Một số đại lý kinh doanh xăng dầu, trong đó có cả đại lý từng bị xử phạt hành chính và tước giấy phép kinh doanh vì có dấu hiệu đầu cơ, găm hàng đã đề nghị: Trước khi xử lý các doanh nghiệp có dấu hiệu đầu cơ, cần có văn bản nhắc nhở, cũng như cần tính đến các khó khăn của doanh nghiệp xăng dầu so với các mặt hàng khác.
Nhắc nhở trước, phạt sau
“Thực tế có lúc chúng tôi đóng cửa vì lý do khách quan chứ không phải cố ý không bán hàng nhưng do không được nhắc nhở trước nên đành chịu phạt”. Ông Đặng Đình Thùy, Giám đốc cây xăng Quang Phát, xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Tây (doanh nghiệp vừa bị xử phạt năm triệu đồng vì có dấu hiệu găm hàng), giải thích
Theo ông Thùy, việc quy định xử phạt hành vi đầu cơ là cần thiết vì tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, các đại lý đều biết mình kinh doanh mặt hàng có điều kiện. Doanh nghiệp xăng dầu không được “thích thì bán, không thích thì thôi”. Tuy nhiên, hiện nay các cây xăng làm đại lý cho doanh nghiệp đã bị cắt giảm hoa hồng đến 50% so với trước vì các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn, nhà nước phải bù giá...
Từ 2007 trở về trước, đại lý được hưởng trung bình khoảng 250 đồng/lít. Nhưng từ đầu năm đến nay, hoa hồng đã có hai đợt giảm từ 190 xuống 150 đồng, sau đó từ tháng 5 lại giảm xuống còn 130 đồng/lít. Trong khi đó, chi phí điện, nước, trả lương... không đủ. “Đây là vấn đề có thật của các đại lý kinh doanh xăng dầu. Việc đầu cơ, ém hàng, đong thiếu... của đại lý có thể xuất phát từ các nguyên nhân này”, ông Thùy phân trần.
“Mở” cho đại lý xăng dầu về giá?
Một đại diện của cửa hàng xăng dầu số 45 tại huyện Chương Mỹ, Hà Tây cũng thuộc một doanh nghiệp từng bị rút giấy phép trong ba tháng (do bán hàng cầm chừng, găm hàng) so sánh thêm: Các đại lý xi măng mua đứt bán đoạn với công ty theo giá đầu nguồn, sau đó được tự quyết giá đối với người mua. Vào thời điểm sốt xi măng, họ có thể “làm giá” và được hưởng lợi, người mua phải chấp nhận thuận mua vừa bán.
Các đại lý sắt, thép, phân bón cũng vậy, trong khi đó đại lý xăng dầu thì chỉ hưởng hoa hồng. Do đó, “chúng tôi đồng tình việc xây dựng dự thảo nghị định về xử phạt đầu cơ, tuy nhiên cần có những tháo gỡ khó khăn cho các đại lý để tạo sự bình đẳng giữa đại lý các ngành hàng. Cần “mở” cho đại lý xăng dầu về giá như các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực khác hoặc ngược lại, cần đưa ra điều kiện với các mặt hàng thiết yếu khác để tạo sự công bằng”, vị đại diện trên nói.
Một đại lý xăng dầu trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội góp ý: Trong lúc khó khăn, doanh nghiệp hoàn toàn có quyền từ chối bán hàng cho những người mua hàng với số lượng lớn (vài thùng phuy hoặc vài can) vì có thể làm cạn nguồn hàng phục vụ mục đích tiêu dùng (đi lại, đốt...). Do đó, khi thị trường đang gặp khó khăn, đại lý bán không đúng đối tượng cũng có thể bị xem xét xử lý.
Hôm qua (7-7), Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã có cuộc họp về tăng cường quản lý hệ thống phân phối, bán lẻ các mặt hàng thiết yếu. Ông Hoàng Thọ xuân, Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước, cho biết Bộ đang xây dựng đề án các mặt hàng thiết yếu như một “kịch bản” để có thể xử lý tốt các tình huống xấu của thị trường hoặc khi có đột biến, tình hình khó khăn. “Kênh phân phối này hoàn toàn có thể siết về giá và xử lý các vấn đề về cung cấp hàng thiết yếu của thị trường”. Sáng nay (8-7), Bộ Công thương cũng sẽ có cuộc họp giao ban trực tuyến với các địa phương về tình hình kinh tế-xã hội và xác định hướng quy hoạch đối với các mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế trong thời gian tới. |