Nhỏ Bình thường Lớn

Dấu mốc mới trong hành trình ngoại giao di sản

”Việc quần thể Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà được ghi danh là minh chứng sống động, khẳng định một đóng góp cụ thể nữa của Việt Nam ở tầm quốc tế vào nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao”, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO chia sẻ.
Đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp của Ủy ban Di sản thế giới UNESCO tại Saudi Arabia ngày 16/9. (Ảnh: NVCC)
Đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp của Ủy ban Di sản thế giới UNESCO tại Saudi Arabia ngày 16/9. (Ảnh: NVCC)

Cảm xúc của Đại sứ khi tiếng búa thông qua hồ sơ Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà vang lên?

Tôi còn nhớ như in cảm giác vỡ òa trong hạnh phúc của cả Đoàn Việt Nam khi Chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới gõ búa ghi danh Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới mới lúc 17 giờ 39 phút giờ địa phương (tức 21 giờ 39 phút Việt Nam) ngày 16/9.

Đây không chỉ là niềm tự hào của cộng đồng, người dân Thành phố Hải Phòng và Tỉnh Quảng Ninh, mà còn là niềm vui chung của đất nước, vì tên Việt Nam một lần nữa được xướng lên trên bản đồ di sản thế giới sau tám năm. Đó là niềm phấn khởi vì sự ghi nhận và đánh giá cao của quốc tế đối với vẻ đẹp của di sản và nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ di sản. Đó cũng là niềm vinh dự, tự hào về một đóng góp nữa của nước ta cho mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản mà UNESCO thúc đẩy, làm giàu thêm kho tàng văn hóa nhân loại.

Chúng tôi đều hiểu rằng, niềm vinh dự, tự hào luôn đi cùng với trách nhiệm, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương cần nâng cao nhận thức, triển khai đồng bộ các biện pháp thiết thực và hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị của di sản theo đúng tinh thần Công ước 1972 gắn với phát triển bền vững.

Để có được thành quả - di sản thế giới liên tỉnh thành đầu tiên tại nước ta, công tác vận động của Việt Nam đã được triển khai như thế nào, thưa Đại sứ? Trong quá trình đó, Đại sứ cảm nhận như thế nào về đánh giá của quốc tế về những nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Việt Nam?

Đây là kết quả của việc bám sát, triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO và quan trọng nhất là nỗ lực, quyết tâm của chính quyền, người dân thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.

Quá trình xây dựng hồ sơ kéo dài gần 10 năm với không ít khó khăn, từ việc lựa chọn tiêu chí để nổi bật giá trị toàn cầu của di sản, cho đến thúc đẩy đồng thuận giữa hai địa phương, hoàn thiện cơ chế hợp tác và phối hợp chung để bảo tồn và quản lý di sản. Thậm chí trước Kỳ họp, hồ sơ còn nhận khuyến nghị không thuận từ cơ quan tư vấn độc lập Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).

Tuy nhiên, xuất phát từ mong muốn bảo vệ và phát huy tốt nhất giá trị di sản cho muôn đời sau, Đoàn Việt Nam với sự tham dự của Lãnh đạo Thành phố Hải Phòng và Tỉnh Quảng Ninh, Đại sứ ta bên cạnh UNESCO, đại diện của Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành gần 30 cuộc làm việc trực tiếp với 21 Trưởng đoàn các quốc gia thành viên Uỷ ban Di sản thế giới, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) để chia sẻ quan điểm, làm rõ giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, giải thích các nỗ lực của chính quyền và nhân dân hai địa phương.

Đặc biệt qua các cuộc trao đổi, các thành viên đánh giá rất cao thiện chí, quyết tâm mạnh mẽ, nỗ lực và cam kết cụ thể của Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo địa phương, các bộ ngành liên quan và cộng đồng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nhất là với hồ sơ di sản liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam đòi hỏi sự đồng thuận và phối hợp quản lý hiệu quả.

Trên cơ sở đó, Kỳ họp đã đạt được sự nhất trí tuyệt đối của toàn bộ 21/21 thành viên Ủy ban ủng hộ Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà xứng đáng ghi danh di sản thế giới mới, với vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú, có giá trị nổi bật toàn cầu, điểm cuối trong quá trình tiến hóa karst, đại diện cho bảy hệ sinh thái liền kề, môi trường sống của nhiều loại động vật quý hiếm.

Theo Đại sứ, việc quần thể Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới có ý nghĩa như thế nào đối với quá trình “ngoại giao di sản” của Việt Nam?

Có thể nói việc quần thể Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà được ghi danh Di sản thiên nhiên thế giới là dấu mốc mới trong hành trình ngoại giao văn hóa, ngoại giao di sản của Việt Nam thời gian gần đây.

Cách đây một năm, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Ninh Bình, 9/2022) với sự tham dự của Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay.

Bà Audrey Azoulay khẳng định Việt Nam là “điển hình mẫu mực” của mô hình hài hoà giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản, gắn với phát triển du lịch bền vững, phát triển kinh tế và sinh kế của người dân.

Ngay đầu năm nay trong chuyến thăm Việt Nam, Giám đốc Trung tâm di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo đánh giá rất cao chính sách của Việt Nam luôn coi trọng văn hoá, xác định văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, nguồn lực, động lực cho phát triển bền vững. Ông Lazare Eloundou Assomo rất ấn tượng với các mô hình, kinh nghiệm hay trong quản lý tám khu di sản thế giới tại Việt Nam.

