Xe tăng hùng hổ tiến vào Ankara và Istanbul. Chiến đấu cơ gầm rú trên bầu trời. Binh lính rầm rập tràn ra đường. Bom rơi, đạn nổ, khói lửa mịt mù cùng tiếng la hét khắp nơi.
Sự kiện bất ngờ
Tối 15/7, cả thế giới bàng hoàng trước những hình ảnh hỗn loạn ở thủ đô Ankara và thành phố Istanbul liên tục được phát đi trên truyền thông quốc tế. Cuộc đảo chính nổ ra vào khoảng 9h30 tối (giờ địa phương), bắt đầu bằng sự kiện xe tăng phong tỏa cây cầu nổi tiếng Bosphorus ở Istanbul. Cùng lúc đó, ở thủ đô Ankara, trực thăng quần đảo trên trời và binh lính tham gia đảo chính tiến hành một loạt cuộc đột kích vào các cơ quan truyền thông, trụ sở cảnh sát, tòa nhà Quốc hội và dinh Tổng thống…
Một người dân cố gắng chặn xe tăng của phe đảo chính tiến vào sân bay Ataturk ở thủ đô Ankara, đêm 15/7. (Nguồn: Reuters). |
Sau phút ngỡ ngàng, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nhanh chóng xuất hiện qua Facetime và phát đi lời hiệu triệu người dân. Với tuyên bố “không quyền lực hay sức mạnh nào có thể hơn được sức mạnh của nhân dân”, ông Erdogan đã khiến hàng nghìn người đổ ra đường, sẵn sàng đối mặt với xe tăng, lửa đạn để chặn bước tiến của lực lượng đảo chính. Nước cờ khôn ngoan dựa vào nhân dân của Tổng thống Erdogan đã giúp Ankara nhanh chóng dập tắt cuộc đảo chính. Dù vậy, cuộc binh biến bất thành này cũng khiến gần 300 người thiệt mạng và hơn 2.000 người bị thương.
Thế cờ lật ngược
Toàn bộ âm mưu đảo chính lật đổ chính quyền Tổng thống Erdogan do một nhóm sĩ quan cấp trung dàn dựng, đứng đầu là Đại tá Muharram Kusa - cố vấn pháp luật của Tổng Tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, liệu có ai đứng đằng sau nhóm này hay không đang gây rất nhiều hoài nghi.
Chính quyền của Tổng thống Erdogan đổ mọi tội lỗi lên giáo sĩ Fethullah Gulen - người đang sống lưu vong ở Mỹ. Ông Gulen, 77 tuổi, từng là đồng minh thân thiết với Tổng thống Erdogan trước khi trở thành kẻ thù “không đội trời chung” của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Gulen đã bác bỏ cáo buộc trên, đồng thời tố ngược lại rằng chính Tổng thống Erdogan mới là chủ mưu của cuộc đảo chính nhằm giúp ông này củng cố quyền lực.
Nhiều người tin rằng, phát biểu của ông Erdogan cho rằng cuộc đảo chính là “phúc lành được ban xuống từ Thánh Allah” để giúp Thổ Nhĩ Kỳ thanh trừng nội bộ trong quân đội, là một minh chứng chứng tỏ ông Erdogan đứng sau sự kiện này. Dư luận không khỏi có những hoài nghi nhất định bởi người được lợi nhất trong cuộc đảo chính lần này là Tổng thống Erdogan. Ông Tổng thống đang phải đối mặt với sự chỉ trích gay gắt ở cả trong nước và từ các đồng minh phương Tây về vấn đề đàn áp lực lượng đối lập, đàn áp truyền thông cũng như những cáo buộc về vi phạm nhân quyền. Nhờ cuộc đảo chính, Tổng thống Erdogan đã lật ngược thế cờ, từ vị lãnh đạo đang vấp phải nhiều chỉ trích chuyển sang tư thế của người chiến thắng với sự ủng hộ rộng khắp của người dân.
Mở đầu giai đoạn bất ổn
Điều đáng lo ngại nhất lúc này là cuộc đảo chính kết thúc không đồng nghĩa với việc mọi sự hỗn loạn ở Thổ Nhĩ Kỳ đã qua đi. Trái lại, đây chỉ là màn mở đầu cho một giai đoạn bất ổn lâu dài ở Thổ Nhĩ Kỳ - đất nước từng được xem là khá ổn định trong khu vực.
Sau cuộc đảo chính, người ta đang phải chứng kiến một chiến dịch trả thù đáng sợ khi Tổng thống Erdogan tuyên bố không loại trừ hình phạt tử hình cho những “kẻ phản bội”. Hơn 7.500 người bị bắt giữ, trong đó có 103 tướng lĩnh và sĩ quan cấp cao cùng hơn 2.800 binh sĩ và 2.745 thẩm phán. 8.000 cảnh sát bị sa thải và hàng chục nghìn giáo viên cũng đang bị “sờ gáy”.
Những hành động trên của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ khiến các đồng minh phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ cực kỳ quan ngại dù trước đó họ ủng hộ ông Erdogan trong cuộc đảo chính. Mỹ và Liên minh châu Âu đều đưa ra những cảnh báo nghiêm khắc đối với Tổng thống Erdogan liên quan đến cuộc thanh trừng mà ông này đang thực hiện nhằm vào các thành phần đối lập sau cuộc đảo chính.
Từ cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ, người ta có thể rút ra được rất nhiều bài học, trong đó bài học lớn nhất chính là lòng dân. “Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”. Bất kỳ hành động nào không được lòng dân thì đều phải đối mặt với thất bại. Bài học thứ hai là việc chọn cách giải quyết vấn đề bằng can thiệp quân sự thường khó nhận được ủng hộ và khó thành công bởi người dân đã quá chán ghét bạo lực, những cuộc xung đột, chiến tranh.
Về phía Tổng thống Erdogan, ông này cũng cần phải xem xét, nhìn nhận lại chính sách trong việc điều hành, quản lý đất nước nếu muốn tiếp tục giữ vững sự ổn định của chính quyền.