Tổng giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova trao Bằng chứng nhận Di sản văn hóa thế giới khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tháng 10/2010 |
Nổi bật trong những thành tựu đó là việc Ngoại giao Văn hóa (NGVH) đã gắn kết với những sự kiện lớn của đất nước như Năm Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN và Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Đây là hai sự kiện lớn đánh dấu sự phát triển và vị thế ngày càng cao của VN trong khu vực và trên thế giới, để lại trong tâm trí người dân VN và trong lòng bạn bè quốc tế hình ảnh đặc biệt về đất nước và con người VN ngày nay.
Những thành tựu nổi bật
Trong khuôn khổ năm VN làm Chủ tịch ASEAN, 2010 song hành với các cuộc tiếp xúc chính trị và nhiều hoạt động kinh tế, các chương trình NGVH được triển khai ngay từ đầu năm một cách sáng tạo, chủ động và đã để lại dấu ấn văn hóa VN đậm nét trong lòng bạn bè quốc tế. Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về Hội nghị cấp cao, hội nghị liên quan của ASEAN, các chương trình văn hóa bên lề như Lễ đi bộ "Vì cộng đồng ASEAN hòa bình và thịnh vượng" với sự tham gia của hơn 10.000 người, Ngày ẩm thực ASEAN mở rộng trong khuôn khổ Tuần lễ VN-ASEAN, phát hành bộ tem "VN trong cộng đồng ASEAN"... thu hút nhiều tầng lớp nhân dân và du khách quốc tế tham gia, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước VN năng động, con người VN thân thiện và nền văn hóa VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bên cạnh đó, công tác NGVH trong năm qua cũng tập trung phục vụ cho Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Có thể nói đây là hoạt động chính trị-xã hội mang tầm vóc lịch sử to lớn, thu hút sự quan tâm và tham gia không chỉ của nhân dân trong nước, mà còn cộng đồng người VN ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Ý nghĩa đó chính là một trong những lý do khiến Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của LHQ (UNESCO) đã quyết định thông qua Nghị quyết tham gia Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội với đất nước chúng ta.
Công tác NGVH đã góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước VN và Thủ đô Hà Nội tại các nước bằng nhiều hình thức khác nhau như: gắn kết nội dung tuyên tuyền về các hoạt động kỷ niệm của Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội trong các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lồng ghép các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội với các hoạt động trong khuôn khổ năm VN làm Chủ tịch ASEAN; xuất bản các ấn phẩm tuyên truyền về Hà Nội và VN, hướng dẫn các cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài phối hợp với các tổ chức quốc tế tại Hà Nội tổ chức nhiều sự kiện văn hóa chào mừng Đại lễ như mời tham gia con đường Gốm sứ, tổ chức các lễ hội, buổi hoà nhạc... và các Tuần lễ văn hoá của nước ngoài tại Hà Nội. Những hoạt động trên đã góp phần mang nét văn hoá của dân tộc VN giới thiệu đến bạn bè quốc tế, qua đó tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân VN với nhân dân thế giới.
Năm 2010 cũng để lại dấu ấn đậm nét với việc chúng ta đã mở chiến dịch vận động ngoại giao tổng thể từ Lãnh đạo cấp cao các nước thành viên Hội đồng di sản thế giới đến các tổ chức chuyên môn và phái đoàn đại diện của các quốc gia này tại UNESCO và đã vận động thành công UNESCO công nhận các danh hiệu văn hoá quốc tế đối với một loạt hồ sơ như hồ sơ 82 Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê-Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám được công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương (9/3/2010), Hội Gióng ở đền Phù Đổng và Đền Sóc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (16/11/2010); Cao nguyên Đá Đồng Văn-Hà Giang được gia nhập mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (10/2010) và đặc biệt là hồ sơ Khu Trung tâm Hoàng Thành-Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (31/7/2010).
Những danh hiệu mà UNESCO đã vinh danh đối với các di sản văn hóa này chính là món quà ý nghĩa nhất dành cho đất nước ta trong năm 2010. Những di sản, di tích mang danh hiệu UNESCO này không những góp phần nâng cao hình ảnh đất nước, con người và nền văn hoá VN mà còn tạo ra một nguồn thu đáng kể về du lịch và đầu tư, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong cả nước.
Một số tồn tại
Mặc dù đạt được những thành tựu nổi bật trên, song vẫn phải nhìn nhận lại những mặt hạn chế của công tác NGVH trong thời gian vừa qua. Đó là việc hoạt động NGVH vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu của tình hình, bối cảnh mới; nội dung và hình thức của các hoạt động cần tính đến yêu cầu cụ thể của từng loại đối tượng và địa bàn; các sản phẩm văn hóa đưa ra ngoài vẫn còn rất ít về số lượng, hạn chế về chất lượng; công tác phối hợp giữa nhiều ngành và cơ quan làm NGVH chưa thực sự chặt chẽ, nguồn lực về con người cũng như tài chính cho công tác NGVH còn rất hạn chế trong khi nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của NGVH của các tầng lớp xã hội còn chưa đầy đủ.
Hướng phát triển
Sang năm 2011, chào đón thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản VN lần thứ XI, NGVH sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ như một trụ cột quan trọng của nền Ngoại giao toàn diện hiện đại của VN. Công tác này sẽ góp phần quảng bá rộng rãi hơn về các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và nét đặc sắc văn hoá của dân tộc, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững của các vùng, miền, địa phương thông qua việc duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình di sản đã được UNESCO công nhận, hỗ trợ du lịch phát triển, nhất là loại hình du lịch văn hoá, du lịch di sản, tiếp tục tạo vị thế xứng đáng trên trường quốc tế cho VN ngày càng lớn mạnh, với truyền thống ngàn năm văn hiến.
Ngô Thanh