📞

Đào Pi Network: Không mất gì, ngại gì không thử?

Chu Văn 13:57 | 27/02/2021
TGVN. Bên cạnh cơn sốt về Bitcoin, Pi cũng đang được rất nhiều nhà đầu tư tại Việt Nam quan tâm. Pi hiện chưa có giá trị trong thời điểm này, tuy nhiên, nhiều người nhận định, khi đồng Pi network lên sàn giao dịch (dự kiến trong năm 2021), nó có thể chạm ngưỡng giá trị của đồng litecoin.
Người ta đồn đồng Pi network khi lên sàn giao dịch (dự kiến trong năm 2021), nó có thể chạm ngưỡng giá trị của đồng litecoin hiện tại ở mức 170 USD hoặc có thể cao hơn thế. (Nguồn: Truereviews247)

Pi network đang ở trong giai đoạn phát triển (Stage 2) và vẫn chưa được kết nối với hệ thống Blockchain nên Pi vẫn chưa có giá trị trong thời điểm này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và người dùng nhận định rằng khi đồng Pi network lên sàn giao dịch (dự kiến trong năm 2021), nó có thể chạm ngưỡng giá trị của đồng litecoin hiện tại ở mức 170 USD hoặc có thể cao hơn thế. Hãy xem các chuyên gia Blockchain nói gì về tiền ảo này?

Pi trong tương lai cũng giống Bitcoin?

Đồng Pi được tạo ra bởi một tiến sĩ đang làm việc tại Đại học Stanford. Thời gian qua, Tiến sĩ Nicolas Kokkalis liên tục được đưa ra để minh chứng cho độ tin cậy của Pi. Người này xuất hiện trong danh sách đội ngũ sáng lập với vai trò Giám đốc Công nghệ. Một bài báo về Nicolas Kokkalis cùng dự án Pi được đăng tải trên trang Stanforddaily được nhiều người sử dụng để kêu gọi tham gia Pi Network với lý lẽ "trường Stanford cũng viết về dự án này".

Nhưng những người am hiểu về tiền điện tử đều nghi ngờ về vai trò của Tiến sĩ Nicolas Kokkalis với dự án Pi.

Hồ sơ của Tiến sỹ Nicolas Kokkalis tại trường Stanford cũng như trang LinkedIn liệt kê nhiều dự án mà ông tham gia, nhưng đều không nhắc đến Pi. Nhiều trang cá nhân mang tên Nicolas Kokkalis xuất hiện trên Twitter được cho là của tiến sĩ này nhưng đã ngừng cập nhật từ nhiều tháng nay. Nicolas Kokkalis cũng không xuất hiện trong 3 video trên kênh YouTube của Pi Network

Trong khi đó, nhiều chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực Blockchain bày tỏ lo ngại rằng, đây có thể là một hình thức lừa đảo người dùng để lấy thông tin cá nhân. Trên thực tế, đồng Pi vẫn chưa được sinh ra từ công nghệ Blockchain. Thậm chí, Pi Network cũng không công bố mã nguồn khiến cho dự án này trở nên thiếu minh bạch.

Nhiều chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực Blockchain đưa ra cảnh báo đây có thể là một hình thức lừa đảo người dùng để lấy thông tin cá nhân.

Đồng tiền điện tử này được quảng cáo là có thể "đào" được thông qua những chiếc smartphone bằng ứng dụng có tên Pi Network. Điều đó đã giúp cho Pi Network liên tục lọt vào top những ứng dụng miễn phí được tải nhiều nhất trên cả hai nền tảng Android và iOS. Các hội nhóm, fanpage liên quan đến đồng tiền điện tử Pi trên Facebook cũng mọc lên như nấm sau mưa và thu hút hàng chục nghìn người tham gia, theo dõi.

Không chỉ tại Việt Nam, đồng tiền Pi cũng đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dùng trên thế giới. Thậm chí, không ít nhà đầu tư còn kỳ vọng đồng tiền điện tử thế hệ mới này sẽ sớm thay thế Bitcoin trong tương lai.

