📞
Những con đường tìm về bản sắc Việt (Kỳ 3):

'Dấu ấn Việt Nam' ở Trung Quốc

TRỌNG VŨ 15:00 | 05/11/2022
Học tập tại ngôi trường đại học chính quy đầu tiên được thành lập bởi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nghiên cứu sinh Tiến sĩ Hoàng Thị Hạnh Trang đã trải nghiệm thế nào là “đặc sắc Trung Quốc”. Ngược lại, cô cũng mong những nỗ lực của bản thân sẽ ghi lại chút “dấu ấn Việt Nam” trong lòng thầy cô và bạn bè nơi đây.
Nghiên cứu sinh Hoàng Thị Hạnh Trang tại Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc. (Ảnh: NVCC)

Môi trường giáo dục tại Đại học Nhân dân Trung Quốc mang lại cho bạn những trải nghiệm gì?

Cho đến nay, tôi đã gắn bó với Đại học Nhân dân Trung Quốc được năm năm. Đây là ngôi trường tôi theo học lâu nhất. Tháng 10 vừa qua, trường đã kỷ niệm 85 năm thành lập.

Năm năm qua, môi trường giáo dục đầy tính nhân văn, nhân bản của ngôi trường được mệnh danh là lá cờ đầu, “thánh địa” của khối các ngành khoa học xã hội và nhân văn tại Trung Quốc chính là điều khiến tôi ngày càng yêu quý nơi đây.

Tháng 4/2022 vừa qua, trường vinh dự được Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lựa chọn là điểm đến khảo sát và làm việc trước thềm kỷ niệm Ngày Thanh niên Ngũ Tứ và kỷ niệm 100 năm thành lập Đoàn TNCS Trung Quốc, hướng tới Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời gửi gắm nhiều kỳ vọng vào thế hệ thanh niên Trung Quốc thời đại mới qua những chia sẻ và nhắn gửi với sinh viên của trường.

Được học tập tại đây, tôi thêm hiểu thế nào là “đặc sắc Trung Quốc” và cũng mong rằng, ở chiều ngược lại, những nỗ lực phấn đấu của bản thân sẽ góp phần ghi lại chút “dấu ấn Việt Nam” trong lòng thầy cô và bạn bè nơi đây.

Đây cũng là lý do giúp bạn đoạt giải Nhất cuộc thi viết “Tôi và cuộc gặp gỡ đáng nhớ với Trung Quốc” dành cho lưu học sinh tại Trung Quốc do Trung tâm Phục vụ công tác du học, Bộ Giáo dục Trung Quốc tổ chức năm 2021?

Có lẽ bài viết của tôi được Ban tổ chức đánh giá cao ở cảm xúc chân thành gửi gắm trong từng con chữ, qua quá trình chứng kiến những thay đổi lớn lao của đất nước Trung Quốc sau hơn 10 năm - kể từ lúc tôi còn là một học sinh trung học, bắt đầu mày mò học tiếng Trung cho đến khi tôi làm nghiên cứu sinh tại đây.

Cũng nhờ những kiến thức và trải nghiệm tích lũy được trong suốt hơn 10 năm đó mà tôi chỉ mất không đến hai ngày để hoàn thành bài viết và không ngờ rằng mình lại đoạt giải cao nhất. Bài viết và hình ảnh của tôi đã vinh dự được đăng tải trên Nhân Dân Nhật báo Trung Quốc cùng một số trang báo khác, được xuất bản trong tuyển tập các bài viết xuất sắc của cuộc thi.

Bạn còn biên dịch sách tiếng Trung nữa, phải không?

Thời gian trước tôi có vinh dự được chọn tham gia đồng biên dịch sách Từ điển tri thức văn hóa Trung Quốc. Đây là một dự án sách quan trọng về văn hóa Trung Quốc do Trung tâm hợp tác giao lưu ngôn ngữ giữa Trung Quốc và nước ngoài, Bộ Giáo dục Trung Quốc triển khai. Tôi mong cuốn sách sẽ sớm ra mắt độc giả Việt Nam.

Theo đuổi chuyên ngành Ngoại giao học, bạn có dự định sẽ làm ngành nghề này trong tương lai?

Xuất phát từ mong muốn được rèn luyện, trau dồi và cống hiến lâu dài trong lĩnh vực đối ngoại của Việt Nam cũng như sự nghiệp hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc, tôi đã dành nhiều thời gian theo đuổi chuyên ngành Ngoại giao học và sẽ phấn đấu kiên trì đi tới cùng trên con đường này.

Còn trong tương lai, việc trở thành một nhà ngoại giao, người nghiên cứu học thuật hay công tác ở cương vị khác cũng phần nào tùy thuộc vào chữ “duyên”. Tôi tin rằng đó sẽ là một mối duyên tốt đẹp giữa tôi với đất nước Trung Quốc hay với tình hữu nghị Việt - Trung.

Làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ rất nhiều vất vả và áp lực, bạn có bí quyết gì để đạt được thành tích ở nước bạn?

Xin chia sẻ đôi điều về cách tôi duy trì sự nỗ lực hướng tới một mục tiêu trong thời gian dài, đó là luôn nhắc nhở bản thân không quên lý do mình bắt đầu.

