Đưa ngành du lịch ở Quảng Ngãi từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó lấy Lý Sơn làm hạt nhân để thúc đẩy phát triển du lịch của toàn tỉnh. (Ảnh: Anh Tuấn) |
Hiện nay, dù ngành du lịch Quảng Ngãi được đánh giá còn khá là non trẻ so với các địa điểm du lịch nổi tiếng khác trên Việt Nam, song nhờ sở hữu vị trí địa lý đặc biệt, Quảng Ngãi đang tận dụng được những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, từng bước trở thành trung tâm du lịch lớn thu hút đông đảo du khách trong tương lai.
Tiềm năng du lịch biển
Lý Sơn là một huyện đảo của tỉnh Quảng Ngãi, nằm cách bờ khoảng 30km, với diện tích gần 10km2 và dân số hơn 20.000 người. Huyện đảo Lý Sơn gồm 3 hòn đảo là Đảo Lớn, Đảo Bé và hòn Mù Cu. Đảo Lớn còn gọi là Cù Lao Ré, là trung tâm của Lý Sơn. Đảo Bé còn có tên gọi khác là An Bình. Hòn Mù Cu ở phía đông, nằm sát Đảo Lớn, là đảo nhỏ nhất và không có người ở.
Ngoài phát triển du lịch biển, vị trí địa lý của Quảng Ngãi còn giúp mảnh đất này phát triển các hoạt động du lịch văn hóa. Trên đảo Lý Sơn có gần 100 di tích lịch sử văn hóa như: Chùa Hang, chùa Đục, hang Câu, nhà trưng bày đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, khu mộ gió cai đội Phạm Quang Ảnh và các dân binh, dinh Thiên Y A Na, các lăng, miếu thờ thần Nam Hải, thần Bạch Mã...
Với bao thế hệ người hướng về biển, nhắc đến Lý Sơn lại “vọng bóng tiền nhân”. Xưa kia, những trai tráng tuân mệnh triều đình dong thuyền mở cõi Hoàng Sa, Trường Sa. Từng đình làng, dòng tộc trên đảo gìn giữ những bản sắc phong như báo vần.
Bởi thế mà nay, tinh thần yêu biển của người dân Lý Sơn được kết tinh và truyền bá kết tinh qua Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Lý Sơn có vị thế địa chính trị đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển và cùng với người dân Việt Nam, người Lý Sơn luôn hướng về phía biển, phía những con tàu vươn khơi nơi Hoàng Sa, Trường Sa - phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Ngoài ra, Lý Sơn còn lưu giữ được nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc như lễ hội đua thuyền, lễ hội đình làng An Hải.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. (Nguồn: Báo Đảng Cộng sản) |
Đến với Lý Sơn, du khách có thể trải nghiệm các hoạt động văn hóa nhiều màu sắc, kết hợp hài hòa giữa các nền văn hóa lớn xa xưa còn lưu giữ lại như Champa, Sa Huỳnh, văn hóa người Việt cổ….
Đồng thời, Lý Sơn còn nổi tiếng với văn hóa ẩm thực đặc sắc, những món ngon nổi tiếng cả nước như tỏi, hành, hải sâm, rong biển... Du khách có cơ hội thưởng thức những món ăn đặc sản, trải nghiệm cuộc sống thôn quê bình dị của những con người trên mảnh đất này.
Năm 2019, Lý Sơn được tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn là 1 trong 10 bãi biển đẹp nhất Việt Nam.
Nhận thức được tiềm năng du lịch và nguồn tài nguyên phong phú dồi dào của Lý Sơn, tháng 11/2021, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã ban hành Nghị quyết 05 về đẩy mạnh phát triển du lịch, đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó lấy Lý Sơn làm hạt nhân để thúc đẩy phát triển du lịch của toàn tỉnh.
Đến nay, hạ tầng du lịch của Lý Sơn đang từng bước hoàn thiện theo hướng phát triển du lịch cộng đồng, người dân sẽ là trung tâm của sự phát triển. Trong đó, khoảng cách giữa Lý Sơn với đất liền rút ngắn chỉ còn 40 phút nhờ đi tàu siêu tốc.
Nhờ những tiềm năng du lịch dồi dào, Lý Sơn hoàn toàn có khả năng thu hút lượng lớn các “tín đồ” du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan và nghỉ dưỡng. Có thể khẳng định, hòn đảo này là hạt nhân lý tưởng để thúc đẩy phát triển du lịch biển, biến nơi đây thành loại hình du lịch chủ đạo của tỉnh.
