Kỷ niệm 30 năm ngày Vịnh Hạ Long được vinh danh là Di sản Thiên nhiên Thế giới. (Ảnh: Thanh Vân) |
Tối 14/12, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày Vịnh Hạ Long được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ nhất (17/12/1994-17/12/2024).
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh nhấn mạnh Vịnh Hạ Long đã đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của Quảng Ninh, góp phần quan trọng đưa du lịch trở thành một trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh, nâng cao đời sống nhân dân. Đồng thời, Vịnh Hạ Long là cầu nối trong quan hệ đối ngoại giữa Quảng Ninh, Việt Nam với bạn bè, đối tác quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Hạnh khẳng định, việc Vịnh Hạ Long chính thức được vinh danh là Di sản Thiên nhiên thế giới đầu tiên tại Việt Nam đã đem lại niềm vinh dự, tự hào to lớn nhưng cũng đặt ra cho Quảng Ninh trách nhiệm rất lớn.
Sau 30 năm kể từ khi được UNESCO công nhận, vịnh Hạ Long giờ đã có một diện mạo mới. Đặc biệt là các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản được bảo tồn nguyên vẹn; các tiềm năng thế mạnh được phát huy; bộ máy, cơ chế, chính sách trong quản lý, bảo vệ di sản từng bước được củng cố, hoàn thiện tạo cơ sở vững chắc cho chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị vịnh Hạ Long một cách toàn diện, bền vững.
"Vịnh Hạ Long ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế; thực sự trở thành thương hiệu nổi tiếng của du lịch Quảng Ninh, của Việt Nam và của thế giới. Từ năm 1996 đến nay đã có trên 57 triệu lượt khách tham quan vịnh, thu phí tham quan đạt trên 8.600 tỷ đồng. Qua đó, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh", bà Hạnh thông tin.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh phát biểu tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: Quang Minh) |
Quảng Ninh đã đúc kết được nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu về mối quan hệ mật thiết giữa bảo tồn với phát huy di sản; sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở, tinh thần đồng lòng, chung tay của cộng đồng, doanh nghiệp và nhân dân.
Hiện Quảng Ninh đang báo cáo Trung ương để trình Chính phủ quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long giai đoạn mới. Trọng tâm là tiếp tục nghiên cứu, bổ sung dữ liệu khoa học về 2 giá trị đã được UNESCO công nhận; nhận diện, làm rõ hơn các giá trị về văn hóa-lịch sử và đa dạng sinh học của Vịnh Hạ Long; lập hồ sơ đề nghị UNESCO xem xét công nhận tiêu chí văn hóa và tiêu chí đa dạng sinh học theo Công ước 1972.
Đây cũng là di sản được mở rộng sang Hải Phòng, Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà cũng là di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam nằm trên địa giới hành chính 2 tỉnh trở lên.
Do đó, Quảng Ninh tiếp tục chủ động, thúc đẩy liên kết mạnh mẽ hơn với Hải Phòng để thực hiện hiệu quả việc bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, hợp tác quốc tế về di sản, thu hút hỗ trợ trong quản lý di sản.
Đặc biệt, tỉnh nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch mới theo hướng phát triển du lịch chất lượng cao, khai thác, phát huy hiệu quả giá trị, tiềm năng của di sản, nhất là việc thắt chặt mối quan hệ với các di sản của Việt Nam như Hoàng Thành Thăng Long, Phong Nha-Kẻ Bàng, Tràng An, Thành nhà Hồ, Cố đô Huế, Thánh địa Mỹ Sơn, Hội An để xây dựng chuỗi điểm đến, hành trình nổi bật, xây dựng Hạ Long trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ ở khu vực và quốc tế.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, khi thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, áp lực từ phát triển kinh tế, đặc biệt áp lực từ sự gia tăng du lịch, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục nỗ lực, sáng tạo và đoàn kết.
