Lãnh đạo quân đội kiêm Chủ tịch Hội đồng tối cao Sudan, Tướng Abdel Fattah al-Burhan, tại cuộc họp báo lần đầu tiên sau đảo chính ở thủ đô Khartoum vào ngày 26/10. (Nguồn: AFP) |
Ngày 27/10, truyền hình quốc gia Sudan đưa tin, lãnh đạo quân đội kiêm Chủ tịch Hội đồng tối cao nước này, Tướng Abdel Fattah al-Burhan đã miễn nhiệm 6 đại sứ của Sudan khỏi chức vụ hiện tại.
Danh sách này bao gồm các đại sứ của Sudan tại Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Qatar, Pháp và phái đoàn tại Geneva (Thụy Sỹ).
Một nguồn ngoại giao cho biết, 12 đại sứ của Sudan tại các nước - trong đó có Mỹ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Trung Quốc và Pháp - đã phản đối việc quân đội giành quyền kiểm soát đất nước từ tay chính quyền chuyển tiếp dân sự hôm 25/10.
Cùng ngày, người thân của các nhân vật ủng hộ phong trào biểu tình phản đối đảo chính và một số nhà hoạt động khác cho biết, Lực lượng An ninh Sudan đã bắt giữ 3 nhân vật ủng hộ biểu tình vào đêm 26/10.
Các vụ bắt giữ diễn ra trong bối cảnh nhiều cuộc biểu tình phản đối việc tiếp quản chính quyền hôm 25/10 tiếp tục diễn ra ở thủ đô Khartoum và một số nơi khác, trong khi dư luận quốc tế cũng gây sức ép lên quân đội nước này.
Cuộc đảo chính vừa qua đe dọa ngăn chặn quá trình chuyển đổi mỏng manh sang nền dân chủ của Sudan, quá trình này được bắt đầu sau khi nhà cầm quyền lâu năm Omar al-Bashir bị lật đổ vào năm 2019 trong một cuộc nổi dậy của dân chúng.
Trong khi đó, Tướng Abdel Fattah al-Burhan đã gặp Đại sứ Saudi Arabia tại Khartoum Ali Bin Hasan Jaafar ngày 27/10 để thảo luận cuộc khủng hoảng hiện nay tại Sudan.
Trang Facebook của quân đội Sudan cho biết, cuộc gặp đề cập những nỗ lực giải quyết tình hình thông qua đối thoại “giữa tất cả các bên liên quan”.
Liên quan dư luận quốc tế, ngày 27/10, đại sứ của Pháp, Đức, Na Uy, Anh, Mỹ cùng đại diện các tổ chức Liên hợp quốc (LHQ) và EU đã gặp Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok tại nhà riêng.
Trên trang Twitter, Phái bộ Hỗ trợ chuyển tiếp hợp nhất của LHQ tại Sudan (UNITAMS) cho biết thêm, đại sứ các nước và tổ chức nói trên thấy ông Hamdok trong tình trạng sức khỏe tốt.
Thủ tướng Hamdok bị bắt giữ hôm 25/10, nhưng sau đó đã được trả tự do sau khi quân đội Sudan lật đổ chính phủ chuyển tiếp.
Cùng ngày, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết, ông đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok để bày tỏ sự ủng hộ của châu Âu với việc khôi phục chính quyền dân sự chuyển tiếp tại quốc gia Bắc Phi.
Về phía Mỹ, ngày 28/10, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết, ông đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Sudan Mariam Sadiq al-Mahdi và lên án việc quân đội bắt giữ các nhà lãnh đạo dân sự ở quốc gia châu Phi này.
Trong một bài đăng trên Twitter, Ngoại trưởng Blinken nói thêm rằng, ông và bà Mariam Sadiq al-Mahdi đã thảo luận về cách thức tốt nhất mà Mỹ có thể ủng hộ lời kêu gọi của người dân Sudan đưa đất nước trở lại con đường chuyển tiếp dân sự hướng tới dân chủ.