📞

Đất hiếm không còn hiếm

14:37 | 11/04/2012
Vị thế thống trị về đất hiếm của Trung Quốc lại thu hút sự chú ý khi Mỹ, Nhật Bản và EU đệ đơn lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) kiện việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu loại nguyên liệu này.

Trung Quốc bị cáo buộc hạn chế thị trường "nhiều loại đất hiếm như vonfram và molypden" thông qua hạn ngạch và thuế xuất khẩu, đồng thời có hành vi gian lận thị trường thông qua áp đặt các lệ phí và thủ tục khác nhau. Họ có 60 ngày để đáp ứng "yêu cầu tham vấn" hoặc vụ kiện sẽ được đưa lên một ủy ban xem xét phán quyết.

Không hiếm như ta tưởng

Khoáng chất đất hiếm là một nhóm gồm 17 nguyên tố kim loại hoá học tương tự nhau. Chúng đặc biệt hữu dụng khi phản ứng với các nguyên tố khác (như kim loại nền) để tạo ra những tác dụng mà các nguyên tố khác không thể tự đạt được. Ôtô Hybrid, tua-bin gió, điện thoại di động và nhiều thiết bị điện tử công nghệ cao khác ... là những sản phẩm không thể thiếu các thành phần đất hiếm.

Tuy thế, đất hiếm trên thực tế lại không hiếm. Loại chất hiếm nhất trong nhóm này cũng sẵn hơn nhiều so với vàng và bạch kim.

Đất hiếm cũng phân tán về mặt địa lý. Dù mỏ khai thác đất hiếm nằm ở Trung Quốc nhiều nhưng các khu vực khác như Australia, Bắc Mỹ và Nga cũng có trữ lượng lớn. Đất hiếm thường được tìm thấy co cụm lại với nhau và đi cùng với các nguyên tố phóng xạ. Điều này làm cho việc khai thác phức tạp và tốn kém. Quá trình khai thác và tinh chế cần một lượng lớn nước, axít và điện. Việc xử lý rác thải cũng khó khăn và tốn kém.

Trung Quốc có thế mạnh nguồn cung đất hiếm toàn cầu là do chi phí nhân công thấp, những quy định về môi trường vẫn còn lỏng lẻo đã giúp việc khai thác đất hiếm tại Trung Quốc tương đối rẻ. Trong khi đó mỏ tại các nước khác không sẵn có về mặt thương mại hoặc bị đóng cửa. Trước đây, đất hiếm được khai thác rộng rãi tại nhiều nước khác, chẳng hạn như Mỹ. Theo cơ quan Địa chất Mỹ, trong năm 1990, có ít nhất 14 nước khai thác đất hiếm và Mỹ là nhà sản xuất lớn nhất. Nhưng điều này đã thay đổi khi giá và chi phí về môi trường làm việc khai thác đất hiếm không còn hấp dẫn. Trái lại, Trung Quốc tuy chỉ có khoảng 1/3 trữ lượng đất hiếm của thế giới, nhưng lại chiếm trên 90% sản lượng đất hiếm trên thị trường toàn cầu.

Những lo ngại về hạn ngạch

Vấn đề trung tâm của vụ kiện tụng giữa Trung Quốc với Mỹ, Nhật Bản và EU lên WTO là việc Trung Quốc sử dụng hạn ngạch xuất khẩu. Theo đó, nước này đã thắt chặt việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm từ năm 2008. Năm 2010 họ tuyên bố thắt chặt hơn nữa hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm dẫn đến những lo ngại thiếu hụt quốc tế, có nguy cơ ảnh hưởng đến dây chuyền cung cấp của nhiều lĩnh vực công nghệ cao.

Nhật Bản đặc biệt lo ngại vì nước này là nhà nhập khẩu đất hiếm lớn nhất. Chính sách này đã khiến nguồn cung toàn cầu khan hiếm, đẩy giá đất hiếm tăng mạnh, khiến các hoạt động khai thác trái phép trong nước nảy sinh. Khai thác đất hiếm vốn đã nguy hại về môi trường nên các hoạt động khai thác bất hợp pháp lại càng ô nhiễm nặng. Chính quyền tìm cách kiềm chế bằng việc áp dụng hạn ngạch sản xuất nhưng khó hiệu quả. Cũng có phân tích cho rằng việc này sẽ khiến các công ty nước ngoài đưa các công nghệ cao vào nước này để bảo đảm nguồn cung.

Mất vị trí thống trị

Thực ra, sự kiểm soát của Trung Quốc đối với đất hiếm không phải là tuyệt đối. Thị phần trong sản xuất toàn cầu của Trung Quốc sẽ giảm trong tương lai. Việc giá đất hiếm tăng trong năm 2010 - 2011 đã làm việc khai thác đất hiếm thương mại trở nên phát triển ở nhiều nước có chi phí lao động cao hơn và yêu cầu môi trường khắt khe hơn như Australia, Mỹ.

Bên cạnh đó, nhu cầu đất hiếm hiện đã giảm đi đáng kể. Sau khi đạt đỉnh vào cuối năm 2010 đầu năm 2011, giá của đa số các loại đất hiếm đã giảm mạnh, dù vẫn ở mức cao trong lịch sử. Kinh tế toàn cầu chậm lại cũng là một yếu tố, nhu cầu đối với các sản phẩm có sử dụng đất hiếm giảm đi và nguồn cung từ các nước khác, ngoài Trung Quốc, tăng lên hoặc sẽ sớm được đưa vào thực tế.

Nhiều nhà sản xuất đã tìm các nguyên liệu thay thế cho sản phẩm của mình. Tình trạng khai thác trái phép phổ biến ở Trung Quốc cũng đã vô hiệu hoá phần nào những nỗ lực của chính phủ nhằm thắt chặt nguồn cung.

Bởi vậy, khách hàng nước ngoài không mấy khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung nếu họ muốn. Những tranh cãi ở WTO sẽ trở nên không còn quan trọng và câu chuyện về mối lo ngại thiếu nguồn cung của các nhà sản xuất máy tính hoặc điện thoại di động sẽ đi vào quá khứ.

Cúc Năng