Doanh số bán dầu mỏ của Nga sang châu Á vẫn tăng đều đặn. (Nguồn: Reuters) |
Đáng chú ý là giữa bối cảnh giá dầu mỏ thế giới đang ở mức cao, Nga có thể giảm giá cho các thị trường mới trong bối cảnh ngành năng lượng nước này đang bị phương Tây và Mỹ trừng phạt.
Ruble và Rupee
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết tại cuộc họp báo sau cuộc hội đàm ở New Delhi rằng, nước này sẵn sàng cung cấp cho Ấn Độ bất kỳ hàng hóa nào họ muốn mua, khẳng định Nga sẽ tìm cách vượt qua những trở ngại nhân tạo do các lệnh trừng phạt đơn phương bất hợp pháp từ phương Tây.
Điều này có nghĩa trong bối cảnh một số ngân hàng lớn của Nga bị “ngắt kết nối" với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, việc chuyển tiền sẽ thông qua hệ thống nhắn tin tài chính của Ngân hàng trung ương Nga (SPFS). Ông Lavrov ám chỉ trong số này có những giao dịch dầu mỏ.
Trước đó một tuần, một phát ngôn viên giấu tên của chính phủ Ấn Độ hé lộ với báo giới rằng, nước này sẽ tăng cường nhập khẩu dầu của Nga. Và Nga còn giảm giá bán, trong bối cảnh nền kinh tế đang phải vật lộn để đứng vững sau đại dịch Covid-19.
Tin liên quan |
Chuyên gia lý giải về 'sức mạnh vô song' của dầu thô Nga |
Phía Ấn Độ đã mua 3 triệu thùng dầu từ Nga. Theo truyền thông Ấn Độ và phương Tây, Nga đã chào mức giá thấp hơn 20% so với giá thế giới. Trong khi đó, hãng tin Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho hay, dầu Urals của Nga sẽ được bán với giá chỉ 57 USD/thùng.
Ấn Độ không tham gia trừng phạt Nga cùng Mỹ và các nước phương Tây. Bất chấp những lời kêu gọi của Mỹ về việc tránh giao dịch với Nga, giới chức Ấn Độ nói rằng, các hợp đồng năng lượng là hợp pháp và nằm ngoài phạm vi chính trị.
Ngoài ra, đối với một quốc gia nhập khẩu 85% lượng dầu tiêu thụ như Ấn Độ, việc giá năng lượng thế giới tăng vọt là vấn đề nghiêm trọng. Những hợp đồng dầu có chiết khấu giá đáng kể sẽ rất hữu ích cho nền kinh tế này.
Moscow chưa bình luận về các số liệu của thỏa thuận. Tuy nhiên, Phó thủ tướng Alexander Novak cho rằng, xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ sang Ấn Độ đã gần đạt con số 1 tỷ USD. Và ông nhấn mạnh có nhiều cơ hội tốt để tăng con số này.
Bloomberg cho biết, Rosneft sẽ ký hợp đồng với tập đoàn dầu khí lớn nhất Ấn Độ IndianOil. Khối lượng - ít nhất là 15 triệu thùng một năm. IndianOil từ chối bình luận. Washington cũng đã cảnh báo New Delhi về "rủi ro lớn" trong trường hợp nhập khẩu dầu của Nga tăng đáng kể, theo Reuters. Tuy nhiên, Mỹ không ra mặt phản đối việc Ấn Độ mua dầu của Nga. Vì Tổng thống Joe Biden coi Ấn Độ là đối tác quan trọng chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á.
Thị trường mới cho Nga
Các quốc gia khác ở Nam và Đông Nam Á cũng đang thể hiện sự quan tâm tới dầu Nga. Ông Nike Vidyawati, Giám đốc công ty dầu khí nhà nước Indonesia PT Pertamina, cho biết, đang có cơ hội để nước này mua dầu thô với giá tốt và công ty đang phối hợp hành động với Bộ Ngoại giao, cùng Ngân hàng trung ương Indonesia”.
