📞

Đánh giá vụ phóng gần đây của Triều Tiên, chuyên gia cố gắng tìm ra lời giải về 'Món quà Giáng sinh'

17:29 | 16/12/2019
TGVN. Ngày 16/12, hai ngày sau khi Triều Tiên thông báo nước này đã tiến hành một vụ thử không xác định, các chuyên gia cho rằng, Bình Nhưỡng có vẻ đã tiến hành vụ thử đốt cháy động cơ bằng nhiên liệu lỏng phục vụ một thiết bị phóng vệ tinh hoặc một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Đánh giá vụ phóng gần đây của Triều Tiên, chuyên gia cố gắng tìm ra lời giải về 'Món quà Giáng sinh'. (Nguồn: AFP)

Hôm 14/12, Triều Tiên thông báo nước này đã tiến hành một vụ thử tại bãi phóng vệ tinh Sohae, hay còn gọi là bãi phóng Dongchang-ri trước đó một ngày. Một nguồn tin quân sự cho rằng, các tình huống xung quanh vụ thử này rất giống với những tình huống được phát hiện trong vụ thử thứ nhất".

Mặc dù, các chuyên gia vẫn bất đồng về việc liệu các vụ thử này đã sử dụng nhiên rắn hay lỏng, theo nguồn tin này, giới chức quân sự tin nhiên liệu lỏng dường như đã được dùng để nâng cấp động cơ hiện nay của tên lửa với mục tiêu phát triển một hệ thống phóng đa tầng mới. Một tên lửa tầm xa với hệ thống phóng đa tầng có thể mang theo lượng chất nổ lớn hơn song vẫn đảm bảo sự đáng tin cậy gia tăng.

Trong khi đó, nói về bản phân tích của một quan chức quân sự về "một vũ khí chiến lược khác" mà Triều Tiên tuyên bố đang phát triển, một nguồn tin cho rằng, Bình Nhưỡng dường như đang ở giai đoạn cuối của việc phát triển một hệ thống phóng mới đồng thời nhấn mạnh, các hệ thống phóng tầm xa sẽ được sử dụng cho cả các thiết bị phóng vệ tinh và ICBM. Dù vẫn còn quá sớm để khẳng định vật sẽ được phóng bằng hệ thống tối tân này là gì.

Trong bối cảnh đó, truyền thông thế giới cũng như nhiều chuyên gia đang đau đầu để giải mã 'món quà Giáng sinh' mà Triều Tiên tuyên bố sẽ "tặng Mỹ" tùy vào cách hành xử của Washington vài tuần trước đây.

Kịch bản thứ nhất là Triều Tiên phóng vệ tinh lên quỹ đạo. Sau Hội nghị Thượng đỉnh tại Hà Nội vào tháng 2 vừa qua, Tổng thống Trump cho biết Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đảm bảo "ông sẽ không thử tên lửa hoặc bất cứ điều gì liên quan đến hạt nhân". Cam kết này không hề xác định cụ thể là “phóng vệ tinh”.

Kể từ khi lên nắm quyền từ năm 2011, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đặt thành công hai vệ tinh lên quỹ đạo. Triều Tiên luôn khẳng định chương trình không gian là vì mục đích hòa bình.

Tuy nhiên, một vụ phóng vệ tinh cũng sử dụng công nghệ tương tự như bắn tên lửa đạn đạo hạt nhân. Tuy chưa rõ chi tiết các vụ thử gần đây nhưng theo các chuyên gia, mỗi vệ tinh mà Triều Tiên phóng vào quỹ đạo đều cung cấp thông điệp quan trọng về chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.

Evans Revere, cựu chuyên gia Triều Tiên tại Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng thông điệp được truyền tải tới Mỹ sẽ là "Triều Tiên thực sự có năng lực tấn công lãnh thổ Mỹ bằng một vũ khí hạt nhân".

Kịch bản thứ 2, nặng ký hơn và chắc chắn khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể “ thờ ơ”, đó là khả năng Triều Tiên có thể thử ICBM.

Theo ông Chang Young-keun, chuyên gia tên lửa tại Đại học Hàng không vũ trụ Hàn Quốc, căn cứ vào tuyên bố cụ thể của Triều Tiên rằng, vụ thử gần đây nhất diễn ra trong 7 phút, Bình Nhưỡng dường như đã thử một động cơ 2 tầng cho ICBM do động cơ một tầng chỉ đốt cháy được khoảng 127 giây.

Chuyên gia này phân tích: "Bằng cách bật và tắt động cơ 2 tầng để thử khả năng điều chỉnh hướng và tốc độ, Triều Tiên có thể đang tìm cách thúc đẩy công nghệ ICBM".

Năm 2017, Triều Tiên cũng đã lần đầu tiên thử nghiệm ICBM như một "món quà" cho Mỹ trong ngày Quốc khánh. Tuy nhiên, Triều Tiên cũng hiểu, nếu thử ICBM hay hạt nhân sẽ vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của Mỹ và thế giới, bao gồm cả đồng minh Trung Quốc. Hàn Quốc và Mỹ chắc chắn sẽ có phản ứng mạnh mẽ, có thể bao gồm nối lại các cuộc tập trận quân sự, triển khai lực lượng Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên… Điều này sẽ phá vỡ tiến trình ngoại giao đạt được gần đây và chấm dứt mọi hi vọng nới lỏng trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.

Rõ ràng với hậu quả của giải pháp thứ 2, giới chuyên gia cho rằng Triều Tiên có khả năng vẫn nghiêng về giải pháp 1 hơn. Có thể, Mỹ hiểu rõ điều này và đặc biệt trong bối cảnh Washington cũng cần “khoảng lặng” trên Bán đảo Triều Tiên để tập trung vào cuộc bầu cử nên Tổng thống Trump đang nỗ lực để đưa Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán.

(tổng hợp)