Mẫu dầu thô tại mỏ dầu Yarakta, vùng Irkutsk, Nga. (Nguồn: Reuters) |
Chuyên gia chính trị quốc tế Violetta Silvestri, người từng làm việc cho Liên hợp quốc (LHQ) cho rằng, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với dầu mỏ của Nga cuối cùng cũng đã có hiệu quả.
Từ đầu tháng 10/2023, Mỹ đã thắt chặt hơn các biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ của Nga, bao gồm cả việc mở rộng sang các đội tàu nước ngoài thực hiện hợp đồng chở dầu của nước này.
Theo công ty phân tích Kpler, động thái này đã gây cản trở cho hoạt động vận chuyển của dầu của Điện Kremlin.
Cùng với các biện pháp trừng phạt từ Liên minh châu Âu (EU), mục tiêu chính sách quan trọng của Mỹ và các đồng minh đã bắt đầu phát huy tác dụng mạnh mẽ hơn, tạo ra ảnh hưởng trực tiếp đối với thương mại dầu của Nga, nhưng đồng thời cũng gây ra những hệ lụy đối với nền kinh tế thế giới nói chung.
Nga đang gặp rắc rối?
Các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ - khách hàng mua dầu lớn thứ hai của Nga sau Trung Quốc - sẽ không tiếp nhận các tàu chở dầu thuộc sở hữu của công ty Sovcomflot PJSC do lo ngại rủi ro từ các lệnh trừng phạt.
Chuyên gia Richard Bronze thuộc công ty tư vấn Energy Aspects Ltd cho biết, điều này đang gia tăng áp lực lên dòng chảy dầu xuất khẩu của Nga, đặc biệt là sang Ấn Độ.
“Chúng ta đang ở giai đoạn mà xung đột liên quan đến lệnh trừng phạt ngày càng trở nên rõ ràng hơn”, ông nói.
Theo dữ liệu do hãng tin Bloomberg tổng hợp, chính phủ Mỹ đã liệt kê khoảng 40 con tàu chở dầu của Nga trong bản danh sách theo dõi. Bốn trong số đó gần đây đã bị nhắm mục tiêu do vẫn tiếp tục thực hiện việc giao hàng, nhưng chưa tàu nào bị xử phạt.
Môi trường thương mại ngày càng thù địch này đã "giáng một đòn mạnh" mang tính biểu tượng vào Điện Kremlin, khi New Delhi - một đồng minh thương mại trung thành của Moscow - đã tuyên bố ngừng tiếp nhận dầu của nước này.
Nhà phân tích Greg Brew tại Eurasia Group ở New York (Mỹ) khẳng định, áp lực trừng phạt ngày càng gia tăng của Washington đối với dầu thô và cả các cách thức vận chuyển dầu của Moscow.
Trong năm 2023, Tập đoàn vận tải biển hàng đầu của Nga là Sovcomflot vận chuyển khoảng 1/5 tổng lượng dầu thô từ nước này đến Ấn Độ.
Con số đó dường như đã giảm đi ngay cả trước thông tin các nhà máy lọc dầu trong nước của Ấn Độ sẽ không tiếp nhận các con tàu chở dầu của Nga nữa.
Một phát ngôn viên của Bộ Tài chính Mỹ thông tin, cường quốc lớn nhất thế giới kỳ vọng, những người mua dầu toàn cầu sẽ ít sẵn sàng giao dịch với Sovcomflot hơn nhiều so với trước đây.
Bloomberg kết luận: "Có những dấu hiệu cho thấy các đội tàu chở dầu của Nga đang gặp rắc rối".
Dữ liệu theo dõi tàu chở dầu của hãng tin trên cũng chỉ ra rằng, ít nhất 7 tàu đã neo đậu ở Biển Đen đã biến mất khỏi hệ thống giám sát kỹ thuật số. Đại diện tập đoàn Sovcomflot gần đây cũng đã thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt từ phương Tây đã làm tổn hại đến hoạt động của họ.
Chuyên gia Janis Kluge, cộng tác viên cấp cao về Đông Âu và Á-Âu tại Viện An ninh và quốc tế Đức ở Berlin (Đức) khẳng định: “Cuộc tấn công vào Sovcomflot thể hiện sự thắt chặt đáng kể các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga. Nó sẽ làm tăng chi phí vận chuyển và giảm giá dầu của Nga trên trường quốc tế”.
Trên thực tế, chi phí vận chuyển dầu của Nga rất lớn.
Theo dữ liệu từ Argus Media, chi phí vận chuyển dầu từ Biển Baltic đến Trung Quốc là khoảng 14,50 USD/thùng. Các nhà quan sát cho rằng, ước tính hơn một nửa số tiền này là do các lệnh trừng phạt.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với dầu mỏ của Nga cuối cùng cũng đã có hiệu quả. (Nguồn: BTI) |
"Hạm đội bóng đêm" vẫn đang hoạt động
Mặc dù ban hành các lệnh trừng phạt được đánh giá là có tác động mạnh, nhưng cách tiếp cận của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đối với các biện pháp trừng phạt chống lại Nga có đặc điểm là tránh gây ra quá nhiều thiệt hại cho nền kinh tế của các thành viên dưới hình thức giá dầu cao hơn.
Washington đã ban hành trần giá dầu Moscow. Đây là động thái nhằm làm giảm nhẹ các “cú sốc” mà những biện pháp trừng phạt do EU đưa ra có thể gây tác hại ngược.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, Moscow vẫn tiếp tục xuất khẩu lượng dầu rất lớn. Mặc dù không có kỳ vọng về việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ cắt giảm nguồn cung mạnh mẽ ở giai đoạn này.
Dù vậy, câu hỏi đặt ra là liệu phương Tây sẽ tiếp tục thắt chặt các quy định đến mức nào khi giá dầu gần đạt ngưỡng 90 USD/thùng và cuộc bầu cử Mỹ đang đến gần?
Các nguồn tin cho biết, Moscow vẫn có thể huy động cái gọi là “hạm đội bóng đêm” - gồm các tàu chở dầu không thể biết chính xác xuất xứ từ nước nào hay thuộc doanh nghiệp nào - thực hiện công việc giao hàng. Đây thường là những con tàu cũ hơn không có bảo hiểm đầy đủ và quyền sở hữu không rõ ràng.
Theo một số ước tính, có khoảng 600 tàu như vậy đang hoạt động trên biển, cùng với các tàu chở dầu của Hy Lạp tiếp tục phục vụ vận tải theo mức giá trần của G7.
Như vậy, "hạm đội bóng đêm" vẫn đang hoạt động và bằng cách này, Nga vẫn đang đưa dầu ra với thị trường thế giới.