📞

Dấu ấn Bác Hồ trên đất nước Sri Lanka

09:19 | 13/07/2013
Năm 1911, trên con đường bôn ba tìm đường cứu nước, bác Hồ đã đặt chân tới Sri Lanka. Hơn một thế kỷ sau, tượng đài Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng tại chính Thủ đô của Sri lanka vào ngày 15/7/2013. Đây chính là minh chứng sống động nhất cho mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước. Nhân dịp này, Báo Thế Giới & Việt Nam đã phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Sri Lanka Tôn Sinh Thành, người đã có nhiều nỗ lực và đóng góp vào sự kiện ý nghĩa này.
Phối cảnh công trình Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thủ đô Colombo.

Việt Nam và Sri Lanka vốn có mối liên hệ lịch sử với nhau từ khá sớm và có nhiều điểm đặc biệt. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đặt chân tới hòn đảo tươi đẹp này ngay từ những năm đầu thế kỷ 20. Và nay, sau hơn một thế kỷ, tượng đài Bác lại được hai bên khởi công xây dựng ở Thủ đô của họ. Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa lịch sử của sự kiện này?

Việc dựng tượng đài Hồ Chí Minh tại Thủ đô Colombo, Sri Lanka có nhiều ý nghĩa. Trước hết, đây là biểu tượng cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc Việt Nam và Sri Lanka. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có mối liên hệ với hòn đảo xinh đẹp này từ hơn một thế kỷ nay. Ngay từ chuyến đi đầu tiên ra nước ngoài tìm đường cứu nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã đặt chân lên Hòn đảo Xây-lan (Ceylon - tên gọi trước đây của Sri Lanka). Trên con tàu Amiral Latouche Tréville, Người đã tới Thủ đô Colombo của Sri Lanka vào ngày 14/6/1911. Sử sách còn ghi ít nhất 2 lần nữa, Người tới Sri Lanka vào tháng 6/1928 trên đường từ Italy sang Thái Lan và vào tháng 10/1946 trên đường về nước sau cuộc đàm phán với Pháp tại Phôngtennơbơlô. Thực tế, Người có thể còn dừng chân tại Sri Lanka một số lần khác trong khoảng thời gian từ năm 1911 đến 1941, khi phải di chuyển nhiều lần giữa Việt Nam và châu Âu, mà lúc đó bất cứ con tàu nào trên hành trình giữa châu Á và châu Âu đều phải dừng chân tại hòn đảo có vị trí đắc địa này để tiếp nhiên liệu và thực phẩm.

Việc dựng tượng đài phản ánh tình cảm sâu sắc của nhân dân Sri Lanka đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại Sri Lanka, nói tới Việt Nam là người ta nói tới Hồ Chí Minh. Người không chỉ là lãnh tụ của Việt Nam mà còn là lãnh tụ của toàn bộ phong trào giải phóng dân tộc. Dù chưa có tài liệu xác minh, nhiều người Sri Lanka tin rằng Hồ Chí Minh đã từng nghỉ lại khách sạn New Colonial Hotel trong một lần tới thăm Sri Lanka, nên chủ khách sạn rất muốn được gắn biển di tích lịch sử Hồ Chí Minh cho khách sạn. Khách sạn Grand Oriental cũng tự đặt tên một phòng suite trong khách sạn là phòng Hồ Chí Minh vì cho là Hồ Chí Minh đã từng tới đây. Tiểu sử Hồ Chí Minh và cuốn Nhật ký trong tù của Bác đã được dịch sang tiếng địa phương và nhiều lần được tái bản tại Sri Lanka. Các nghệ sĩ Sri Lanka cũng có những sáng tác tranh, bài hát và tiểu phẩm ca ngợi Hồ Chí Minh. Người Sri Lanka nhắc tới Hồ Chí Minh một cách tôn kính, không khác nào Lãnh tụ của chính họ.

Đại sứ có thể chia sẻ với độc giả về quá trình vận động, trao đổi với Bạn để đi đến thống nhất đặt Tượng Bác ở Sri Lanka? Ngoài ra, xin Đại sứ cho biết thêm chi tiết như Tượng Bác được đặt ở đâu, làm bằng chất liệu gì và do ai sáng tác?

