Thành viên NATO chúc mừng sinh nhật ông Putin, xác nhận đến Nga họp thượng đỉnh BRICS+, mục tiêu gia nhập đã tới rất gần? (Nguồn: Youtube) |
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) dự kiến diễn ra tại Kazan, Tatarstan thuộc Liên bang Nga, từ ngày 22-24/10. Điện Kremlin hy vọng, Hội nghị sẽ có thêm các cuộc thảo luận chiến lược, mang đến cơ hội mở rộng tầm ảnh hưởng và xây dựng các liên minh kinh tế chặt chẽ hơn.
Bước đi chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ
Tháng trước, các báo cáo và phương tiện truyền thông cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS. Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhỹ Kỳ, ông Omer Celik cũng đã xác nhận thông tin này, đồng thời cho biết, quá trình xin gia nhập khối vẫn đang diễn ra và đơn xin gia nhập sẽ được xem xét thảo luận tại Thượng đỉnh BRICS+, tháng 10 này.
Theo một tuyên bố được chia sẻ trên tài khoản mạng xã hội của Ban truyền thông Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdoğan và Tổng thống Nga Putin đã có cuộc điện đàm vào ngày 7/10. Tuyên bố tiết lộ, trong cuộc điện đàm, quan hệ song phương cũng như các vấn đề khu vực và toàn cầu đã được thảo luận.
"Trong cuộc trò chuyện, Tổng thống Erdoğan bày tỏ sự hài lòng với việc củng cố và phát triển quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga, nhấn mạnh việc tiếp tục đối thoại chính trị cấp cao và tuyên bố rằng, họ sẽ tiếp tục giải quyết triệt để nhiều vấn đề khác nhau trong khu vực và toàn cầu trong giai đoạn sắp tới", tuyên bố viết.
Tuyên bố của Ban truyền thông Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng đề cập việc nhà lãnh đạo nước này đã chúc mừng sinh nhật lần thứ 72 của ông Putin (7/10).
Cùng lúc, Điện Kremlin cũng đã ban hành một thông báo liên quan đến cuộc trò chuyện của hai nhà lãnh đạo Nga-Thổ Nhĩ Kỳ. Điện Kremlin xác nhận, ông Erdoğan và ông Putin sẽ có các cuộc gặp mặt trực tiếp bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan.
Thế giới đang trải qua quá trình tái định hình địa chính trị. Trong khi căng thẳng giữa các cường quốc định hình quan hệ quốc tế, các liên minh kinh tế cũng đang vận động với tốc độ chưa từng có. Ở trung tâm của trật tự thế giới mới này, BRICS - một khối các nền kinh tế lớn mới nổi, đang trong quá trình khẳng định mình là một nhân tố chủ chốt, có khả năng định hình lại cán cân toàn cầu.
Nhóm này, trước đây chỉ giới hạn ở 5 thành viên, nhưng gần đây đã mở cửa cho các ứng cử viên mới, bổ sung những "gã khổng lồ" sở hữu những thế mạnh nhất định, như Iran, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)... vào hàng ngũ của mình. Trong bối cảnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ, do tổng thống Recep Tayyip Erdoğan lãnh đạo, đang tìm cách gia nhập liên minh có ảnh hưởng này.
Truyền thông quốc tế bình luận, đây là một quyết định chiến lược, được đưa ra khi triển vọng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) đang mờ nhạt, thúc đẩy Ankara đa dạng hóa các quan hệ đối tác kinh tế và địa chính trị của mình.
Tính toán của Tổng thống Erdoğan - BRICS có đồng ý?
Tuy nhiên, về phía BRICS, như giới quan sát nhận định, dường như các thành viên chủ chốt vẫn đang trong giai đoạn củng cố sau lần mở rộng mới nhất. Họ có thể sẽ cần ổn định, trước khi tiếp tục đưa ra quyết định kết nạp thêm thành viên mới, dù BRICS vẫn đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của hơn 20 quốc gia muốn gia nhập nhóm, bao gồm khoảng 10 nước đã có đơn xin chính thức, như Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong một cuộc họp báo mới đây, sau Phiên họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã tuyên bố, BRICS hiện không xem xét việc kết nạp thêm thành viên mới.
Xác nhận số lượng các nước đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS như trên, ông Lavrov cũng cho biết rõ lý do, "các thành viên hiện tại cho rằng cần phải củng cố khối trước khi xem xét việc mở rộng thêm. Giai đoạn thích ứng này là cần thiết để đảm bảo sự hòa nhập hài hòa của các thành viên mới vào tổ chức".
Quan điểm thận trọng này nhấn mạnh tầm quan trọng của BRICS trong việc duy trì sự cân bằng giữa các thành viên cũ và những thành viên mới, trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.
Trên thực tế, việc bổ sung 5 quốc gia mới vào nhóm ban đầu đã mở rộng đáng kể phạm vi địa chính trị và kinh tế của BRICS - hiện chiếm tới 45% dân số thế giới và gần 28% GDP toàn cầu. Sự mở rộng nhanh chóng này đòi hỏi phải có sự điều chỉnh nội bộ trước khi chấp nhận các thành viên mới, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đặt mục tiêu đa dạng hóa quan hệ đối tác sau nhiều lần bị cản trở trong quá trình gia nhập EU.
