📞

Dấu ấn đối ngoại Việt Nam 2015

09:32 | 01/01/2016
Bình chọn của Ban Biên tập TG&VN
 

1. Một loạt sự kiện kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam (28/8/1945-28/8/2015) với các lễ kỷ niệm cấp quốc gia, các hội thảo quốc tế, triển lãm, gặp mặt cán bộ ngoại giao lão thành… là dịp để nhìn lại chặng đường ngoại giao đồng hành với quá trình xây dựng, phát triển của đất nước. Các nhà lãnh đạo như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh, Việt Nam có vị thế và cơ đồ như hiện nay một phần là do công lao của đội ngũ những người làm công tác ngoại giao. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng căn dặn cán bộ ngoại giao làm tốt vai trò của những chiến sĩ đi đầu trên mặt trận không tiếng súng, góp phần bảo vệ từ xa thành quả cách mạng, giữ nước từ khi nước còn chưa nguy, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực đang diễn biến rất phức tạp với thời cơ, thách thức đan xen, đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng. Nhân dịp này, Bộ Ngoại giao đã vinh dự đón nhận Huân chương Sao Vàng lần thứ hai.

 

2.Năm 2015 là năm "được mùa" ngoại giao cấp cao với các đối tác lớn của Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm lịch sử tới Mỹ; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc lần đầu thăm lại Việt Nam sau gần một thập kỷ; trao đổi đoàn cấp cao với hầu hết các đối tác chủ chốt trong EU, đối tác chiến lược toàn diện (Nga), đối tác chiến lược sâu rộng (Nhật Bản), các đối tác toàn diện (Australia, New Zealand), các nước bạn bè truyền thống (Ấn Độ, Venezuela)… Các tuyên bố, thỏa thuận hợp tác được nhất trí, ký kết trong các chuyến thăm tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để tăng cường tính thực chất, hiệu quả cho các mối quan hệ và vị thế đối ngoại của Việt Nam.

 

3. Sự lớn mạnh vượt bậc của ngoại giao đa phương với việc Việt Nam là một trong những nước đi đầu thúc đẩy việc thành lập Cộng đồng ASEAN 2015 và xây dựng Tầm nhìn ASEAN 2025. Chúng ta cũng đã đóng góp tích cực trong quá trình thương lượng và thông qua Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững, tổ chức thành công Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132), thể hiện trách nhiệm tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu thế giới COP21, tiếp tục tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, được bầu với số phiếu cao vào Hội đồng ECOSOC, Hội đồng chấp hành UNESCO… Đây là những nỗ lực to lớn và bước tiến đáng ghi nhận của ngoại giao đa phương Việt Nam, thể hiện tinh thần chủ động và trách nhiệm tham gia đóng góp xây dựng và định hình luật chơi chung của thế giới, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, vì một thế giới hòa bình, ổn định, công bằng và phồn vinh.

 

4. Kết thúc đàm phán và ký kết một loạt Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) quan trọng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại Tự do với EU  (EVFTA), Liên minh kinh tế Á - Âu (VEAEUFTA), Hàn Quốc (VKFTA)… cũng cho thấy Việt Nam đã và đang đi đầu trong ASEAN hoàn tất các FTA với các trung tâm kinh tế, chính trị hàng đầu thế giới, góp phần mở ra các cơ hội mới về thị trường, nguồn vốn và tạo động lực cho những thay đổi, cải cách trong nước, xác lập vị trí tốt hơn trong chuỗi giá trị và quản trị toàn cầu, mở ra những cơ hội phát triển mới cho đất nước. Với triển vọng triển khai và hoàn tất 15 FTA đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành tâm điểm của các FTA ở khu vực với mạng lưới gồm 58 đối tác, trong đó có toàn bộ năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 15 nước G20, đóng góp trên 80% GDP toàn cầu.

 

5.Quan hệ với các nước láng giềng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào và quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện với Campuchia được tăng cường; trao đổi đoàn cấp cao diễn ra thường xuyên; hợp tác an ninh - quốc phòng chặt chẽ…Ta chủ động triển khai nhiều biện pháp cụ thể hóa nội hàm quan hệ đối tác chiến lược với Singapore, Thái Lan và Indonesia và nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược với Malaysia và Philippines.

 

6. Năm 2015, Việt Nam tiếp tục chủ động, kiên quyết đấu tranh khẳng định chủ quyền của ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tranh thủ được sự quan tâm và đồng tình, ủng hộ của quốc tế với lập trường của ta trong việc giữ gìn hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông; hoàn thành thêm một bước quan trọng trong xây dựng, củng cố đường biên giới hòa bình, hợp tác, hữu nghị với các nước láng giềng thông qua việc ký với Trung Quốc Hiệp định tàu thuyền đi lại tại khu vực đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân và Hiệp định hợp tác khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch thác Bản Giốc; cùng Campuchia hoàn thành 100% việc cắm mốc đại có gắn quốc huy tại 10/10 cặp cửa khẩu quốc tế; phối hợp với Lào triển khai mô hình kiểm tra Một cửa - Một lần dừng tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Dan Savanh.

 

7. Năm nay, Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ hai công nhận Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản thế giới về tiêu chí đa dạng sinh học, đồng thời công nhận Khu dự trữ Sinh quyển Lang Biang là Khu dự trữ Sinh quyển Thế giới - Khu dự trữ Sinh quyển Thế giới đầu tiên tại miền đất Tây Nguyên. Đây là sự ghi nhận những đóng góp tích cực của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia đối với bảo tồn đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững vì Mục tiêu thiên niên kỷ do Liên hợp quốc khởi xướng. Các sự kiện văn hóa này cũng góp phần giúp các địa phương nước ta tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển bền vững thông qua việc khai thác các địa danh du lịch, sinh thái.