Những nội dung mà Phó Thủ tướng đề cập đi từ các vấn đề vĩ mô như tình hình thế giới và khu vực, những định hướng đối ngoại, đến những vấn đề riêng của ngành Ngoại giao.
Xin Phó Thủ tướng, Bộ trưởng đánh giá về tình hình thế giới trong năm qua?
Nói một cách ngắn gọn, năm 2016 là năm bất ổn, khó lường. Tuy nhiên, xu hướng chung vẫn là mong muốn hòa bình, đóng góp vào tạo dựng hòa bình, dù dưới góc độ này hay góc độ khác. Có những điều trước đây chưa hình dung được như việc bình thường hóa quan hệ Hoa Kỳ - Cuba sau gần 50 năm, các bên đạt thỏa thuận hòa bình ở Colombia, hay việc một thể chế tồn tại rất lâu như EU lại chứng kiến hiện tượng Brexit.
Bên cạnh đó, quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra nhưng cũng có trào lưu quay trở lại chủ nghĩa dân tộc, dân túy, không ủng hộ xu hướng toàn cầu hóa, liên kết kinh tế. Tình hình an ninh truyền thống, phi truyền thống đều phức tạp, vẫn có những cuộc chiến tranh cục bộ xảy ra ở các khu vực, đặc biệt là khu vực Trung Đông như cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng…
Trong bối cảnh đó, điều đáng mừng là vẫn có những thỏa thuận đạt được sau nhiều năm như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Cộng đồng ASEAN bước vào năm đầu tiên triển khai.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 5/1/2017. (Ảnh:Quang Hòa) |
Tiếp đà thành công
Năm qua, hoạt động đối ngoại có những thành tựu nổi bật gì đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước, thưa Phó Thủ tướng?
Hoạt động đối ngoại năm 2016 là sự tiếp nối thành công của những năm trước và cũng là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII.
Năm 2016 tạm gọi là kết thúc giai đoạn Việt Nam xây dựng quan hệ Đối tác chiến lược, Đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các nước quan trọng trên thế giới, đưa các mối quan hệ này đi vào chiều sâu cụ thể. Về song phương, ta và các nước đối tác quan trọng như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Ấn Độ… đều trao đổi các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao. Các hoạt động trao đổi đoàn, nhất là đoàn cấp cao, với các nước láng giềng cũng diễn ra sôi động.
Các hoạt động ngoại giao đa phương trong năm 2016 được triển khai rất tích cực. Lãnh đạo Việt Nam đã tham dự hầu hết các hội nghị quan trọng trên thế giới như Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ, Hội nghị Không Liên kết, Hội nghị Thượng đỉnh G7. Bên cạnh đó, chúng ta còn tổ chức các Hội nghị Cấp cao ACMECS 7, CLMV 8 và WEF Mekong.
Chúng ta còn làm tốt vai trò ủy viên của các tổ chức thuộc LHQ như Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế-Xã hội, Hội đồng Chấp hành UNESCO, rồi đại diện Việt Nam được bầu vào Ủy ban Luật pháp quốc tế của LHQ.
Việt Nam không chỉ tham gia mà còn thực sự đóng vai trò quan trọng thông qua các sáng kiến, đề xuất cụ thể đối với các hội nghị, thể hiện bước trưởng thành của ngoại giao đa phương.
Năm 2016, Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-TW về thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Chúng ta đã sớm bắt tay vào triển khai quyết liệt Nghị quyết này.
Có thể nói năm 2016 là năm hoạt động ngoại giao được triển khai tích cực trên cả bình diện song phương và đa phương.
Vậy có điều gì mà ngoại giao “chưa làm được” trong năm 2016, thưa Phó Thủ tướng?
Đó là những vấn đề chưa được như mong muốn, có thể làm tốt hơn. Ví như việc triển khai thỏa thuận đạt được trong các chuyến thăm cấp cao cần phải rút kinh nghiệm để làm tốt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Văn hóa thực thi cần phải thực sự tốt hơn nữa. Bên cạnh đó là việc đưa những kết quả thỏa thuận đến gần hơn với người dân và doanh nghiệp.
