Nhỏ Bình thường Lớn

Đánh thức tiềm năng của 'xứ Dừa' Bến Tre

Với tiềm năng và lợi thế về kinh tế biển và kinh tế vườn, nguồn nhân lực trẻ dồi dào, có tay nghề cần cù, chịu khó học hỏi, đầy sáng tạo của người dân Bến Tre là thế mạnh của tỉnh trong quá trình hội nhập, mở rộng hợp tác đầu tư.
Đánh thức tiềm năng của 'xứ Dừa' Bến Tre
Toàn cảnh thành phố Bến Tre của tác giả Nguyễn Trung Hiếu.

Bến Tre nằm liền kề Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 86 km, chỉ mất 1,5 giờ đi ô tô theo tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương; cách TP. Cần Thơ khoảng 122km, chỉ mất hơn 2 giờ theo tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Tỉnh có trục Quốc lộ 60 và 57 kết nối với các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long hướng về các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Đặc biệt, Bến Tre có nhiều kênh rạch, sông nhánh liên tục chảy qua, tạo thành mạng lưới sông ngòi rất phong phú, thuận lợi giao thông đường thủy, vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa đi đến các cảng, biển của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư

Kiên định mục tiêu đồng hành với doanh nghiệp, xây dựng chính quyền năng động, kiến tạo và phục vụ, nhằm tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh hiệu quả để thu hút đầu tư, tỉnh Bến Tre đang trở thành địa phương hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Tính đến ngày 30/6/2024, Bến Tre có 294 doanh nghiệp và 188 đơn vị trực thuộc thành lập mới với vốn đăng ký 1.207,7 tỷ đồng, đạt 24,92% kế hoạch, tăng 3,89% về số doanh nghiệp và bằng 48,69% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 6.405 doanh nghiệp với vốn đăng ký 77.076,1 tỷ đồng, trong đó có 4.087 doanh nghiệp đang hoạt động với vốn đăng ký 61.007,6 tỷ đồng.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 801,66 triệu USD, tăng 14,16% so với cùng kỳ năm trước và đạt 45,81% so với kế hoạch năm. Hàng CN-TTCN có kim ngạch xuất khẩu cao nhất, đạt 655,65 triệu USD, tăng 13,89% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng rau quả đứng thứ hai đạt 95,68 triệu USD tăng 15,06%; đứng sau cùng hàng thủy hải sản chế biến với 50,34 triệu USD tăng 16,00%.

Theo Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 của các địa phương trên cả nước do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, tỉnh Bến Tre xếp vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng cả nước và đứng thứ 3 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tăng 6 bậc so với năm 2022. Về Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023, Bến Tre xếp thứ 19 trong bảng xếp hạng, với tổng điểm của 4 chỉ số thành phần là 22,53 điểm.

Đánh thức tiềm năng của 'xứ Dừa' Bến Tre
Khu di tích lịch sử Cây Da Đôi của tác giả Đặng Nhất Linh.

Kết quả này ghi nhận những nỗ lực lớn của hệ thống chính trị, các cấp chính quyền tỉnh Bến Tre trong việc thực hiện mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, đem lại sự hài lòng của nhân dân và doanh nghiệp. Thể hiện rõ sự nhất quán của chính quyền tỉnh Bến Tre là luôn quan tâm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, gắn với kiến tạo môi trường khởi nghiệp thực chất, thông qua việc triển khai có hiệu quả Chương trình Đồng khởi mới, Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, nhằm tạo bứt phá, đẩy mạnh việc vận động chuyển đổi các cơ sở sản xuất nhỏ lên doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hàng hóa, mở rộng thị trường...

Trong bối cảnh nhiều khó khăn và thử thách đan xen, để đạt được kết quả trên là do lãnh đạo tỉnh luôn nhất quán, kiên định mục tiêu đồng hành với doanh nghiệp và duy trì thường xuyên các buổi họp mặt, trao đổi và đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp qua việc họp mặt doanh nghiệp đầu năm và họp mặt doanh nghiệp nhân kỉ niệm ngày doanh nhân Việt Nam (13/10) nhằm tạo diễn đàn chia sẻ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp. Với mô hình “Cà phê doanh nghiệp” hàng tháng đã thu hút ngày càng đông đảo lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp tham dự và chia sẻ, đề xuất, góp ý, hiến kế cho tỉnh trong điều hành kinh tế, phát triển doanh nghiệp.

Đồng thời, nhiều địa phương đã làm tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các buổi gặp gỡ, trao đổi. Qua đó, nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được lãnh đạo, địa phương lắng nghe và chỉ đạo giải quyết kịp thời. Đây cũng là nơi để cộng đồng doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu chia sẻ những thuận lợi, khó khăn và hợp tác để cùng phát triển bền vững.

Việc tiếp cận đất đai để triển khai dự án đầu tư của doanh nghiệp đã được cải thiện tích cực. Đặc biệt, một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần tăng điểm Chỉ số tiếp cận đất đai là do những năm gần đây, Bến Tre quy hoạch nhiều khu, cụm công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận đất đai, không mất quá nhiều thời gian để chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Bên cạnh việc nâng cao Chỉ số PCI, Bến Tre cũng tập trung cải thiện, nâng cao Chỉ số PGI, nhằm thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái đầu tư, kinh doanh thân thiện với môi trường; phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường, được các doanh nghiệp, nhà đầu tư ủng hộ. Tỉnh cũng định hướng nhà đầu tư nâng cao năng lực và trách nhiệm bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy nhiều dự án xanh hơn. Đây là những giải pháp hữu hiệu để Bến Tre nâng dần Chỉ số PGI trong thu hút đầu tư.

