Vượt qua Thái Lan và Malaysia, Việt Nam đang trở thành quốc gia đứng đầu Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT), ở mức trên 30%. Được dự kiến sẽ đạt 10 tỷ USD vào năm 2020, hiện quy mô của TMĐT không chỉ giới hạn ở hoạt động bán hàng mà không ít doanh nghiệp đã đẩy mạnh đầu tư công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu giao nhận, vận chuyển hàng hóa (logistics).
Tuy nhiên, việc thiếu liên kết giữa doanh nghiệp TMĐT và doanh nghiệp logistics là một điểm yếu của TMĐT Việt Nam, đồng thời làm mất đi cơ hội của doanh nghiệp logistics.
Thị trường TMĐT Việt Nam được dự kiến sẽ đạt 10 tỷ USD vào năm 2020. (Nguồn: Sblaw) |
Dịch vụ logistics - mắt xích quan trọng của TMĐT
Theo Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLBA), ngành này chiếm từ 20 - 25% GDP và dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 12% mỗi năm trong tương lai gần. Mức tăng trưởng cao của ngành công nghiệp TMĐT mang đến nhiều cơ hội cho các công ty logistics.
Cụ thể, các dịch vụ chuyển phát nhanh và dịch vụ hậu cần nhắm tới TMĐT là mảnh đất màu mỡ cho đầu tư. Bên cạnh những tên tuổi lâu như chuyển phát nhanh Bưu điện (EMS), Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post), sự tham gia ngày càng mạnh mẽ và quyết liệt của các doanh nghiệp tư nhân như Scommerce (tiền thân là Giaohangnhanh), Lazada, DHL... ngày càng chứng tỏ sức hút của thị trường này.
Ông Nguyễn Quang Thuật, Giám đốc Trung tâm xử lý đơn hàng của Công ty Cổ phần công nghệ Sen Đỏ cho biết, trong lĩnh vực logistics, vận chuyển được coi là xương sống của TMĐT nhưng hầu như các nhà vận chuyển lớn trong nước đều không đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp TMĐT. Sở dĩ vậy bởi dịch vụ logistics tại Việt Nam còn rất sơ khai, chủ yếu mang logistics truyền thống sang phục vụ điện tử.
Một khảo sát mới nhất của Công ty CP Sendo cho thấy, hơn 40% người tiêu dùng đang phản ánh về tốc độ giao hàng, bên cạnh đó chi phí giao nhận cũng khá cao so với nhu cầu mua sắm online.
Còn theo ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc Công ty Lazada Express, chi phí logistics ở Việt Nam đang chiếm 30% doanh thu TMĐT, ở mức cao so với các nước khác, chẳng hạn như ở Ấn Độ từ là 10 - 15%.
Không những thế, sự phát triển của lĩnh vực logistics vẫn chưa đáp ứng cho yêu cầu của TMĐT. Đơn cử với số lượng đơn hàng lên đến hàng trăm nghìn giao dịch mỗi ngày, doanh nghiệp không thể phát triển một lực lượng hùng hậu các "shipper" (người vận chuyển) chạy bằng xe máy để giao hàng trên khắp cả nước, trong khi chi phí đầu tư và vận hàng cho phương tiện ôtô cao và gây tắc nghẽn giao thông.
Chi phí logistics ở Việt Nam đang chiếm 30% doanh thu TMĐT, ở mức cao so với các nước khác, chẳng hạn như ở Ấn Độ từ là 10 - 15%. (Ảnh minh họa - Nguồn: YouTube) |
Ông Vũ Đức Thịnh lý giải thêm: TMĐT khác với thương mại truyền thống bởi có ngày cao điểm doanh số bán hàng trực tuyến của doanh nghiệp có thể bằng tổng lượng đơn hàng của cả một năm. Hơn nữa, hiện nay ở Việt Nam chưa có Luật về logistics, thủ tục hành chính cũng phức tạp.
Chẳng hạn như Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP về chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường quy định hàng hóa vận chuyển trên đường phải có đơn hàng. Tuy nhiên, nếu TMĐT một ngày có hàng trăm đơn hàng và có những đơn hàng chỉ vài chục nghìn đồng thì sẽ khó có thể kẹp hóa đơn cho từng đơn hàng.
Điều đáng buồn hơn cả về nhân lực cho logistics phục vụ TMĐT thì đến nay vẫn chưa có trường để đào tạo chuyên ngành.
