Ông Karzai muốn kết thúc cuộc chiến thông qua đàm phán với Taliban, liệu Taliban có nghĩ vậy? |
Bài toán tái hòa nhập
Abdul Jameel là chỉ huy một nhóm nhỏ các chiến binh Taliban tại tỉnh Wardak, Afghanistan. Anh ta đã thuyết phục được cấp dưới của mình ra đầu hàng chính quyền để đổi lấy lệnh ân xá và quay lại nghề nông hoặc buôn bán nhỏ. Nhưng chỉ vài tuần sau khi tiếp cận chính quyền, Jameel và một số thành viên trong gia đình anh đã bị bắn chết. Chưa rõ thủ phạm vụ việc là Taliban hay kẻ thù cũ của Jameel. Nhưng câu chuyện của Jameel đã lan truyền rất nhanh và trở thành lời cảnh báo hữu hiệu cho bất kỳ ai có ý định hợp tác với chính quyền.
Có lẽ ông Karzai đã đi quá xa khi mời "những người anh em Taliban" tham gia đàm phán. Trong khi Mỹ đang gấp rút hoàn tất chiến lược mới cho Afghanistan và cân nhắc sẽ gửi thêm bao nhiêu binh sĩ, đàm phán với Taliban là cách nhanh nhất, và có lẽ là duy nhất, để Mỹ thoát khỏi bãi lầy hiện nay. Nhưng có thực là như vậy?
Năm 2007, hàng chục nghìn quân nổi dậy ở Iraq đã bị thuyết phục hạ vũ khí để đổi lấy tiền và việc làm. Dựa trên tiền lệ này, Tướng Stanley McChrystal, chỉ huy các lực lượng quốc tế tại Afghanistan, viết trong bản đánh giá gần đây về cuộc chiến là liên quân tại Afghanistan "nên tạo cơ hội tái hòa nhập vào xã hội cho các phần tử nổi dậy bằng các đề xuất cụ thể" - có thể là đảm bảo an ninh, cơ hội được đào tạo nghề, được bố trí công ăn việc làm và ân xá cho những tội lỗi trước đó.
Tuy nhiên, những người ủng hộ đề xuất này lo ngại chính phủ bị cáo buộc là tham nhũng của ông Karzai sẽ không có đủ khả năng thuyết phục các chiến binh đào ngũ. Thậm chí tại nhiều khu vực, chính Taliban mới là lực lượng có thể đảm bảo an ninh ở địa phương, điều mà chính quyền không làm được. Thuyết phục các chiến binh hạ vũ khí có thể là phần dễ nhất trong cách tiếp cận mới. Điều khó khăn hơn là phải bảo đảm sự an toàn cho những người này.
Tất cả chưa sẵn sàng
Nhưng an ninh chính là bảo đảm mà cả Mỹ và đồng minh đang tìm cách né tránh. Khi Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố "Mỹ không muốn ở lại Afghanistan và không có lợi ích dài hạn ở đây", có lẽ bà đã khiến nhiều người cân nhắc lại các lựa chọn của họ. Trên thực tế, ông Masoom Stanekzai, người được Tổng thống Karzai chỉ định phụ trách chính sách tái hòa nhập, nói rằng để chính sách hoạt động được, Mỹ cần phải cam kết gửi thêm quân. Bởi "điều đó sẽ khiến các chỉ huy Taliban đứng trước áp lực: Tiếp tục chống cự và bị tiêu diệt, hay là tham gia tiến trình hòa bình?", ông nói.
Có vẻ như chính một số thủ lĩnh Taliban đã gửi tín hiệu muốn tiếp cận với phương Tây, nhưng trong trường hợp đo, đối thoại sẽ như thế nào? Điều đầu tiên mà Taliban muốn là một sự ngừng bắn, qua đó họ sẽ được xem là một lực lượng hợp pháp. Điều này không khó thực hiện, mặc dù nó có nghĩa là Taliban sẽ được đưa ra khỏi danh sách trừng phạt của LHQ cũng như danh sách "đen" của Lầu Năm góc. Nhưng các yêu cầu cơ bản khác của Taliban sẽ khó thực hiện hơn. Ví dụ, Taliban sẽ muốn có một lịch trình rút các lực lượng quốc tế khỏi Afghanistan trong khi việc củng cố và huấn luyện quân đội và cảnh sát địa phương đang tiến triển chậm hơn kế hoạch.
Thêm vào đó, trước khi rút quân, Mỹ muốn bảo đảm các căn cứ của Al Qaeda tại đây đã bị phá hủy và Afghanistan sẽ không bị sử dụng làm căn cứ thực hiện vụ tấn công khủng bố khác. Mặc dù các quan chức Mỹ ước tính hiện chỉ có khoảng 100 thành viên al Qaeda đang hoạt động ở Afghanistan, nhưng theo một quan chức an ninh Afghanistan, vụ tấn công gần đây vào tư dinh LHQ ở Kabul đã được al Qaeda lên kế hoạch và tài trợ nhưng được Taliban thực hiện. Rõ ràng Taliban vẫn có sự liên hệ với al Qaeda, nhất là về mặt tài chính.
Cho đến nay, phụ nữ Afghanistan vẫn chưa được hưởng đầy đủ những quyền cơ bản như được đi học, đi làm việc. Và Washington dễ làm người Afghanistan thất vọng vì họ vẫn tin vào các cam kết của phương Tây về dân chủ và nhân quyền. "Người Afghansitan thực sự không muốn hòa giải. Họ không sẵn sàng cho sự trở lại của Taliban. Họ chỉ muốn chấm dứt cuộc chiến", một quan chức an ninh nói.
Và người Mỹ cũng thế. Đó là lý do nhiều nhà phân tích cho rằng đàm phán với Taliban chỉ là cách để Mỹ và liên quân rời Afghanistan nhanh nhất. Giải pháp này chỉ mang lại hiệu quả thực sự nếu được kết hợp với một chương trình tái thiết quốc gia rộng rãi hơn, đem lại một chính phủ trong sạch và có thể bảo vệ người dân cũng như đem lại cơ hội thực sự cho họ. Rất tiếc đây là cam kết lâu dài với Afghanistan mà Mỹ đang cố né tránh.
Kim Đình(Theo Time)