Ông Cương đề nghị, thời gian tới, Quảng Ninh cần tiếp tục làm tốt công tác dự báo, đánh giá, nhận diện đúng tình hình, xác định vị trí, vai trò, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và những thách thức trong quản lý. Đồng thời, chủ động, sáng tạo trong việc huy động nguồn lực, tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ban, ngành, các chuyên gia trong nước và quốc tế để tiếp tục có những quyết sách và hành động phù hợp trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy bền vững di sản.
Đẩy mạnh việc chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh" với việc đưa ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, gia tăng giá trị kinh tế của di sản, phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, sáng tạo, có tính cạnh tranh cao; lấy bảo tồn các giá trị của di sản làm nền tảng, làm động lực phát triển; lấy phát triển văn hóa, xây dựng văn minh sinh thái, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm.
Vịnh Hạ Long là cầu nối trong quan hệ đối ngoại giữa Quảng Ninh, Việt Nam với bạn bè, đối tác quốc tế. (Nguồn: Internet) |
Ông Vishal V. Sharma, Đại sứ, Chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới đã ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ di sản Vịnh Hạ Long. Câu chuyện thành công này là hình mẫu cho các di sản thế giới khác đang đối mặt với những thách thức tương tự. Vịnh Hạ Long không chỉ là một địa danh có vẻ đẹp tự nhiên đặc sắc mà còn là nguồn cảm hứng, minh chứng cho sức mạnh của thiên nhiên, ý nghĩa văn hóa sâu sắc.
Trong ba thập kỷ qua, khu di sản mang tính biểu tượng này đã kết nối cộng đồng trên toàn thế giới, nhắc nhở về tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản, kỳ quan thế giới cho thế hệ mai sau.
Từ năm 1996 đến nay, đã có trên 57 triệu lượt khách tham quan Vịnh, thu phí tham quan đạt trên 8.600 tỷ đồng. Vịnh Hạ Long đã thực sự trở thành thương hiệu nổi tiếng của du lịch Quảng Ninh, đất nước Việt Nam và thế giới. Đây cũng là điểm đến được đông đảo du khách trong nước, quốc tế lựa chọn.
Các sản phẩm, dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long ngày càng đa dạng, phong phú với 8 hành trình tham quan, 5 cụm, điểm lưu trú nghỉ đêm.
Quảng Ninh mở rộng không gian du lịch theo hướng phát triển sản phẩm đặc trưng vùng miền để tăng tính kết nối khu vực vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn và Cô Tô, góp phần giảm tải hoạt động du lịch khu vực vùng bảo vệ tuyệt đối của di sản. Tỉnh cũng nâng cao chất lượng phục vụ du lịch, xây dựng triển khai bộ quy tắc ứng xử "Văn minh du lịch", "Nụ cười Hạ Long".
Tại lễ kỷ niệm đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc sắc với 3 chương là: Vịnh Hạ Long - Vẻ đẹp huyền thoại, nơi hội tụ những giá trị ngoại hạng; Bừng sáng sắc màu di sản; Hạ Long - Vươn tầm tỏa sáng tương lai. Đặc biệt là tiết mục "Tấm thảm xanh trên sóng" đã truyền đi thông điệp về ý nghĩa bảo tồn và phát huy giá trị Di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới trở thành Di sản xanh. |
| Để dạy thêm, học thêm không bị biến tướng và học sinh không trở thành 'cỗ máy học' Dạy thêm, học thêm cần hướng đến việc giúp học sinh có khả năng tự học và tự giải quyết các vấn đề trong cuộc ... |
| Sống 'phông bạt' - một bộ phận người trẻ gồng mình với vỏ bọc ảo Theo PGS. TS. Phạm Chiến Thắng, Trưởng khoa Báo chí - Truyền thông, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên), trong một môi ... |
| Du lịch Cà Mau từng ngày vươn xa Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa nền kinh tế, Cà Mau đã và đang nâng cao vị thế du lịch, trở thành ... |
| Du lịch bền vững - xu hướng phát triển mạnh mẽ trong tương lai Du lịch bền vững đã, đang và sẽ là xu hướng phát triển mạnh mẽ trong hiện tại và tương lai. Ở Việt Nam, loại ... |