Để Lý Sơn trở thành hạt nhân phát triển du lịch
Với nhiều người ưa thích du lịch, Quảng Ngãi là một trong những điểm đến với những cảnh đẹp say đắm lòng người. Trong đó, Lý Sơn trở thành một trong những điểm đến lý tưởng nhất bởi nét hoang sơ, thiên nhiên hùng vĩ, kỳ thú.
Thế nhưng, nhìn nhận thực tế hiện nay, khách du lịch tìm đến Lý Sơn chưa nhiều, nguồn thu từ du lịch chưa thực sự tương xứng với tiềm năng.
Theo thống kê, lượng khách du lịch đến Lý Sơn đều tăng so với các năm trước, cụ thể năm 2019, tổng lượt khách đến Lý Sơn 265.000 người, tăng 34.680 lượt khác so với năm trước. Tuy nhiên, trong năm 2020 và 2021, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, lượng du khách đến Lý Sơn giảm đáng kể. |
Trước tình hình đó, mới đây, tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với huyện đảo Lý Sơn xây dựng quy hoạch tổng thể về phát triển huyện đảo đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 đưa Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch quốc gia.
Để thực hiện quy hoạch đó, trước mắt, huyện phối hợp với các cơ quan của tỉnh mời gọi các nhà đầu tư có tầm chiến lược đến khảo sát xây dựng sân bay, cáp treo, đường sắt đô thị... để đảm bảo cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch.
Cùng với đó, huyện sẽ từng bước hướng người dân địa phương chuyển đổi từ nghề nghiệp truyền thống là làm nông nghiệp, đánh bắt cá sang làm dịch vụ, hướng dẫn viên du lịch. Chỉ đến khi đó, doanh thu từ du lịch mới có thể từng bước được cải thiện.
Để thúc đẩy du lịch Lý Sơn phát triển, cần triển khai nhiều biện pháp thiết thực và cụ thể. (Ảnh: Anh Tuấn) |
Không chỉ vậy, với mục tiêu tập trung khai thác các lợi thế để phát triển du lịch, coi du lịch là một trong những lĩnh vực mũi nhọn để thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển, huyện đảo Lý Sơn đang chú trọng bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị di tích trên địa bàn gắn với truyền thống khai thác biển, đảo lâu đời của người dân địa phương.
Song song với đó, trong những năm qua, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được huyện đẩy mạnh thông qua việc tổ chức các lễ hội truyền thống, các sự kiện văn hóa, hội chợ du lịch.
Hiện nay, toàn huyện có 4 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa; 32 cá nhân được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn viên tại điểm; 133 cơ sở lưu trú, trong đó có 17 khách sạn, 53 nhà nghỉ, 60 homestay, 5 nhà trọ với tổng số 1.083 phòng, từng bước đáp ứng cho nhu cầu của du khách, phát triển du lịch tạo việc làm cho khoảng 1.852 lao động trực tiếp và khoảng hơn 5.000 lao động gián tiếp.
Để thúc đẩy du lịch Lý Sơn phát triển cần triển khai nhiều biện pháp thiết thực và cụ thể, trong đó giải pháp trọng tâm là tăng cường quảng bá, giới thiệu các địa điểm du lịch đặc sắc của Lý Sơn đến với du khách trong và ngoài nước; phát triển các sản phẩm du lịch gắn với lĩnh vực nông nghiệp; bảo tồn và phát huy các sản phẩm du lịch tâm linh, các di tích lịch sử, khu danh lam thắng cảnh đã được công nhận cấp quốc gia; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng…
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần triển khai nhiều biện pháp tăng cường phát triển du lịch cộng đồng, kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng tại Lý Sơn.
Mới đây, tập đoàn Sun Group đã có chuyến khảo sát địa chất tại Lý Sơn để chuẩn bị cho việc xây dựng cáp treo, sân bay và hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch.
Hy vọng trong tương lai không xa, Lý Sơn sẽ thực sự khai thác được tiềm năng dồi dào, đưa du lịch cất cánh, trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy kinh tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
| Du lịch Kon Tum: Khơi dậy tiềm năng và triển vọng năm 2022 Ngày 24/4, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với tỉnh Kon Tum tổ chức Diễn đàn 'Du lịch Kon Tum ... |
| Phát triển hình thức du lịch voi bền vững ở Việt Nam Mới đây, Tổng cục Du lịch đã phối hợp cùng Cơ quan Tiêu chuẩn Nuôi Voi Châu Á (ACES) tổ chức hội thảo trực tuyến ... |