Đặc biệt, tại Hội nghị quốc tế về “Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam” tháng Bảy vừa qua, Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về ưu tiên châu Phi và quan hệ đối ngoại, ông Firmin Edouard Matoko, nhấn mạnh vai trò thành viên chủ động, tích cực, trách nhiệm của Việt Nam tại UNESCO, nhất là trong công tác bảo tồn, gìn giữ các di sản thế giới cho các thế hệ mai sau.

Do đó, việc quần thể Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà được ghi danh là minh chứng sống động, khẳng định đóng góp cụ thể nữa của Việt Nam ở tầm quốc tế vào nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Các lãnh đạo UNESCO tin tưởng rằng, với các chuyên gia giỏi và kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Việt Nam có đầy đủ cơ sở để đảm nhận tốt vai trò thành viên Uỷ ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027.

Cùng với thế và lực của đất nước hiện nay, Đại sứ đánh giá như thế nào về hình ảnh về đất nước, con người, cảnh sắc thiên nhiên của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế? Từ đó tạo động lực/nguồn cảm hứng như thế nào để ngoại giao di sản tiên phong ngoài “tiền tuyến”?

Có thể nói, nước ta có nhiều lợi thế do thiên nhiên ban tặng, truyền thống lịch sử hào hùng, nền văn hiến nghìn năm, sự đa dạng và độc đáo của bản sắc văn hóa, tố chất con người Việt Nam cần cù, sáng tạo với hệ giá trị tinh thần quý báu, chính sách đối ngoại hòa bình, hòa hiếu, nhân nghĩa, gắn với sự phát triển năng động trong đổi mới và hội nhập quốc tế. Đây là nền tảng thuận lợi để chúng ta tiếp tục triển khai hiệu quả công tác ngoại giao văn hóa, ngoại giao di sản.

Theo tôi, có thể tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của ngoại giao văn hóa, ngoại giao di sản trên bốn phương diện sau:

Thứ nhất, phát huy vai trò tiên phong trong tham mưu, đề xuất chính sách, tận dụng những ý tưởng, sáng kiến của UNESCO trong hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia, góp phần phát triển bền vững đất nước.

Thứ hai, tiên phong trong tham gia xây dựng, vận động, bảo vệ các hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát huy di sản, “biến di sản thành tài sản”, “biến tiềm lực thành nguồn lực” để phục vụ phát triển thiết thực.

Chúng ta tiếp tục thúc đẩy các hồ sơ di sản, danh hiệu đã nộp và đang chờ UNESCO xem xét, phê duyệt như hồ sơ di sản phi vật thể đối với Lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam và Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, hồ sơ danh nhân Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; nộp hồ sơ di sản văn hóa Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc, thúc đẩy hỗ trợ hồ sơ Khu di tích Óc Eo-Ba Thê, Hang Con Moong, Công viên địa chất Lạng Sơn.... Tổng Giám đốc UNESCO khẳng định tiếp tục dành cho Việt Nam sự hợp tác chặt chẽ, giúp đỡ hiệu quả, để các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam ngày càng lan tỏa sâu rộng và hòa cùng dòng chảy và giá trị của tinh hoa văn hóa nhân loại, tranh thủ sự ủng hộ cho nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội...

Thứ ba, tiên phong trong quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới. Đến nay Việt Nam đã có gần 60 di sản, danh hiệu UNESCO, đứng đầu các nước Đông Nam Á về số di sản được UNESCO ghi danh. Các danh hiệu ở tầm cỡ quốc tế mà UNESCO dành cho Việt Nam là cách thức hữu hiệu để bạn bè quốc tế hiểu hơn về một Việt Nam phát triển năng động, là mô hình thành công của đổi mới, mở cửa và hội nhập, nhưng vẫn giàu truyền thống, đậm đà bản sắc.

Thư tư, nâng cao vị thế và uy tín đất nước thông qua nâng tầm đóng góp vào quan tâm chung, tăng cường đảm nhận trọng trách quốc tế, vai trò điều hành tại các cơ chế của UNESCO như thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO, Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 về bảo vệ và thúc đẩy sự đa dạng của các biểu đạt văn hoá, Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003. Chúng ta tiếp tục vận động ứng cử vào Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 để đóng góp vào công việc chung của UNESCO.

Ngoại giao Việt Nam, dấu ấn, thông điệp và yêu cầu mới

Ngoại giao Việt Nam, dấu ấn, thông điệp và yêu cầu mới

Thành tựu những năm qua tạo cho Việt Nam tiềm lực, vị thế, uy tín cao trên trường quốc tế, đưa đất nước hình chữ ...

Bộ Ngoại giao phối hợp với tỉnh Nam Định triển khai công tác đối ngoại và ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Bộ Ngoại giao phối hợp với tỉnh Nam Định triển khai công tác đối ngoại và ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Sáng ngày 23/8, tại TP Nam Định, tỉnh Nam Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn ...

Ngoại giao văn hóa: Nhân rộng niềm vui, lan tỏa hình tượng

Ngoại giao văn hóa: Nhân rộng niềm vui, lan tỏa hình tượng

Bám sát Kế hoạch hành động của Bộ Ngoại giao triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, kết quả bước đầu ...

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc hướng đến mục tiêu trở thành di sản thế giới

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc hướng đến mục tiêu trở thành di sản thế giới

Hội đồng quốc tế Di tích và di chỉ (ICOMOS) vừa có những góp ý cho Hồ sơ để cử Quần thể di tích và ...

Bộ Ngoại giao phối hợp với Phú Thọ triển khai công tác đối ngoại và ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển

Bộ Ngoại giao phối hợp với Phú Thọ triển khai công tác đối ngoại và ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển

Chiều ngày 29/9, tại thành phố Việt Trì, Phú Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn ...

(thực hiện)