.
Dù chỉ số Dow Jones và thị trường chứng khoán có thể lấy lại những gì đã mất ngay vào những ngày sau đó, nhưng theo The Big Picture, nền kinh tế Mỹ đã xuất hiện những tín hiệu phản ánh một sự suy giảm mạnh trong năm nay. Những cú hích từ cắt giảm thuế và kích thích chi tiêu sẽ giảm dần vào giữa năm nay và chính sách tiền tệ không còn đem lại nhiều hiệu quả nữa. Sự không chắc chắn đang diễn ra, do thương mại có thể làm rung chuyển thị trường tài chính và biến hệ quả từ dòng vốn, hàng hóa chậm chạp thành một thứ gì đó rõ rệt hơn.
Nhà kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng Kevin Hassett tuần trước cảnh báo rằng, Apple sẽ không phải nạn nhân duy nhất của suy thoái kinh tế Trung Quốc. "Có rất nhiều doanh nghiệp Mỹ khác có doanh số bán hàng rất lớn ở Trung Quốc, bởi vậy, nếu thu nhập của họ giảm mạnh trong thời gian tới thì cũng không phải điều gì bất ngờ."
Ông Trump không còn háo hức gây hấn với Bắc Kinh
Gần đây, Tổng thống Mỹ không còn “mạnh tay” như hồi tháng Tám. Hồi đó ông ấy từng viết lên Twitter rằng, "Thuế quan đang hoạt động tốt hơn nhiều so với bất kỳ dự đoán nào." Ở thời điểm đó, Tổng thống Trump cũng từng khoe rằng, trong khi thị trường chứng khoán Trung Quốc đang chìm, thì thị trường của chúng tôi đang trở nên mạnh hơn bao giờ hết".
Hồi tháng 9, các nhà phân tích của JPMorgan cho rằng, nền kinh tế và thị trường chứng khoán mạnh mẽ của Mỹ có thể "tô điểm” cho tổng thống trên tất cả các mặt trận địa - chính trị", nhưng nó có thể tạo ra nguy cơ nếu "tính toán sai lầm lớn".
Nhưng bây giờ đây, ông Trump đã có vẻ hòa nhã hơn nhiều. Trong một đoạn tweet ngày 29/12 sau một cuộc gọi điện thoại với Chủ tịch Trung Quốc, ông Trump tràn đầy lạc quan mà thong báo rằng: "Thỏa thuận đang tiến triển rất tốt. Nếu được thực hiện, nó sẽ rất toàn diện, bao gồm tất cả các chủ đề, lĩnh vực và các điểm tranh chấp".
Ông Trump dường như đã dàn xếp cho một chiến thắng khiêm tốn trước Trung Quốc vào hồi tháng 5/2018. Khi đó, Bắc Kinh đã cam kết sẽ mua thêm 70 tỷ USD hàng hóa Mỹ mỗi năm để đổi lấy điều kiện Washington không áp thuế lên các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, Robert Lighthizer, nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Tổng thống Trump cho rằng, các cam kết của Bắc Kinh là chưa đủ. Theo vị chuyên gia này, cần tiếp tục sử dụng thuế quan của Tổng thống Trump để khiến Trung Quốc làm nhiều hơn là chỉ mua thêm đậu nành và đưa ra những lời hứa trống rỗng rằng ngừng yêu cầu các công ty Mỹ giao quyền sở hữu trí tuệ nếu muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Ngay cả khi Mỹ đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, thì nền kinh tế toàn cầu - đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ cao – vẫn có thể tách làm hai phần, do cuộc chiến tranh lạnh giữa hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới. (Nguồn: Nikkei) |
Ông Lighthizer dành sự quan tâm đặc biệt đến việc tận dụng hiệu quả nhất thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Trong khi đó, bài toán của đương kim Tổng thống Mỹ lớn hơn nhiều, ông Trump không chỉ phải lo lắng về tác động đối với chỉ số Dow Jones, sự thăng trầm của nền kinh tế, mà còn là “cuộc chiến” tái tranh cử vào năm 2020.
Nóng hiện tại, lạnh lâu dài
Trong bối cảnh hiện tại, cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Trump đều không muốn đánh đổi một thứ gì đó, để leo thang chiến tranh thương mại, vậy nên, câu hỏi lớn nhất sắp tới là, mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung sẽ như thế nào? Ông Trump liệu có thực sự đồng ý với bảng đề xuất mà Bắc Kinh đưa ra để đánh đổi với những yêu sách từ Washington? Hay những hạn chế về đầu tư và kiểm soát xuất khẩu sẽ khiến căng thẳng thêm sôi sục?
Ngay cả khi Mỹ đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, thì nền kinh tế toàn cầu - đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ cao - vẫn có thể tách làm hai phần, do cuộc chiến tranh lạnh giữa hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới. Mỹ hiện muốn cô lập Huawei của Trung Quốc ra khỏi mạng di động thế hệ tiếp theo (5G), với lý do rủi ro bảo mật. Các đồng minh của Mỹ đang áp đặt lệnh cấm hoặc hạn chế nghiêm ngặt việc sử dụng thiết bị Huawei. Trong khi đó, Trung Quốc thông qua tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường ở châu Á, Trung Đông và châu Phi vẫn đang nỗ lực mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình.
Trong bối cảnh cạnh tranh địa - chính trị ngày càng gia tăng, một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung có lẽ chỉ có thể có hiệu lực trong ngắn hạn, chắc chắn nó không phải là một “thỏa thuận ngừng bắn” kéo dài. Như vậy, chỉ có thể ngăn chặn mọi sự đổ vỡ trong ngắn hạn, khiến nền kinh tế toàn cầu rung chuyển. Nhưng nó sẽ vẫn để lại một đám mây lơ lửng trên đầu những Apple và rất nhiều các công ty khác của Mỹ, vốn phụ thuộc vào Trung Quốc như một cơ sở sản xuất và thị trường toàn cầu quan trọng.