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, tại sao Ankara muốn gia nhập BRICS+?
Quyết định gia nhập nhóm BRICS+ của Tổng thống Erdoğan xuất phát từ thực tế là ông đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức kinh tế, như lạm phát, đầu tư kém và sự mất giá mạnh của đồng nội tệ Lira... Do đó, bằng cách gia nhập nhóm kinh tế rộng lớn và sôi động bậc nhất, Ankara sẽ vừa có thể tiếp cận các thị trường lớn hơn và các nguồn tài chính từ các nền kinh tế mới nổi khác, vừa theo cách để "chữa lành" nền kinh tế, lại vừa đạt mục tiêu ngày càng ít phụ thuộc vào phương Tây.
Bằng cách gia nhập BRICS+, nền kinh tế nằm trên cả hai lục địa Âu-Á sẽ có thể đạt được sự độc lập về mặt chiến lược, vì quốc gia này vẫn luôn cố gắng khẳng định mình là một bên tham gia tự chủ, tránh phụ thuộc quá nhiều vào động lực do phương Tây áp đặt. Do đó, BRICS+ sẽ đại diện cho một giải pháp thay thế hợp lệ về mặt hợp tác chính trị, cho phép Ankara "qua lại" dễ dàng hơn với các đối tác khác nhau trong bối cảnh quốc tế.
Hơn nữa, trong những năm qua, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng hướng tới châu Á, châu Phi và Trung Đông. Đây là những thị trường thiết yếu cho hoạt động xuất khẩu của nước này và sự phục hồi của nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.
Trở thành thành viên của BRICS+ sẽ cho phép Ankara tăng cường quan hệ thương mại và nắm bắt các cơ hội mới ở các quốc gia có nền kinh tế không ngừng tăng trưởng.
Do đó, chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ khá rõ ràng là - "chơi trên nhiều bàn", xây dựng ngoại giao trên nhiều hướng. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì Ankara đang bế tắc do một mặt là các mối quan hệ, chẳng hạn với Israel ngày càng xấu đi và mặt khác là do các cuộc chiến ở Gaza và Lebanon đang khiến Trung Đông rối ren.
Hơn nữa, mục tiêu của Tổng thống Erdoğan là biến quốc gia Á-Âu này thành một "quốc gia cầu nối", nói cách khác, là điểm tiếp xúc và đối thoại giữa các khối quyền lực chiếm ưu thế trong cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, giới phân tích bình luận, chính những căng thẳng xung quanh chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là lập trường mơ hồ của nước này đối với Nga và Ukraine, đang làm tăng thêm sự phức tạp cho mục tiêu ghi danh là thành viên của BRICS+.
Ankara, mặc dù không tham gia vào các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow, nhưng vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Kiev - điều này có thể làm phức tạp thêm quá trình hội nhập của Thổ Nhĩ Kỳ vào một khối mà Nga đóng vai trò trung tâm.
Hiện tại, bất chấp những trở ngại này, Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng rằng, sức mạnh kinh tế và vị thế chiến lược của mình giữa châu Âu và châu Á sẽ là lợi thế riêng, đặc biệt là để củng cố mối quan hệ với các thành viên mới nổi khác của BRICS, với hy vọng tìm ra các giải pháp thay thế cho các liên minh phương Tây.
Như các nhà phân tích quốc tế bình luận, trong khi đơn xin gia nhập BRICS của Thổ Nhĩ Kỳ phản ánh mong muốn rõ ràng là thoát khỏi cái bóng của phương Tây, thì nó lại đặt ra câu hỏi về tính thống nhất trong chính sách đối ngoại và khả năng điều hướng giữa các liên minh đôi khi mâu thuẫn với nhau. Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan có thể đưa ra một số giải thích, nhưng hiện tại, sự hội nhập của Thổ Nhĩ Kỳ vào nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu vẫn chưa thể nói trước điều gì.
| Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp bàn Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam và đường sắt kết nối với Trung Quốc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam và các dự án đường sắt ... |
| Tổng thống Nga hé mở về khuôn khổ thanh toán riêng của BRICS, nhắc đến 'một số khó khăn nhất định' Ngày 26/9, phát biểu tại Diễn đàn Tuần lễ năng lượng Nga, Tổng thống Vladimir Putin cho hay, các quốc gia thành viên Nhóm các ... |
| Tổng thư ký NATO xem nhẹ cảnh báo hạt nhân của Nga, Ukraine thừa nhận 'rất rất khó khăn' ở tiền tuyến Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho rằng, không nên dừng việc cung cấp thêm viện trợ ... |
| Campuchia phê duyệt 23 dự án điện có vốn đầu tư 'khủng', tuyên bố đảm bảo đủ nhu cầu với giá phù hợp Các dự án năng lượng vừa phê duyệt giúp Campuchia đảm cung cấp đủ nguồn điện cho nhu cầu sử dụng điện năng ngày một ... |
| Nhật Bản 'kết nối thế giới bằng lòng tin', kiên định với cam kết vì sự phát triển và tương lai Nhân dịp kỷ niệm 70 năm hoạt động ODA Nhật Bản trên toàn cầu, chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) ... |