Tình hình chính trị thế giới gần đây có những thay đổi đáng kể, theo Phó Thủ tướng, thách thức lớn nhất của Việt Nam năm 2017 là gì và ngành Ngoại giao sẽ có đối sách gì để vượt qua thách thức đó?
Dự báo tình hình thế giới năm 2017 tiếp tục diễn biến khó lường, có nhiều thay đổi sau các cuộc bầu cử, đại hội đảng ở các nước. Tuy nhiên, việc thay đổi là đương nhiên, diễn ra thường xuyên. Trong những năm qua, chúng ta đã xây dựng khuôn khổ quan hệ với các nước nên dù chính quyền của họ thay đổi, quan hệ song phương vẫn dựa trên cơ sở các khuôn khổ đó. Thay đổi chính quyền không có nghĩa là sẽ thay đổi chính sách đối ngoại.
Năm 2017, Việt Nam vẫn kiên trì phương châm làm bạn với tất cả các nước, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ trên cơ sở độc lập tự chủ và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ dựa trên các khuôn khổ Đối tác chiến lược, Đối tác chiến lược toàn diện mà chúng ta đã dày công gây dựng, đặc biệt với các nước láng giềng, các nước có vai trò quan trọng trên thế giới. Tôi nghĩ rằng, trong năm 2017 sẽ có nhiều thách thức về đối ngoại cần phải xử lý rất linh hoạt.
Vai trò trung tâm và sự đoàn kết trong ASEAN vẫn là then chốt
Đánh giá của Phó Thủ tướng về Cộng đồng ASEAN sau một năm thành lập?
Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời đầu năm 2016. Nhưng đó không phải là điểm đến mà đây là cả một quá trình, một hành trình của các nước ASEAN. Trong năm 2016, về cơ bản, ta đã cùng các thành viên ASEAN, ở mức độ khác nhau, hoàn thành các mục tiêu của Cộng đồng. Cộng đồng các nước ASEAN vẫn tạo dựng được cơ sở đồng nhất về thị trường với các hàng rào thuế quan được bãi bỏ, tạo thuận lợi cho liên kết sản xuất trên các lĩnh vực. ASEAN cũng đang tính đến việc xây dựng Cộng đồng sau 2025 như thế nào.
Tuy nhiên, trong ASEAN vẫn có những vấn đề chưa được như những người xây dựng, hoạch định ra Cộng đồng mong muốn. Với Việt Nam, theo Tổng cục thống kê, trên 80% các cơ sở chế biến, chế tạo cảm nhận được sự hiện hữu của Cộng đồng ASEAN. Nhưng thương mại lại thụt lùi. So với năm 2015, thương mại của Việt Nam với các thành viên khác trong ASEAN giảm 8% trong năm 2016. Đây không phải là điều chúng ta mong đợi bởi ASEAN là thị trường hết sức rộng lớn với 650 triệu dân. Trong khi đó, vẫn có nước trong ASEAN tận dụng được thị trường lớn như Thái Lan, tăng cường thương mại nội khối. Điều đó cho thấy có vấn đề về sức cạnh tranh và cảm nhận của doanh nghiệp đối với thị trường này chưa lớn nên chưa tranh thủ được thị trường ASEAN. Bên cạnh đó, có thể do doanh nghiệp Việt Nam chú trọng đến các thị trường ngoài ASEAN, hoặc do các mặt hàng không có tính bổ trợ khiến doanh nghiệp không cạnh tranh được.
Thưa Phó Thủ tướng, nhiều ý kiến cho rằng ASEAN đang đứng trước nhiều thách thức, nhất là vấn đề tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải, yêu cầu xem xét một số điều khoản trong Hiến chương ASEAN... Ý kiến của Phó Thủ tướng?
Kể từ khi thành lập đến nay, ASEAN tiếp tục có vai trò quan trọng trong khu vực và trên thế giới là nhờ giữ được đoàn kết và vai trò trung tâm. Khác với các tổ chức khác, ASEAN còn có các cơ chế với các nước lớn, các nước quan trọng của khu vực. Điều đó cho thấy sự cần thiết của ASEAN đối với các nước lớn cũng như các nước lớn đối với các nước ASEAN.
