Đảo chính đã được biết trước? Mặc dù Tổng thống Mỹ Obama ngày 29/6 tuyên bố cuộc đảo chính là bất hợp pháp và nhà lãnh đạo bị lật đổ Manuel Zelaya “vẫn là Tổng thống Honduras”, Nhà Trắng cũng ra tuyên bố bác bỏ việc có liên quan đến vụ việc, nhưng rất nhiều nguồn tin cả trong và ngoài Honduras nói rằng Bộ Ngoại giao Mỹ đã manh nha biết tin về cuộc đảo chính và cố gắng ngăn chặn nó, tuy nhiên, thông tin này chưa được kiểm chứng. Dư luận còn cho rằng cả quân đội Honduras, lực lượng được Mỹ huấn luyện, cũng như giới chính trị và kinh tế chóp bu đều không thể mạnh tay với một tổng thống được bầu một cách dân chủ khi chưa được Mỹ “bật đèn xanh”.Ngoài ra, người Honduras hẳn chưa quên việc Washington đã từng ủng hộ một loạt các vụ đảo chính quân sự tại Trung và Nam Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Gần đây nhất, Tổng thống Venezuela Chavez cáo buộc Mỹ đứng sau âm mưu lật đổ ông năm 2002 và năm ngoái đã “theo chân” Bolivia trục xuất đại sứ Mỹ tại Caracas sau khi Bolivia cáo buộc Mỹ liên quan đến “âm mưu đảo chính” lật đổ chính quyền của Tổng thống Evo Morales. Thêm vào đó, Tổng thống Zelaya mặc dù có lập trường trung hữu, nhưng thời gian qua ông đã dần tách khỏi liên minh với Mỹ và giành được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo cánh tả trong khu vực. Tháng 8/2008, ông đưa Honduras gia nhập Nhóm Sáng kiến Bolivar cho châu Mỹ (ALBA), tổ chức do Venezuela thành lập với mục tiêu thay thế cho kế hoạch khu thương mại tự do châu Mỹ của Mỹ. Do vậy, nhiều người tin rằng cuộc đảo chính là một biện pháp ngăn chặn Honduras tiếp tục ngả về phía các nước cánh tả trong khu vực Mỹ Latinh.Cơ hội đoạn tuyệtNhững cáo buộc sự tham gia của Mỹ vẫn chưa được kiểm chứng. Nhưng nó bộc lộ những khó khăn mà Chính quyền của Obama đang phải đối mặt khi “xử lý” vấn đề mang tên Honduras. Đặc biệt trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và khu vực Mỹ Latinh mới “ấm lên” bởi những tia nắng hiếm hoi như cử chỉ thiện chí của ông Obama tại Hội nghị thượng đỉnh các nước châu Mỹ, hay cam kết sẽ gửi đại sứ trở lại Venezuela. “Đây là cơ hội vàng để Washington đoạn tuyệt hoàn toàn với quá khứ và chứng tỏ quyết tâm ủng hộ dân chủ, ngay cả khi họ không ưa nhân vật này (ông Zelaya)” - cựu Phó Tổng thống Costa Rica Kevin Casas-Zamora phát biểu với Reuters. Mỹ sẽ không thể phớt lờ quan điểm đồng nhất trong khu vực khi hiện tại một loạt các tổ chức khu vực như nhóm ALBA, nhóm Hệ thống Nhất thể hóa Trung Mỹ (SICA), Nhóm Rio, Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) đều đã thống nhất lên án cuộc đảo chính và đề nghị phục chức cho Tổng thống Zelaya. Đại Hội đồng LHQ còn hối thúc họp khẩn cấp về Honduras và mời Tổng thống bị lật đổ Zelaya tham dự. Mỹ cũng có đòn bẩy để gây ảnh hưởng với Honduras vì đất nước với 7 triệu dân này vẫn phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế Mỹ, chủ yếu do nguồn ngoại tệ từ những người Honduras làm việc tại Mỹ gửi về cùng với một nguồn tài trợ khác là USAID trị giá 50 triệu USD/năm. Về phần mình, dù ai nắm quyền tại Honduras cũng không thể tùy tiện hành động vì sẽ có nguy cơ tự tách mình khỏi khu vực. Hiện Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) đã đe dọa trục xuất Honduras ra khỏi tổ chức này và bao vây cấm vận kinh tế, thương mại, ngoại giao. Tình hình Honduras vẫn còn diễn biến phức tạp, khi lực lượng ủng hộ tổng thống Zelaya sẽ tăng cường phản ứng. Với căn cứ không quân Soto Cano tại Honduras cùng với khoảng 600 binh sĩ đồn trú và một số máy bay trực thăng, máy bay chiến đấu, nhiều người lo ngại chính quyền Mỹ có thể can thiệp quân sự vào Honduras như Chính quyền của cựu Tổng thống Bill Clinton từng làm tại Haiti khi có cuộc đảo chính tại đây năm 1994. Tuy nhiên, trong bối cảnh tiến trình dân chủ ở Mỹ Latinh đang tiến triển thuận lợi, Mỹ cũng đang điều chỉnh chính sách với Mỹ Latinh, hy vọng viễn cảnh tồi tệ đó không xảy ra mà nhường chỗ cho cơ hội hòa giải, hợp tác để đem lại sự ổn định cho đất nước Honduras và khu vực nói chung.
Tóm tắt diễn biến cuộc đảo chính tại Honduras Ngày 28/6, lực lượng đối lập với Tổng thống Manuel Zelaya đã tiến hành đảo chính quân sự, cưỡng bức ông đi sống lưu vong tại Costa Rica. Cùng ngày, Quốc hội Honduras ra nghị quyết phế truất chức tổng thống của ông Zelaya và cử Chủ tịch Quốc hội Roberto Micheletti lên làm quyền tổng thống. Vụ việc diễn ra đúng vào ngày ông Zelaya định tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc thay đổi hiến pháp để cho phép Tổng thống ra ứng cử nhiệm kỳ thứ hai trong khi ngày 23/6 Quốc hội đã ra luật cấm tổ chức lấy ý kiến về vần đề này 180 ngày trước và sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới. |