📞

“Đánh thức” thói quen đọc sách

11:36 | 23/05/2008
Nguyên nhân của văn hóa đọc bị xuống cấp rõ ràng là có rất nhiều: do bị văn hóa nghe nhìn lấn át, do quá thiếu sách hay, do trẻ em không được giáo dục thói quen đọc sách, do công tác quản lý xuất bản và do... Chính vì vậy rất nhiều ý kiến cho rằng muốn làm “thức dậy” thói quen đọc sách, thì phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

GS. Văn Như Cương: Ta hãy thử xem một cán bộ sẽ đọc vào lúc nào? Buổi sáng: tập thể dục, ăn sáng rồi đi làm. Buổi trưa: ăn trưa, nghỉ ngơi một chút, hoặc tán gẫu với nhau, hoặc đọc lướt qua mấy tờ báo.

Buổi chiều sau giờ làm: chơi thể thao hoặc bia bọt với bạn bè, rồi về nhà, ăn cơm chiều với gia đình, nghỉ ngơi một chút, chờ xem “Cô gái xấu xí”, hoặc “Những người độc thân vui vẻ” , hoặc cái gì đó... rồi đi ngủ sớm để nửa đêm xem “Ngoại hạng Anh”.

Một thời gian biểu như thế thì đúng là không biết đọc vào lúc nào! Học sinh thì việc học hành chiếm khá nhiều thời gian. Học chính, học phụ, học thêm… Nếu còn chút thì giờ thì… đi picnic, đi sinh nhật bạn bè, đi chơi “game” hoặc ngồi “chát” với nhau, lướt trên mạng…

Sinh viên thì ngoài học ra còn phải kiếm tiền, kiếm được tiền rồi thì lại phải chiêu đãi bạn bè… Nói tóm lại chẳng kiếm đâu ra thời gian để đọc… Các nhà quản lý thì nói chung cũng thiếu thời gian. Thời gian của họ phần lớn dành cho việc họp hành, khai mạc, khởi công, bế mạc, tổng kết, phát thưởng, liên hoan, chiêu đãi…

Tối về thì hoặc phải tiếp cấp dưới, hoặc đi thăm viếng cấp trên, nếu không thì cũng đã quá mệt mỏi, đâu có hứng thú mà đọc cái gì… Có lẽ người đọc nhiều nhất  là các nhà nghiên cứu, các nhà văn, nhà thơ, các  thầy cô giáo, các cụ già, những người về hưu… Cố nhiên đối với những người mê sách thì lại khác. Họ luôn kiểm đủ thì giờ để truy tìm sách, để đọc sách.

Giáo sư Phạm Đức Dương: Gần đây có một vấn đề đặt ra cần phải định hướng cho người đọc ngay từ ở khâu xuất bản. Và khi đã có định hướng thì chúng ta sẽ giới thiệu cho bạn đọc biết sách nào tốt, sách nào nên đọc... bớt đi những sách có nội dung xấu, mê tín dị đoan...

Hiện nay ở các cơ quan quản lý xuất bản, phát hành dường như mới chỉ quan tâm đến việc tránh sai sót về chính trị còn những thứ khác dường như không mấy được quan tâm, nhiều nhà xuất bản còn dùng quyền lực của mình để bán giấy phép, vì thế không quản lý hết được.

Vậy thì theo tôi cần phải có cơ quan giúp cho Đảng, giúp cho Nhà nước để làm sao đó hướng dẫn cho người đọc một tác phẩm tốt và có một thị trường sách tốt đẹp hơn.

Bà Phan Thị Kim Dung -Phó GĐ Thư viện Quốc gia: Để khắc phục được tình trạng ít người đọc sách như hiện nay, cả xã hội, các cấp ngành phải làm đồng bộ dưới tác dụng truyền thông rộng rãi, liên tục chứ không chỉ một một cơ quan nào làm được.

Tôi rất muốn mỗi tháng, mỗi năm lại có ngày phát động toàn dân đọc sách, tiến dần đến thói quen đọc sách hàng tuần, rồi hàng ngày. Đối với người dân ở vùng sâu vùng xa, điều kiện đọc sách không có. Nếu phong trào quyên góp sách được làm rầm rộ, chắc hẳn sẽ có nhiều sách mang đến vùng cao, vùng xa hơn và cơ hội được tiếp xúc với người dân ở đây sẽ cao hơn.

Phạm Thu Vân – sinh viên Khoa Văn - Đại học Sư phạm Hà Nội I: Tôi cho rằng một trong những nguyên nhân làm sinh viên hiện nay ít vào thư viện đọc sách là vì rào cản từ các thủ thư. Sự lặng lẽ, ít nói, không cởi mở của họ khiến nhiều sinh viên cảm thấy khó chịu, ức chế, vài ba lần không muốn vào đọc sách nữa.

Nếu các thư viện cởi mở hơn trong cách tiếp xúc cũng như quy trình mượn sách, tìm sách dễ dàng hơn chắc chắn sẽ thu hút được nhiều sinh viên hơn. Tôi nghĩ cũng nên nhân rộng và phát triển nhiều hơn nữa mô hình cà phê sách. Khách đến quán tự nhiên sẽ coi việc đọc sách như giải trí, hết sức nhẹ nhàng, lâu dần thành thói quen thích cầm sách đọc.

Ông Phạm Quý Thế - Trưởng phòng Văn hóa phẩm - Tổng Công ty phát hành sách Việt Nam: Muốn bạn đọc yêu thích việc đọc sách thì phải dùng chính sức hấp dẫn của sách để chiến thắng các phương tiện khác.

Một thời gian chúng ta là sách bao cấp, sách ít mà nhu cầu đọc lại nhiều. Còn bây giờ sách quá nhiều, thượng vàng hạ cám, thanh niên không biết phải lựa chọn thế nào. Theo thói quen, món gì lạ hay được nhắc nhiều thì tìm mua nên khó tránh khỏi việc sẽ vớ phải những cuốn sách dở.

Rõ ràng ở đây, vai trò định hướng của các cơ quan chức năng, các NXB, nhà sách là rất lớn. Các NXB phải có trách nhiệm, và phải có cả lương tâm để làm ra những cuốn sách hay, hấp dẫn và bổ ích cho thanh niên. Bên cạnh đó, việc phân loại sách theo đối tượng cũng rất quan trọng. Những học sinh, sinh viên đi học xa nhà và người dân ở tỉnh lẻ thì làm gì có tiền để mua sách

Theo ANTĐ