Cho đến nay, chưa có đề xuất nào trong ASEAN là sẽ xem xét lại Hiến chương. Như vậy, vai trò trung tâm và sự đoàn kết trong ASEAN vẫn là then chốt trong các cơ chế của Hiệp hội.
Phó Thủ tướng nhận định như thế nào về tình hình Biển Đông trong thời gian tới và bước đi của Việt Nam sau phán quyết của Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục II, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển vào tháng 7/2016?
Biển Đông luôn tiềm ẩn một số nhân tố gây bất ổn khu vực, đe doạ đến môi trường hoà bình và ổn định trong khu vực. Đó là những nhân tố tồn tại từ lâu và không dễ gì loại bỏ một sớm một chiều. Do vậy, tình hình Biển Đông trong năm 2017 sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của những nhân tố này.
Có thể nói, phán quyết của Toà đã làm thay đổi cục diện pháp lý tại Biển Đông và các quốc gia bây giờ sẽ hành xử trong cục diện mới này.
Năm 2016, các nước ASEAN đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về Biển Đông, kể cả những vấn đề bồi đắp các đảo đá; khẳng định tôn trọng, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, khẳng định tôn trọng các tiến trình về ngoại giao và pháp lý.
Việt Nam nhất quán chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS. Đối với phán quyết của Tòa trọng tài, ngay ngày 5/12/2014, Việt Nam đã gửi tuyên bố khẳng định Tòa có thẩm quyền xem xét. Chúng ta cũng bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò, khẳng định việc tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, UNCLOS. Chúng ta đã có tuyên bố hoan nghênh việc Tòa ra phán quyết.
Năm 2017, Biển Đông tiếp tục là vấn đề còn có những lo ngại. Là tuyến đường biển hết sức quan trọng, bất cứ động thái nào ảnh hưởng đến môi trường ổn định trên Biển Đông sẽ gây ra phản ứng của tất cả các nước, không chỉ của các nước có tranh chấp chủ quyền.
Phó Thủ tướng nhận định như thế nào về tương lai của Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP)?
TPP là hiệp định được 12 nước thành viên tham gia xây dựng, tiến hành thảo luận đàm phán trong 6 năm qua. Đó là một quá trình thương lượng lâu dài, nghiêm túc, quyết liệt, là thành quả chung, thể hiện lợi ích của 12 nước thành viên. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump từng nói có thể rút nước này khỏi TPP, nhưng đến nay Mỹ vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Các nước thành viên TPP đang triển khai quyết liệt việc phê chuẩn Hiệp định này. Tại Nhật Bản, hai Viện đã thông qua TPP. Singapore dự kiến phê chuẩn TPP trong tháng 1/2017. New Zealand đã hoàn tất thủ tục nội bộ để trình Quốc hội phê chuẩn. Brunei cho biết sẽ phê chuẩn Hiệp định vào tháng 3 tới… Như vậy, chiều hướng chung là các nước thành viên đều muốn giữ đà TPP. Tôi tin tưởng rằng đây là hiệp định đảm bảo lợi ích của các nước tham gia đàm phán.
Hoàn tất chuẩn bị cho Năm APEC 2017
Tổ chức APEC là một trọng tâm công tác đối ngoại của Việt Nam năm 2017. Xin Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ làm gì để ghi dấu ấn với bạn bè quốc tế?
Năm nay, Việt Nam là Chủ nhà APEC với một tâm thế khác, kỳ vọng của các thành viên Diễn đàn đối với Việt Nam cũng khác, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy nổi lên đặt ra thách thức rất lớn đối với quá trình liên kết kinh tế trong APEC. Chúng ta là Chủ nhà APEC vào giai đoạn hết sức quyết định, đó là hoàn thành Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại, đầu tư - được đề ra cách đây 15 năm (1989) đến 2020 phải hoàn thành - và cùng các nước xây dựng tầm nhìn sau 2020.
Việt Nam đã đưa ra 4 ưu tiên của APEC là: tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Những ưu tiên này phù hợp nhu cầu chung do đó được các thành viên APEC?rất ủng hộ. Quan trọng hơn, các ưu tiên này phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước ta hiện nay cũng như trong thời gian tới.
