Hà Nội được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển du lịch đêm. (Ảnh: Ngô Minh Châu) |
Nhiều tiềm năng về du lịch đêm
Thời gian qua, Hà Nội rất quan tâm đến kinh tế đêm, đã triển khai nhiều hoạt động văn hóa du lịch ban đêm. Thành phố đã tổ chức các không gian phố đi bộ - chợ đêm dịp cuối tuần tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ; cho phép một số quán bar, nhà hàng trong khu phố cổ mở cửa đến 2 giờ sáng... Một số doanh nghiệp kết hợp với điểm đến tổ chức các tour du lịch đêm tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Văn học Hà Nội...
Đầu năm 2024, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức lễ ra mắt 15 sản phẩm du lịch đêm Hà Nội, là sự kiện thuộc chuỗi hoạt động định hướng phát triển sản phẩm du lịch đêm trên địa bàn thành phố, nhằm phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm.
Các sản phẩm du lịch đêm mới đưa vào khai thác ở Hà Nội đã mang đến tín hiệu vui cho du lịch Thủ đô khi có thêm những sản phẩm du lịch hấp dẫn, giúp kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu bình quân trên đầu người của du khách. Tuy nhiên, trên thực tế, những sản phẩm du lịch này vẫn còn nhiều hạn chế, chưa có một quy chế thống nhất để tổ chức, thu hút và giữ chân du khách vui chơi về đêm.
Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 80-KL/TƯ về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó yêu cầu Hà Nội “nghiên cứu, phát triển các mô hình kinh tế đêm đặc thù đối với từng khu vực, xây dựng TP. Hà Nội trở thành điểm đến an toàn, sôi động, hấp dẫn, đặc sắc, có thương hiệu về kinh tế đêm, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách, có năng lực cạnh tranh cao hơn so với các điểm đến khác trong nước và quốc tế”.
Một số chuyên gia nhìn nhận, kết luận này có ý nghĩa to lớn, vừa là cơ hội vừa tạo động lực để Hà Nội tìm ra các giải pháp khai thác tốt tiềm năng du lịch đêm, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, thể hiện sự thống nhất về mặt chủ trương, là “kim chỉ nam” cho quá trình hoạch định chính sách, tiến tới các bước thực hiện cụ thể để phát triển kinh tế đêm phù hợp với điều kiện, đặc điểm, nguồn lực riêng có của Thủ đô.
Theo bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, phát triển du lịch đêm là một trong những hoạt động trọng điểm được Thành phố đặc biệt quan tâm và đã có chỉ đạo về việc phát triển loại hình kinh tế này trở thành một phần không thể thiếu của sự phát triển kinh tế - xã hội. Sau không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận được triển khai thí điểm từ tháng 9/2016, đến nay, Hà Nội có thêm 4 tuyến phố đi bộ là: Phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ; Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, thị xã Sơn Tây; khu phố ẩm thực kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã, quận Ba Đình; không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông và khu vực phụ cận, quận Hai Bà Trưng.
Mặc dù du lịch đêm của Hà Nội đã có sự tăng trưởng gần đây nhưng chưa thực sự bứt phá. Các dịch vụ chưa thực sự phong phú, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của du khách. Thực tế cho thấy, nhu cầu khách du lịch sử dụng các dịch vụ vui chơi giải trí, thưởng thức nghệ thuật về đêm rất lớn, không chỉ loanh quanh ở phố đi bộ, chợ đêm, quán karaoke hay ăn vặt. Doanh thu du lịch và mức chi tiêu của du khách tại Hà Nội còn thấp do vẫn còn khoảng trống khai thác các dịch vụ sau 24 giờ.
Bà Đặng Hương Giang cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do thiếu cơ chế, chính sách thu hút đầu tư sản phẩm du lịch về đêm, chưa quy hoạch không gian để xây dựng các tổ hợp du lịch đêm riêng biệt.
