Ảnh ấn tượng (4-10/11): Nga nói Ukraine cần theo điều này để có cơ hội hòa bình, ông Trump làm nên lịch sử nước Mỹ, Hàn Quốc phóng tên lửa
Dương Liễu
06:11 | 11/11/2024
Xung đột ở Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói Kiev nên giữ thái độ trung lập để có cơ hội hòa bình, ông Trump làm nên lịch sử khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Hàn Quốc phóng tên lửa ra biển Hoàng Hải… là những ảnh ấn tượng trong tuần do CNN, Reuters, The Guardian… tổng hợp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự Phiên họp toàn thể trong khuôn khổ Cuộc họp thường niên lần thứ 21 của Câu lạc bộ Valdai tại Sochi, vùng Krasnodar, Nga, ngày 7/11. Tại đây, ông Putin nói, Kiev nên giữ thái độ trung lập để có cơ hội hòa bình và biên giới của Ukraine phải tuân theo nguyện vọng của người dân. Nhà lãnh đạo thông tin thêm, Nga đã công nhận biên giới hậu Xô Viết của Ukraine dựa trên niềm tin trung lập. Ông cũng khẳng định, Mỹ hay châu Âu không thể thay đổi được sự thật là thế giới cần Nga, đồng thời nhấn mạnh, Moscow luôn sẵn sàng đàm phán nếu có sự cân nhắc đầy đủ về lợi ích hợp pháp của nhau. (Nguồn: Reuters)
Tổng thống đắc cử Donald Trump cùng vợ, bà Melania, và con trai Barron trên sân khấu tại bữa tiệc đêm bầu cử ở West Palm Beach, Florida, Mỹ, ngày 6/11. Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 diễn ra hôm 5/11, ông Trump đã đánh bại bà Kamala Harris, giành tổng số 312 phiếu đại cử tri, trong khi đối thủ giành 226 phiếu. Sự trở lại của ông sau 4 năm cũng đánh dấu lần đầu tiên trong vòng 100 năm qua nước Mỹ có một tổng thống làm hai nhiệm kỳ không liên tiếp. Trong cuộc bầu cử năm nay, ứng viên đảng Cộng hòa đã làm được điều ông không thể làm vào năm 2016 và 2020: giành được số phiếu phổ thông và phiếu đại cử tri nhiều nhất. (Nguồn: CNN)
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, ứng viên của đảng Dân chủ, phát biểu tại Đại học Howard ở Washington, DC, ngày 6/11. Bà Harris thể hiện thái độ tích cực khi chấp nhận thất bại trước ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024, nhấn mạnh sẽ chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. (Nguồn: CNN)
Những người ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vui mừng trước kết quả cuộc bầu cử năm 2024 tại một địa điểm ở New York, Mỹ, ngày 6/11. (Nguồn: Reuters)
Người dân ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris vỗ tay khi ứng cử viên của đảng Dân chủ có bài phát biểu thừa nhận thất bại tại Washington, DC, ngày 6/11. (Nguồn: AP)
Randy Sayes, người di cư từ Guatemala đang tìm đường đến Mỹ để xin tị nạn cùng gia đình, xem tin tức về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trên ti vi tại nơi trú ẩn Buen Samaritano ở Ciudad Juarez, Mexico, ngày 5/11. (Nguồn: Reuters)
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant chào kiểu quân nhân vào cuối buổi họp báo sau khi ông bị Thủ tướng Benjamin Netanyahu sa thải, với lý do thiếu tin tưởng, tại trụ sở Bộ Quốc phòng nước này ở Tel Aviv, ngày 5/11. (Nguồn: Reuters)
Hàng nghìn người biểu tình ở Tel Aviv, Israel, đốt lửa và chặn một trong những xa lộ đông đúc nhất cả nước, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant bị Thủ tướng Benjamin Netanyahu cách chức, ngày 5/11. Các ông Netanyahu và Gallant thường bất đồng quan điểm về cuộc chiến của Israel ở Gaza. (Nguồn: AFP/Getty Images)
Trẻ em Palestine nhận thực phẩm tại trại tị nạn Bureij ở trung tâm Gaza, ngày 6/11. Cuộc chiến Israel-Hamas tại dải đất của Palestine đã kéo dài hơn 1 năm mà chưa tìm được giải pháp giảm căng thẳng, khiến người dân nơi đây lâm vào cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. (Nguồn: AFP/Getty Images)
Trẻ em ngồi trên chiếc ghế sofa giữa cảnh đổ nát do cuộc không kích của Israel tại trại tị nạn Nuseirat ở trung tâm Dải Gaza. Trong một báo cáo phát hành tuần qua, Liên hợp quốc cho biết, gần 70% số người thiệt mạng trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Gaza là phụ nữ và trẻ em. (Nguồn: AFP/Getty Images)