Ông Vidyawati thừa nhận, các khoản thanh toán có thể đi qua Ấn Độ, đồng thời chắc chắn rằng thỏa thuận sẽ không có vấn đề chính trị, miễn là các công ty tham gia không phải chịu các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, ông không loại trừ áp lực của phương Tây sau khi ký kết hợp đồng, như trường hợp Huawei của Trung Quốc - tập đoàn đã cung cấp điện thoại thông minh cho Iran.
Một thương nhân ở Viễn Đông nói với hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global rằng, không biết liệu có bất kỳ nhà nhập khẩu châu Á nào có thể mua dầu của Nga hay không. Người này nhắc tới Shell đã làm điều đó và gánh chịu hậu quả ám chỉ tuyên bố của Shell về việc ngừng mua dầu thô giao ngay của Nga.
Có thể châu Á sẽ trở thành thị trường chính của dầu mỏ Nga, vị trí trước kia vốn là châu Âu. (Nguồn: Opus Kinetic) |
Tuy nhiên, doanh số bán dầu mỏ của Nga sang châu Á vẫn tăng. Một trong những chuyên gia được kính trọng nhất về năng lượng toàn cầu, Daniel Yergin, tác giả của cuốn sách đình đám Khai thác, tin rằng: "Có vẻ như châu Á sẽ trở thành thị trường chính của dầu mỏ Nga, vị trí trước kia vốn là châu Âu”.
Công ty theo dõi việc luân chuyển hàng hóa thời gian thực Vortexa cũng cho biết, dầu của Nga đang được chuyên chở sang châu Á. Trong tháng Ba, xuất khẩu dầu Nga sang châu Âu đã giảm 280.000 thùng/ngày xuống 1,3 triệu thùng/ngày. Ngược lại, lượng hàng giao hàng ngày đến châu Á tăng 220.000 thùng vào cùng giai đoạn.
Năm 2021, châu Á chỉ mua 5% lượng dầu thô nhập khẩu của Nga. Khách hàng chính là Trung Quốc: 1,6 triệu thùng/ngày. Ấn Độ chỉ mua vào 43.000 thùng/ngày. Các nhà nhập khẩu lớn khác gồm Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong thực tế mới, con số có thể sẽ tăng lên đáng kể.
Từ Trung Đông đến Viễn Đông
Trong khi đó, giá bán dầu đã cao hơn khoảng 80% so với một năm trước. Các nhà giao dịch cho biết có thể giá giao ngay sẽ còn tiếp tục leo thang khi nhu cầu tăng cao trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm.
Tập đoàn năng lượng Saudi Aramco của Saudi Arabia đã tăng giá bán dầu Arab Light đối với các đối tác châu Á thêm hơn 9 USD/thùng trong tháng Năm. Các quốc gia Arập đang có vị thế thuận lợi: các nước phương Tây, vốn hầu như không có đủ nguồn năng lượng dự trữ cho mình, sẽ hướng tới nguồn cung từ Trung Đông.
Yêu cầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc đàm phán giá khí đốt đã bị Saudi Arabia và Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) phớt lờ. Đối với các nước Trung Đông, châu Á vẫn là thị trường dầu mỏ và khí đốt chính. Do đó, Qatar, nước mà Đức tính đến để cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng, không tìm cách xích lại gần Liên minh châu Âu (EU).
Bộ trưởng Năng lượng Qatar, Saad al-Kaabi, phát biểu tại hội nghị quốc tế "Diễn đàn Doha", cho biết: "Tôi không nghĩ chúng tôi có thể cung cấp hỗ trợ khẩn cấp (cho châu Âu). Không ai có thể thay thế Nga trong việc cung cấp năng lượng”. Sau đó, ông giải thích rằng, Qatar sẽ có thể cung cấp khối lượng lớn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho EU không sớm hơn sau 5 năm.