Ngay từ khi vừa nhen nhóm ý định theo học nghiên cứu sinh Tiến sĩ, tôi đã nhận được nhiều lời khuyên quý báu và cả lời “cảnh báo” của mọi người về những khó khăn, áp lực sẽ phải trải qua. Tôi vẫn quyết định sẽ dấn thân, “ép” mình đối mặt với thử thách để bắt buộc mình không ngừng cố gắng học tập, nâng cao tri thức.

Tôi nhận định rằng, đây không phải là một nhiệm vụ quá sức hay bất khả thi mà có độ khó và áp lực vừa đủ để kích thích tinh thần chinh phục của tôi, giúp tôi phát triển bản thân theo hướng tích cực. Tôi không thể lường trước mình sẽ phải học tập và nghiên cứu online gần ba năm do dịch Covid-19, nhưng cách nghĩ trên đã khiến tôi có thêm động lực để kiên trì.

Ngoài ra, những khi cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi hay trì trệ, tôi thường xem các video clip và đọc các bài viết truyền tải năng lượng tích cực, hướng dẫn các kỹ năng tự kỷ luật, tăng cường sự tập trung, làm việc và nghỉ ngơi khoa học rồi áp dụng theo và tự thấy có hiệu quả.

Hạnh Trang (thứ ba, từ trái) nhận giải Vàng cuộc thi nấu ăn dành cho các nhà ngoại giao Cup Huaxi lần thứ 12. (Ảnh: NVCC)

Đâu là động lực khiến bạn gắn bó và hoạt động tích cực trong công tác Đoàn-Hội của lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc suốt thời gian qua?

Là một người trẻ, các hoạt động Đoàn - Hội là nơi tôi mong muốn được kết nối với nhiều bạn trẻ cùng chung chí hướng và cống hiến cho cộng đồng.

Với ngành học của tôi, công tác Đoàn - Hội lại càng mang đến nhiều thông tin, kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn bổ ích, giúp tôi có cơ hội tham gia nhiều hoạt động quốc tế, giao lưu với thanh niên các nước, nắm bắt những vấn đề, xu thế mới trong giới trẻ. Thậm chí, những trải nghiệm tham gia các hoạt động giao lưu thanh niên Việt - Trung đã trở thành nguồn cảm hứng và tư liệu để tôi đi sâu tìm tòi, suy ngẫm và hoàn thành các bài nghiên cứu học thuật đoạt giải.

Qua các hoạt động này, tôi khát khao được cùng cộng đồng lưu học sinh Việt Nam thực hiện sứ mệnh xây dựng hình ảnh đẹp về thanh niên Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Theo bạn, thế hệ trẻ hai nước cần có những sáng kiến hay hành động gì thiết thực hơn nữa, để góp phần vun đắp tình hữu nghị và quan hệ Việt-Trung?

Theo tôi, một trong những vấn đề mấu chốt trong quan hệ hai nước là lòng tin và sự thấu hiểu, tôn trọng đến từ cả hai phía. Để thúc đẩy điều này, sự giao lưu, tương tác tự nhiên, chân thành, cởi mở đầy chất “trẻ” của thế hệ trẻ hai nước đóng vai trò quan trọng, là niềm hy vọng tương lai của quan hệ hai nước.

Hiện nay, có một xu thế văn hóa mới của thời đại, khi nền văn minh phương Đông đang dần phục hưng và trỗi dậy mạnh mẽ so với sự thống trị của văn minh phương Tây, trong đó, Trung Quốc và Việt Nam là hai đại diện tiêu biểu với bề dày văn hóa truyền thống lâu đời.

Trên cơ sở những nét tương đồng mà khác biệt về văn hóa giữa hai nước, thế hệ trẻ có thể nắm bắt xu thế trên, thử nghiệm trao đổi những nội dung về vai trò của thanh niên trong gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc cùng những kinh nghiệm, mô hình, ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên hai nước trong lĩnh vực văn hóa truyền thống khi có cơ hội, đồng thời khai thác triệt để các hình thức truyền thông mới được giới trẻ ưa chuộng.

Sau thời gian dài tiếp xúc sâu rộng với nền văn hóa - giải trí Trung Quốc, giới trẻ Việt Nam cũng hoàn toàn có thể tự tin giới thiệu nhiều hơn nữa về nước ta đến giới trẻ Trung Quốc, bởi các bạn cũng mong muốn được hiểu biết thêm về những người bạn láng giềng Việt Nam - theo những gì tôi được chia sẻ.

Nghiên cứu sinh Hoàng Thị Hạnh Trang sinh năm 1995, tốt nghiệp thủ khoa khóa 2013-2017 khoa Tiếng Trung Quốc, Trường Đại học Hà Nội và nhận học bổng toàn phần của Chính phủ Trung Quốc tại Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc với thành tích đầu vào xếp thứ nhất trong số toàn bộ lưu học sinh của Viện Quan hệ quốc tế.

Cô là Phó Bí thư Ban Cán sự Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại Trung Quốc khóa I, nhiệm kỳ 2019-2022; Phó Bí thư Ban Chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Lưu học sinh Việt Nam tại Bắc Kinh nhiệm kỳ 2021-2023; Ủy viên BCH Hội Lưu học sinh Việt Nam tại Bắc Kinh nhiệm kỳ 2018-2020; Chi hội trưởng Chi hội Lưu học sinh Việt Nam tại Đại học Nhân dân Trung Quốc nhiệm kỳ 2020-2022.

(thực hiện)