Mặc dù du lịch đêm của Hà Nội đã có sự tăng trưởng gần đây nhưng chưa thực sự bứt phá. (Ảnh: Hà An) |
Tận dụng cơ hội để bứt phá
Theo các chuyên gia, khi quy mô và quản lý tốt, du lịch đêm có thể mang lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường. Thực tế, vẫn còn nhiều tiềm năng mà Hà Nội chưa được khai thác đầy đủ và cần được quan tâm hơn.
Đưa ra giải pháp, ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Phát triển du lịch châu Á, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam khẳng định, để khai thác tốt tiềm năng du lịch đêm, Hà Nội cần chủ động rà soát chính sách và khung pháp lý liên quan phát triển kinh tế ban đêm. Theo đó, cơ chế chính sách phát triển, quản lý kinh tế đêm phải được xây dựng trên cơ sở làm rõ hiện trạng, nguyên nhân, những trở ngại và thuận lợi của kinh tế ban đêm ở Hà Nội. Từ đó, mới khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển. Trong đó, tập trung vào các quy định về khu vực hoạt động; sản phẩm ưu tiên phát triển ban đêm; thời gian hoạt động; giấy phép hoạt động; tiêu chuẩn hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể tham gia kinh tế ban đêm...
Đồng thời, nghiên cứu, đánh giá tương tác giữa chính sách phát triển du lịch ban đêm và các mô hình, hoạt động kinh tế mới, hiện đại khác để có những giải pháp đủ toàn diện, đồng bộ. Hà Nội cần nghiên cứu và xây dựng mô hình phát triển du lịch ban đêm phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn ở địa phương.
Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác quản lý, tuần tra, kiểm soát và nắm tình hình nhằm phòng ngừa việc xuất hiện các tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự. Muốn xây dựng, phát triển du lịch đêm cần có nền tảng cơ sở hạ tầng đồng bộ. Việc tăng cường ánh sáng đường phố và bảo đảm an ninh diễn ra hoàn toàn quyết định đến sự phát triển của kinh tế đêm. Bên cạnh đó, quảng bá và tiếp thị mạnh mẽ cũng là một yếu tố quan trọng để phát triển du lịch đêm.
Nhiều chuyên gia du lịch kỳ vọng, việc đẩy mạnh triển khai các sản phẩm du lịch đêm giúp Hà Nội trở thành địa phương thành công trong xây dựng các tour du lịch đêm. Bày tỏ quan điểm của mình, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, kinh tế đêm mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng gặp phải những rủi ro tiềm ẩn khác như vấn đề an ninh, an toàn giao thông, ô nhiễm tiếng ồn, rác thải, áp lực về cung cấp hệ thống hạ tầng thiết yếu.
Cùng với đó là các vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, giá cả hàng hóa... Vì vậy, ông Thắng cho rằng, quan trọng nhất vẫn là cần có cơ chế chính sách phù hợp, đặc thù cho hoạt động kinh tế đêm. Từ đó, Hà Nội có thể xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực về đêm, du lịch mua sắm. Hiện tại, khu vực có thể tập trung cho kinh tế đêm là Phố cổ Hà Nội. Tại đây, có thể xây dựng một số tour trải nghiệm về đêm đặc thù kết hợp với tour ẩm thực để hấp dẫn khách.
Giám đốc Sở Du lịch TP. Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, trong kế hoạch xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đêm trên địa bàn thành phố, Sở Du lịch TP. Hà Nội sẽ tiến hành khảo sát tiềm năng phát triển kinh tế đêm tại một số quận, huyện, thị xã. Trên cơ sở đó, lựa chọn, xây dựng sản phẩm du lịch đêm phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn tại từng địa bàn. Hà Nội sẽ tập trung vào những tài nguyên mà có thể khai thác ngay được như hoạt động của các di tích, các loại hình nghệ thuật, ẩm thực.