Trong khi TMĐT muốn phát triển mạnh, không thể thiếu các dịch vụ logistics có chất lượng. Ngược lại, dịch vụ logistics là một mắt xích then chốt để hoàn tất mua bán trực tuyến các sản phẩm hữu hình.
Do đó, việc thiếu liên kết giữa doanh nghiệp TMĐT và doanh nghiệp logistics là một điểm yếu của TMĐT Việt Nam, đồng thời làm mất đi cơ hội của doanh nghiệp logistics.
Đẩy mạnh đầu tư công nghệ
Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, hiện chưa có nhiều doanh nghiệp logistics có thể đáp ứng tốt nhất những yêu cầu của doanh nghiệp TMĐT.
Vì vậy, theo ông Đào Trọng Khoa, các doanh nghiệp cần liên kết, tận dụng thế mạnh của nhau tạo ra dịch vụ trên nền tảng của dịch vụ có sẵn của các bên để có thể đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.
Cũng nhìn nhận thực tế này, ông Vũ Đức Thịnh khuyến nghị các doanh nghiệp logistics cần đầu tư vào công nghệ theo hướng tự động hóa, nâng cao năng lực vận hành. Cùng với đó là đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng từ thế giới vào Việt Nam, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay.
Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng nhấn mạnh, hiện hệ thống các văn bản pháp quy đã điều chỉnh những vấn đề cốt lõi nhất về TMĐT. Điều này sẽ tạo cơ sở lớn hơn cho các doanh nghiệp đầu tư và hợp tác cũng như có cơ hội cùng phát triển.
Trong khi chờ đợi sự hỗ trợ và những giải pháp từ phía Nhà nước, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đổi mới công nghệ nhằm theo kịp xu hướng mới và đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Vài năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của TMĐT, phương thức phục vụ đã chuyển sang B to B to C, tức là hàng hóa đưa tới tận tay người tiêu dùng. (Nguồn: IndianOnlineSeller) |
Chẳng hạn như phần mềm giao hàng của Công ty Giao hàng nhanh hiện mới chỉ cho phép nhân viên nhận đơn và chia đơn theo khu vực để tiện đường giao hàng. Năm nay, với số lượng đơn hàng dự kiến tăng lên gấp 3 lần so với năm 2017, doanh nghiệp này sẽ dành khoảng 2% doanh số để đầu tư nâng cấp công nghệ. Trong đó, có việc tích hợp tính năng định vị để gom các đơn hàng gần nhau vào một nhóm, nhằm giảm thời gian giao hàng.
Ông Nguyễn Trần Thi - Tổng Giám đốc Công ty Giao hàng nhanh chia sẻ: Trong năm 2018, công ty sẽ cố gắng để đơn hàng trong nội thành Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh được giao trong 2 tiếng và tất cả người mua hàng trên toàn quốc có thể nhận hàng trong 24 tiếng.
Còn với Công ty T&M Forwarding, trước đây, để đưa hàng trong nước đến với các sàn TMĐT lớn trên thế giới, dịch vụ logistics chỉ theo hình thức B to B (từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp). Vài năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của TMĐT, phương thức phục vụ đã chuyển sang B to B to C (tức là hàng hóa được đưa đến tận tay người tiêu dùng). Muốn làm được điều này, công nghệ là yếu tố rất quan trọng.
Ngay cả với các sàn TMĐT quốc tế, tiêu chí để lựa chọn đơn vị giao nhận địa phương cũng dựa trên nền tảng công nghệ mà họ đang có bởi khi có công nghệ tốt, các công ty này mới có thể kết nối được với đối tác giao nhận nước ngoài.
Ông Fabian Wantd - Giám đốc vận hành Lazada Việt Nam cho rằng, công ty giao nhận Việt Nam hiểu thị trường, hiểu về vùng miền, còn các công ty quốc tế lại có thế mạnh về công nghệ. Do đó, muốn có sự kết hợp tốt, phía công ty Việt Nam phải đầu tư để có giải pháp công nghệ tương thích.
Thêm nữa, sự tham gia của các trường đại học cũng là dấu hiệu rất rõ ràng cho việc các công ty và trường đại học muốn đồng hành để xây dựng những khoá học phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp có nhu cầu hiện nay.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể sử dụng ngay những kỹ năng đã được thực hành để ứng tuyển. Có như vậy mới có thể sử dụng thành thạo những công nghệ mới. Bởi ngày nay, công nghệ và tự động hoá chính là chìa khóa cho sự phát triển của ngành logistics.