Công tác chuẩn bị cho Năm APEC đã tiến đến giai đoạn nào, thưa Phó Thủ tướng?
Từ giữa năm 2015, chúng ta đã lập Ủy ban Quốc gia về APEC 2017. Chúng ta đã tích cực chuẩn bị từ nội dung đến cơ sở vật chất, hạ tầng. Đến nay, chúng ta đã bước đầu hoàn tất quá trình chuẩn bị.
Về nội dung, như đã nói, chúng ta đã đưa được các ưu tiên và được các nước đồng ý lấy chủ đề APEC 2017 “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Chúng ta đã liên kết tất cả các Bộ, ngành, địa phương nhất là các Bộ, ngành liên quan đến các nội dung của APEC. Cơ sở vật chất tiếp tục được hoàn thiện bảo đảm đáp ứng tốt nhất việc tổ chức các hội nghị trong Năm APEC 2017. Chúng ta đã lựa chọn các tỉnh thành để tổ chức hàng trăm sự kiện, trong đó có 8 hội nghị Bộ trưởng.
Sáng tạo phải giữ cái bất biến
Năm 2016 được Chính phủ coi là năm sáng tạo. Ngành Ngoại giao đã thể hiện sự sáng tạo như thế nào?
Sáng tạo đòi hỏi phải có suy nghĩ, biện pháp sáng tạo và có hành động cụ thể để thực hiện. Ngoại giao sáng tạo là cái gì bất biến vẫn phải giữ nguyên. Nguyên tắc của chúng ta là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa. Sáng tạo trong cách thức, suy nghĩ để thực hiện đường lối đối ngoại một cách linh hoạt nhất, phù hợp với lợi ích quốc gia dân tộc.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh gặp gỡ các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Nhà nước tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28, tháng 12/2013. (Ảnh:Quang Hòa) |
Sáng tạo phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội đòi hỏi phải huy động nguồn lực bên ngoài phù hợp với lợi ích của ta, phù hợp với nhu cầu của các nước. Chúng ta không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Do đó, khi vận động phải làm sao hướng các nhà đầu tư vào các lĩnh vực sáng tạo, khởi nghiệp. Đây là điều khó nhưng phải tập trung thực hiện, phải tìm tòi suy nghĩ.
Phó Thủ tướng đánh giá thế nào về tác động của internet và mạng xã hội đối với ngành Ngoại giao hiện nay?
Trong thời đại Facebook, internet phát triển như hiện nay, đôi khi các phản ứng của ngành đối ngoại sẽ chậm hơn. Nhưng điều đó là cần thiết. Phản ứng trong đối ngoại cần hết sức thận trọng vì liên quan đến lợi ích của đất nước. Chúng ta phải cân nhắc để đưa ra những phát biểu phù hợp nhất.
Vừa qua, Bộ Ngoại giao đã lần đầu tiên đưa ra Sách Xanh Ngoại giao tổng kết các hoạt động đối ngoại, các phát biểu chính thức của chúng ta. Đối với công tác nghiên cứu, đây là nguồn trích dẫn chính xác nhất.
Hiện nhiều Bộ trưởng Ngoại giao sử dụng Facebook, nhưng tôi không sử dụng Facebook nên tất cả các tài khoản Facebook mang tên tôi đều không phải của tôi. Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đều có trang web. Bộ Ngoại giao đang thúc đẩy các Cơ quan đại diện trả lời bạn đọc và có sự tương tác chính sách một cách kịp thời, phù hợp.
Điều mà tôi băn khoăn, trăn trở là làm sao tiếp tục duy trì và thúc đẩy các khuôn khổ quan hệ đã có trong bối cảnh môi trường an ninh thế giới năm 2017 có nhiều thách thức. Bên cạnh đó, chúng ta tiếp tục thực hiện Nghị quyết 06 về hội nhập quốc tế trong bối cảnh chiều hướng bảo hộ, phản ứng tiêu cực với toàn cầu hóa và liên kết kinh tế gia tăng. |