Hòa đàm với Taliban đổ vỡ, Đặc phái viên Mỹ về Afghanistan bị 'điểm mặt'. (Nguồn: Al Jazeera) |
Chủ tịch ủy ban trên, Hạ nghị sĩ Eliot Engel đã ký trát buộc ông Khalilzad phải xuất hiện tại phiên điều trần dự kiến diễn ra vào ngày 19/9 tới.
Trong tuyên bố của mình, ông Engel đã phàn nàn về việc Quốc hội và người dân Mỹ vẫn còn mơ hồ về kế hoạch hòa bình Afghanistan và cách thức chấm dứt cuộc chiến tại chiến trường Tây Nam Á này của chính quyền trong bối cảnh đã có hơn 2.000 binh lính Mỹ thiệt mạng tại Afghanistan. Ông nhấn mạnh, người phụ trách vấn đề Afghanistan của chính quyền phải trình bày rõ ràng lý do tiến trình này lại "trật khỏi đường ray".
Hiện Bộ Ngoại giao Mỹ chưa đưa ra bình luận nào về việc liệu ông Khalilzad có tuân thủ lệnh trên hay không.
Đây là động thái mới nhất sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ phớt lờ một loạt yêu cầu đặc phái viên Khalilzad ra điều trần về kế hoạch hòa bình Afghanistan và phương hướng của chính quyền đối với quốc gia Tây Nam Á này.
Hồi tuần trước, ông Engel đã thể hiện sự tức giận khi chính quyền không sắp xếp để ông Khalilzad ra điều trần, đồng thời cho biết, Bộ Ngoại giao đã từ chối các yêu cầu này hồi tháng 2, tháng 4 và đầu tháng này.
Ngày 7/9 vừa qua, Tổng thống Mỹ đã bất ngờ tuyên bố hủy các cuộc gặp bí mật với các thủ lĩnh Taliban và Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tại Trại David, cũng như hủy các cuộc đàm phán hòa bình với lực lượng phiến quân.
Lý do để Tổng thống Trump đưa ra quyết định trên là do Taliban tiến hành vụ tấn công tại một trạm kiểm soát gần trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Đại sứ quán Mỹ ở Afghanistan, khiến 12 người thiệt mạng (trong đó có 1 binh sĩ Mỹ) và hơn 40 người bị thương, trong khi vẫn đang đàm phán với Mỹ. Quyết định trên của Washington đã phủ bóng đen lên dự thảo thỏa thuận vừa được nhất trí giữa Mỹ và Taliban tại vòng đàm phán thứ 9 vừa qua.
Giới quan sát nhận định, sự sụp đổ của cuộc đàm phán Mỹ - Taliban có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng bởi nó làm dấy lên lo ngại Taliban sẽ gia tăng các hành vi bạo lực tại Afghanistan để trả đũa. Điều này cũng làm tiêu tan hy vọng của ông chủ Nhà Trắng đưa tất cả các binh sỹ Mỹ trở về nhà trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.