Tuy nhiên, khác với việc "đào" Bitcoin, Ethereum (ETH) hay nhiều đồng tiền điện tử khác cần phải sử dụng đến một hệ thống máy tính cỡ lớn, hoạt động liên tục với cường độ cao trong thời gian dài, quá trình "đào" các đồng Pi diễn ra tương đối đơn giản.

Theo đó, sau khi cài đặt phần mềm Pi Network, tài khoản của mỗi người dùng đã có sẵn 1 đồng Pi và điện thoại sẽ bắt đầu "đào" Pi Coin với tốc độ 0,12 Pi/h. Để có thể tăng tốc độ "đào" Pi Coin, người sử dụng sẽ cần phải thực hiện một số bước như xác thực danh tính cá nhân (bao gồm các thông tin về số điện thoại, email,...) và mời thêm các thành viên khác cùng tham gia.

Có thể thấy, quá trình khai thác đồng Pi Coin diễn ra khá nhàn hạ và không hề mất sức nếu so với việc "đào" Bitcoin hay ETH. Người sử dụng cũng chỉ cần vào ứng dụng để "điểm danh" sau mỗi 24h.

Pi Network thiếu minh bạch, các chuyên gia nói gì?

"Một nguyên tắc bất di bất dịch trong Blockchain là minh bạch. Mainnet cuối năm mới có nhưng dự án hiện đã có app mobile (PI Network) và backend server thì tại sao không mở mã nguồn ra để cộng đồng xem xét? Tại sao phải đóng?", Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn, chuyên gia Blockchain đồng thời là Trưởng Lab Blockchain thuộc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông bày tỏ nghi ngờ.

Trên Facebook cá nhân, ông Tuấn cũng chia sẻ rằng, quan điểm "đào" đồng Pi không mất gì là chưa chính xác.

"Cái chắc chắn mà các bạn sẽ mất là thông tin cá nhân (họ tên, số điện thoại hoặc Facebook..., thông tin xác thực eKYC), mất thời gian, mất tài nguyên của điện thoại và có thể mất thêm thông tin khác trong máy", ông Tuấn nhận định.

Để tìm hiểu kỹ hơn về chức năng chính của phần mềm, ngày 25/2, ông Nguyễn Việt Dinh, Trưởng mảng công nghệ công ty Symper đã thực hiện dịch ứng dụng Pi Network trên Android

"Do Pi chưa mở mã nguồn nên tôi đành phải dịch ngược để tìm hiểu về ứng dụng này. App PI network được code bằng React native, khung phần mềm mở được phát triển bởi Facebook sau đó nhúng web view, tạo ra một số hiển thị như quảng cáo, đăng nhập, lưu token...", ông Dinh chia sẻ.

Chưa dừng lại ở đó, ông Dinh còn phát hiện ra bên trong mã nguồn ứng dụng sử dụng các thư viện quảng cáo để kiếm tiền như com.sbugert.rnadmob hiển thị quảng cáo Admob của Google; com.bytedance.overseas của TikTok; AudienceNetworkAds hiển thị quảng cáo của Facebook.

"Hiện tại, đây đơn thuần là ứng dụng dùng để đăng nhập điểm danh, hiển thị web view xem thông tin", ông nhận định.

Theo chuyên gia Cem Dilmegani từ AIMultiple, ứng dụng Pi hiện chỉ là nền tảng cho người dùng vào bấm xem quảng cáo. Ứng dụng cũng có tính năng tắt quảng cáo nếu người dùng không đồng ý.

"Không có việc gì để làm trên ứng dụng này cả. Ứng dụng này đang thu thập thông tin cá nhân của người dùng và thông qua họ để xây dựng cộng đồng", Cem chia sẻ trong một bài phân tích về Pi Network.

(theo Stanforddaily, Dân Trí)