Với những hoạt động tích cực từ các đơn vị tạo sản phẩm du lịch đêm, Hà Nội được kỳ vọng sẽ là một trong những địa phương xây dựng thành công mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm, đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Hà Nội. Thông qua đó, giúp du lịch Hà Nội khẳng định thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch, tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa và quốc tế khi đến với Thủ đô Hà Nội.
Hà Nội được kỳ vọng sẽ là một trong những địa phương xây dựng thành công mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm. (Ảnh: Nguyệt Anh) |
Tái hiện Hà Nội thời bao cấpTiếp tục khẳng định vị thế của Hà Nội là một điểm đến du lịch an toàn và hấp dẫn, Sở Du lịch Hà Nội chủ trì, phối hợp với UBND Quận Ba Đình tổ chức chương trình quảng bá du lịch đêm Hà Nội 2024, công bố và trao quyết định công nhận điểm du lịch cấp thành phố và nghề truyền thống tại quận Ba Đình, khai trương sản phẩm du lịch Tuyến tàu điện số 6 tại Đảo Ngọc Ngũ Xã. Theo đó, lễ khai mạc chương trình quảng bá sản phẩm du lịch Đêm Hà Nội 2024 và công bố Quyết định công nhận 3 điểm du lịch: Di tích quốc gia đặc biệt đền Quán Thánh, đền Voi Phục và đảo Ngọc - Trúc Bạch, quận Ba Đình, khai trương sản phẩm du lịch Tuyến tàu điện số 6 diễn ra vào tối 29/11. Chương trình hứa hẹn mang đến trải nghiệm thú vị với nguồn cảm hứng từ thời bao cấp, tái hiện đời sống hàng ngày của người dân trong giai đoạn lịch sử này. Lần đầu tiên tại Hà Nội, toàn bộ không gian sự kiện sẽ được thiết lập như một phim trường với bối cảnh là một khu phố với các toa tàu điện, các cửa hàng bách hoá… giúp du khách như được quay trở lại với ký ức của một trong những thời kỳ đặc biệt của đất nước. Đến với sự kiện, du khách sẽ được tham quan và trải nghiệm các hoạt động nghệ thuật đặc sắc; thưởng thức ẩm thực phong phú và những câu chuyện đậm chất Hà Nội. |
| Nếu kết hợp hài hòa giữa đổi mới công nghệ, xây dựng nội dung chất lượng cao và duy trì giá trị cốt lõi, Báo ... |
| Bài 1: Tạo xung lực mới, không gian mới để Hà Nội phát triển toàn diện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua đã thể chế hóa đầy đủ cơ chế mang tính đặc thù để ... |
| Bài 2: 'Cú hích' cho làn sóng đổi mới, sáng tạo của công nghiệp văn hóa Hà Nội Luật Thủ đô (sửa đổi) như một "cú hích", tiếp sức cho làn sóng đổi mới, sáng tạo của công nghiệp văn hóa, là sự ... |
| Bài 3: Mở cánh cửa cho quy hoạch và phát triển giao thông đô thị Hà Nội Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Luật được thông qua ... |
| Bài 4: Thể hiện đường lối, tầm nhìn dài hạn, mở ra giai đoạn phát triển mới cho Hà Nội Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được thông qua với những chính sách mới được kỳ vọng sẽ là “đòn bẩy” để thúc đẩy Thủ ... |
| Bài cuối: Để Luật đi vào cuộc sống, hiện thực hóa khát vọng phát triển văn minh, hiện đại Theo các chuyên gia, Luật Thủ đô năm 2024 là không gian pháp lý hội đủ các nhân tố thiên thời - địa lợi - ... |
| Luật Thủ đô (sửa đổi) nâng tầm giáo dục Hà Nội Theo nhiều chuyên gia, Luật Thủ đô (sửa đổi) góp phần đưa Hà Nội thành trung tâm lớn về giáo dục, đào tạo chất lượng ... |