Bản thân châu Âu cũng thừa nhận, hầu như không thể nhanh chóng tìm được các nguồn thay thế. Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg thậm chí còn lên tiếng phản đối lệnh cấm vận khí đốt với Nga.
Tin liên quan |
'Bị xa lánh' ở châu Âu, dầu mỏ Nga đang tìm đến châu Á? |
Trong khi đó, Đông và Nam Á cũng hiểu rõ những rủi ro - mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt thứ cấp. Do đó, các nước châu Á sẽ tìm kiếm sự giảm giá tối đa của Nga. Nhưng họ ít khả năng từ chối ký thêm phụ lục hợp đồng.
Chuyên gia công nghiệp Leonid Khazanov cho biết: “Trong điều kiện hiện nay, việc mua dầu của Nga mà không cần bỏ tất cả trứng vào một giỏ và đa dạng hóa cơ cấu nguồn cung là rất cần thiết. Việc khóa nguồn cung “vàng đen” từ Nga sẽ chỉ dẫn tới thiếu hụt trên thị trường thế giới và tăng giá, điều mà người tiêu dùng châu Á không muốn”.
Ông lưu ý rằng, Ấn Độ và Trung Quốc đang mua phân bón kali của công ty Belarus đang bị trừng phạt Belaruskali, nghĩa là họ có thể làm điều tương tự với dầu. Chuyên gia này kết luận rằng: “Họ sẽ tìm cách vượt qua các hạn chế và trở ngại. Tất nhiên, các lệnh trừng phạt có thể có tác động nhất định đến hành động của một số công ty châu Á quan tâm đến việc mua hàng. Tuy nhiên, không chắc tất cả họ sẽ nghe lời Tổng thống Mỹ hoặc các quan chức châu Âu”.
Chuyên gia này tin rằng, việc bán dầu Urals với giá giảm gần 35 USD so với giá dầu Brent sẽ mang lại nguồn thu tốt cho ngân sách liên bang của Nga trong bất cứ trường hợp nào. Ngoài ra, không phải nhà nước đang thực hiện việc bán dầu khí mà là các công ty thương mại của Nga.
Ngay cả trong tình hình địa chính trị hiện nay, họ chắc chắn vẫn muốn đạt lợi nhuận tốt. Bên cạnh đó, khi cân nhắc tới khía cạnh địa lý, các giao dịch cũng có thể bị ảnh hưởng bởi vấn đề logistics – vốn đang cực kỳ phức tạp ở châu Âu.
Ông Alexey Grivach, Phó tổng giám đốc Quỹ an ninh năng lượng Quốc gia, cho biết: “Trong tháng Ba, xuất khẩu nhiên liệu lỏng của Nga đã tăng mạnh. Ngay cả với giá được điều chỉnh xuống thấp hơn, giá bán dầu của Nga sang châu Á vẫn cao hơn nhiều so với tháng 1/2022. Và lợi nhuận từ các hợp đồng có thể cao hơn nhiều so với dự kiến của Nga”.
Đối với khí đốt, nhà phân tích lưu ý, tình hình phức tạp hơn: giá giao ngay từ lâu đã ở mức rất cao trên thế giới, đặc biệt là đối với LNG. Các công ty châu Á quan tâm đến việc cung cấp nhiên liệu qua đường ống từ Nga, sau đó họ có thể bán lại cho thị trường châu Âu. Do đó, dòng khí từ Siberia đến châu Á khó có thể suy yếu.
| Nông nghiệp Ukraine 'ngấm đòn' khủng hoảng Ukraine đang tìm cách tăng xuất khẩu ngũ cốc sang các thị trường thế giới khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt. |
| Căng thẳng Nga-Ukraine sẽ tạo bước ngoặt trong sự phát triển của trật tự kinh tế thế giới? Đã hơn một tháng kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine bắt đầu bùng nổ, hai bên dường như đều chịu những tổn ... |