Theo Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh ưu tiên phát triển về hướng Đông, định hướng phát triển 50.000 ha về hướng biển, bao gồm cả lấn biển (diện tích phát triển thêm gần bằng 1/4 diện tích của tỉnh hiện nay). Tỉnh sẽ tập trung vào các lĩnh vực: Hạ tầng giao thông ven biển kết nối vùng (kết nối từ TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Trà Vinh đến Sóc Trăng); Hạ tầng Logistic (cảng, dịch vụ vận chuyển, kho bãi…); Sắp xếp sản xuất nông nghiệp và thủy sản (công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu); Nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt; Khu Công nghiệp (công nghiệp chế biến, chế tạo); Du lịch: sinh thái, biển, văn hóa lịch sử; Phát triển đô thị ven biển, sắp xếp dân cư; Năng lượng sạch, tái tạo; Hydro xanh.

Để phát triển công nghiệp, Bến Tre tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, tạo quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Ngày 17/11/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó có định hướng phát triển và mở rộng 7 Khu công nghiệp và 14 Cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 2.290 ha, hiện nay KCN Phú Thuận (232 ha) đang hoàn thiện đầu tư hạ tầng để mời gọi nhà đầu tư thứ cấp.

Dự kiến trong tháng 9 năm 2024, tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Bến Tre với quy mô lớn, để mời gọi các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án, các ngành/lĩnh vực, … trong Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Bến Tre là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi bởi nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, phân bố một cách hài hòa, hợp lý giữa các cù lao. Nơi đây không chỉ có 65km đường bờ biển mà còn cả hệ thống sông, rạch chằng chịt, là tiềm năng to lớn để địa phương phát triển du lịch sinh thái.

Cũng nhờ vào hệ thống sông ngòi mà khí hậu ở Bến Tre trở nên trong lành, mát mẻ quanh năm. Bên cạnh đó, sông rạch còn chứa đựng hệ sinh thái với nhiều thảm thực vật như dừa nước, bần, đước, tràm, cỏ lau… cùng nguồn thủy hải sản phong phú, phần nào đáp ứng nhu cầu về nghỉ dưỡng, giải trí cũng như ẩm thực của du khách mỗi khi đến Bến Tre.

Phát huy những tiềm năng và lợi thế sẵn có, Bến Tre đặt mục tiêu đến năm 2025 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và là một trong những điểm đến sinh thái, trải nghiệm văn hóa hàng đầu khu vực ĐBSCL đối với khách quốc tế, điểm đến nghỉ dưỡng ngắn ngày hàng đầu khu vực đối với khách trong nước.

Đánh thức tiềm năng của 'xứ Dừa' Bến Tre
Du lịch biển - Nguyễn Kim Cường.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu du lịch của tỉnh đạt 1.594 tỷ đồng, với gần 1,3 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 245 ngàn lượt khách quốc tế. Với mục tiêu tăng trưởng đến năm 2025, Bến Tre phấn đấu đạt nguồn thu từ hoạt động du lịch từ 3.800 tỷ đồng trở lên, thu hút trên 2,8 triệu lượt khách (trong đó có 1,12 triệu khách quốc tế).

Đến năm 2030, Bến Tre đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững; đồng thời trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao và thuộc nhóm dẫn đầu các địa phương trong khu vực, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững. Để đạt mục tiêu đề ra, Bến Tre đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Bến Tre; tăng cường thu hút đầu tư, tập trung vào khu du lịch trọng tâm; phát triển sản phẩm và truyền thông quảng bá, xúc tiến du lịch…

Đánh thức tiềm năng của 'xứ Dừa' Bến Tre
Trái dừa trên đường hội nhập của tác giả Nguyễn Nam Phương.

Bến Tre thực hiện giải pháp thúc đẩy phát triển nhanh thị trường du lịch nội địa, tạo nền tảng cho tăng trưởng bứt phá trong ngắn hạn. Đồng thời, đa dạng hóa, khai thác hiệu quả thị trường nguồn khách quốc tế, chú trọng thị trường có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày; liên kết phát triển sản phẩm, thị trường, kết nối tour, tuyến, điểm du lịch trong vùng và liên vùng; phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, tham gia vào phát triển du lịch mang đậm bản sắc văn hóa địa phương; đa dạng hóa hình thức, sản phẩm du lịch, chú trọng liên kết giữa du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, gắn với phát triển xanh, bền vững và phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”.

Bến Tre đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; thúc đẩy các sản phẩm du lịch liên quan đến nông nghiệp, dịch vụ du lịch gắn cảnh quan nông thôn, văn hóa cộng đồng, phát huy tối đa du lịch nông nghiệp, gắn với nông thôn và nông dân, phát huy ngành, nghề, làng nghề, dịch vụ nông thôn. Tập trung phát triển thương hiệu du lịch Bến Tre xứ Dừa dựa vào tiềm năng, lợi thế về tự nhiên; lịch sử, truyền thống văn hóa địa phương, xây dựng Bến Tre là điểm đến an toàn, hấp dẫn, thân thiện, hiếu khách…

TIN LIÊN QUAN
Trang bị cho thế hệ trẻ kỹ năng, kiến thức trở thành một phần của nền kinh tế carbon thấp
'Đánh thức' tiềm năng du lịch Lang Chánh
Vụ trẻ mầm non bị quên trên xe: Cần quy trình của sự tận tâm, trách nhiệm và ứng xử vì đứa trẻ
Khuyến khích doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững nhờ các giải pháp dựa vào tự nhiên
Lệnh trừng phạt của EU nhằm vào năng lượng Nga có thực sự ‘chậm mà chắc’? Nền kinh tế xứ bạch dương trên đà chiếm vị trí số 1 châu Âu

Thành Hải