Hiện trường sau cuộc không kích của Israel vào di sản thế giới được UNESCO công nhận ở Baalbek, Lebanon. Israel ngày càng nhắm mục tiêu tấn công vào thành phố Baalbek ở phía Đông Lebanon và thung lũng Bekaa xung quanh, nơi được coi là thành trì của lực lượng Hezbollah. Thống đốc tỉnh này đã chỉ thị cho người dân không tìm nơi trú ẩn gần các di tích, vì ông không thể đảm bảo rằng những nơi này sẽ không bị đánh bom. (Nguồn: Getty Images)
Binh sĩ của Lữ đoàn cơ giới số 57, quân đội Ukraine vận hành máy bay không người lái FPV trên tiền tuyến ở vùng Kharkov, Ukraine, ngày 7/11. Xung đột Nga-Ukraine bùng phát từ tháng 2/2022 tới nay chưa tìm được lối thoát. (Nguồn: AP)
Binh sĩ theo dõi tình hình tiền tuyến bằng ống nhòm ở Bắc Khartoum, Sudan. Xung đột giữa quân đội chính quy do Tướng Abdel Fattah al-Burhan chỉ huy và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự do cựu phó tướng của ông, Mohamed Hamdan Daglo, đứng đầu, đã ở nổ ra ở nước này từ tháng 4/2023 tới nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. (Nguồn: AFP/Getty Images)
Tên lửa đạn đạo Hyunmoo-II được phóng từ bệ phóng di động (TEL) ở Taean, tỉnh Chungcheong Nam, cách Seoul 108 km về phía Tây Nam, Hàn Quốc, ngày 8/11, trong khuôn khổ cuộc tập trận bắn đạn thật. Động thái này diễn ra sau khi hôm mùng 5/11, Triều Tiên phóng nhiều tên lửa đạn đạo tầm ngắn hướng ra vùng biển phía Đông. (Nguồn: Yonhap)
Người phụ nữ ôm người đàn ông khi họ dọn một số đồ đạc trong ngôi nhà bị ngập lụt ở Paiporta, Tây Ban Nha, ngày 5/11. Mưa lớn gây lũ quét kinh hoàng hôm 29/10 tại nước này đã khiến ít nhất 217 người tử vong và hơn 80 người khác vẫn còn mất tích. Hầu hết các trường hợp tử vong xảy ra ở khu vực Valencia. (Nguồn: AP)
Lính cứu hỏa cố gắng dập tắt đám cháy tại một công trình ở Camarillo, California, Mỹ, ngày 6/11. Đám cháy rừng bắt đầu vào sáng cùng ngày, không ngừng lan rộng chỉ trong vài giờ đã thiêu rụi nhiều ngôi nhà trong khu vực và khiến chính quyền phải gửi hơn 14.000 thông báo sơ tán. (Nguồn: AFP/Getty Images)
Các công nhân phun hóa chất để làm sạch bọt độc hại trên sông Yamuna bị ô nhiễm, ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 5/11. Đây không phải là lần đầu tiên bọt - hỗn hợp nước thải và chất thải công nghiệp - hình thành trên các đoạn sông ở quốc gia Nam Á này. (Nguồn: Reuters)
Các em học sinh tại ngôi làng Lewolaga ở miền Đông Indonesia tháo chạy trong khi núi lửa Lewotobi Laki-Laki phun trào, ngày 7/11. Hôm 9/11, núi lửa này tiếp tục phun trào, tạo ra cột tro bụi khổng lồ cao đến 9 km, đe dọa cuộc sống của hàng nghìn cư dân địa phương. (Nguồn: AFP/Getty Images)
Tay đua biểu diễn trong buổi trình diễn xe mô tô địa hình tự do tại hội chợ triển lãm xe máy EICMA ở Rho, ngoại ô Milan, Italy, ngày 7/11. (Nguồn: AP)
Các vận động viên tham gia giải chạy Marathon thành phố New York chạy qua cầu Verrazzano-Narrows, ngày 3/11. (Nguồn: Getty Images)
Vận động viên Kia Cruickshanks lướt sóng tại Lost Shore Surf Resort ở Newbridge, khu du lịch lướt sóng nội địa đầu tiên của Scotland, ngày 5/11. Hồ bơi tạo sóng, nằm ở ngoại ô Edinburgh, thuộc một công viên rộng hơn 24 ha và sẽ tạo ra tới 1.000 con sóng mỗi giờ. (Nguồn: Getty images)
Khách du lịch tham quan đài quan sát bằng kính tại khu danh lam thắng cảnh núi Shiniu ở thành phố Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, ngày 6/11. (Nguồn: Getty)
Người dân đi ngang qua bức tranh tường do nghệ sĩ Kobra thực hiện tại khu vực cảng Rio de Janeiro, Brazil, ngày 6/11. (Nguồn: AFP/Getty Images)
Trở lại Nhà Trắng một cách mạnh mẽ, áp đảo, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ 'đối đãi' với thế giới như thế nào trong nhiệm kỳ 2.0 vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Chuyên gia Trung Quốc: Bài viết 'Chống lãng phí' của Tổng Bí thư Tô Lâm nêu bật nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam trước cơ hội lịch sử của “kỷ nguyên vươn mình".