Ý tưởng dựng tượng đài Hồ Chí Minh tại Sri Lanka lần đầu tiên được nêu ra trong cuộc gặp của Đại sứ ta với Thủ hiến Tỉnh Miền Tây Sri Lanka. Ông Thủ hiến là người rất có thiện cảm với Việt Nam và khâm phục Chủ tịch Hồ Chí Minh nên rất ủng hộ ý tưởng này và đã đề nghị Thị trưởng Thủ đô Colombo xem xét. Tuy nhiên, theo qui định của Sri Lanka, thì việc dựng tượng đài một lãnh tụ nước ngoài tại Sri Lanka phải có ý kiến của Bộ Ngoại giao Sri Lanka và Cục phát triển đô thị Sri Lanka. Mặc dù, không ai phản đối, trái lại rất ủng hộ việc dựng tượng đài Hồ Chí Minh, nhưng cho đến nay, chưa có tượng lãnh tụ nước ngoài nào được xây dựng tại các khu công cộng của Thủ đô, nên Bộ Ngoại giao bạn băn khoăn việc này sẽ tạo tiền lệ khiến các nước khác cũng đề nghị đặt tượng các lãnh tụ của họ tại Sri Lanka. Cục phát triển đô thị thì cho rằng Colombo đã có quá nhiều tượng đài tại các ngã ba, ngã tư đường phố và trong công viên, nên muốn qui hoạch lại. Trong bối cảnh đó, Đại sứ quán đã phải vận động thông qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt qua các bạn bè thân thiết, các Bộ trưởng cánh Tả có chân trong chính quyền. Sau hơn một năm trời kiên trì thuyết phục, phía Sri Lanka đã đồng ý cho ta dựng Tượng đài Bác trong khuôn viên Thư viện Thủ đô Colombo.

Nơi dựng tượng đài là một khu đất rộng 380m2 có vị trí đẹp, trong quần thể công viên, sát Đại lộ Hoa Sen (Nelum Pokuna Mawatha) tại trung tâm Thủ đô Sri Lanka. Tháng 4/2013, Đoàn Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch nước ta, trong đó có Giám đốc Bảo tảng Hồ Chí Minh đã khảo sát địa điểm và thiết kế công trình tượng đài. Theo thiết kế, tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh do Nhà Điêu khắc Trần Văn Lắm sáng tác, sẽ được đặt giữa sân hành lễ, phía trước có đài phun nước và xung quanh là thảm cỏ, hoa và cây cảnh cùng một số ghế đá và đèn trang trí chiếu sáng. Trong khuôn khổ công trình tượng đài Hồ Chí Minh, một không gian Việt Nam - Hồ Chí Minh cũng sẽ được thiết lập trong Thư viện Thủ đô Colombo.

Việc hai bên khởi công xây dựng tượng đài Hồ Chủ Tịch tại thủ đô nước bạn chính là một trong những minh chứng sinh động về mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, xin Đại sứ cho biết thêm về sự phát triển gần đây trong quan hệ hai nước?

Việc dựng tượng đài Hồ Chí Minh là một bước phát triển mới trong mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Sri Lanka. Quả thực, đây là điều chẳng ai dám nghĩ tới chỉ vài năm trước đây. Nhưng sau khi kết thúc nội chiến năm 2009, đất nước Sri Lanka đã hồi sinh mạnh mẽ và mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa hai nước. Trong những năm qua, các chuyến thăm cấp cao liên tiếp giữa hai bên như chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Sri Lanka năm 2009 và chuyến thăm Sri Lanka của Chủ tịch nước ta năm 2011, cũng như Kỳ họp thứ 3 Uỷ ban Hỗn hợp Việt Nam – Sri Lanka đã tạo động lực mạnh mẽ cho sự hợp tác sôi động giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực. Riêng mấy tháng đầu năm nay đã có khá nhiều sự kiện quan trọng trong quan hệ hai nước như Phó Chủ tịch Quốc hội nước ta Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Sri Lanka tháng 2/2013, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka thăm Việt Nam tháng 7/2013. Các Bộ trưởng Tư pháp, Bộ trưởng Thủy sản và Bộ trưởng Dầu khí Sri Lanka cũng vừa thăm nước ta. Quan hệ kinh tế giữa hai nước đang phát triển nhanh chóng. Thương mại hai chiều tăng 162% chỉ sau 3 năm từ 50 triệu USD năm 2009 lên 131 triệu 2012, riêng quí I năm nay đạt 45 triệu USD tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái, triển vọng trong năm nay có thể đạt trên 180 triệu USD.

Đặc biệt, trong thời gian qua diễn ra nhiều hoạt động hợp tác văn hóa, giao lưu nghệ thuật, trao đổi sinh viên giữa hai nước. Đây là lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng, là nơi Ngoại giao văn hóa có đất để “dụng võ”, bởi Sri Lanka là một đất nước có bản sắc văn hóa sâu sắc và đa dạng, có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam và nhân dân Sri Lanka có cảm tình đặc biệt đối với Việt Nam và Bác Hồ.

Xin trân trọng cám ơn Đại sứ!

Trọng Tuấn - Đức Khải (thực hiện)