📞

Dầu Nga tiếp tục 'hứng đòn' trừng phạt, các khách hàng lớn có 'lao đao'?

Khắc Hiếu 14:00 | 09/08/2022
Tạp chí The Diplomat vừa đăng bài viết của chuyên gia Mercy Kuo, Phó Chủ tịch điều hành công ty Pamir Consulting, đánh giá về những tác động của khủng hoảng năng lượng do cuộc xung đột tại Ukraine đối với Trung Quốc và Ấn Độ - 2 khách hàng lớn của dầu mỏ Nga.

Xem xét hiệu quả các nỗ lực của Mỹ nhằm giới hạn giá xuất khẩu dầu thô của Nga và kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) nhằm ngăn chặn các tàu chở dầu thô của Nga, bà Kuo cho rằng, các lệnh trừng phạt dầu mỏ Nga của EU được nhất trí vào tháng 6/2022 sẽ có hiệu lực vào tháng 12 tới.

Trong khi đó, sáng kiến áp mức trần giá vẫn đang được thương lượng. Vì vậy, không thể đánh giá hiệu quả tiềm năng của các biện pháp này bằng lượng dầu xuất khẩu hiện tại của Nga.

EU tiếp tục "giáng đòn" trừng phạt lên dầu Nga. (Nguồn: Globlynews)

Thách thức lớn với Nga

Một khi có hiệu lực, các lệnh trừng phạt của EU sẽ cấm nhập khẩu hầu hết dầu Nga sang châu Âu, cấm các đội tàu chở dầu của EU và các dịch vụ bảo hiểm hàng hải giúp Nga vận chuyển dầu sang các thị trường khác.

Các biện pháp trừng phạt hàng hải này có thể gây ra thách thức lớn đối với Nga. Khoảng 80% lượng dầu xuất khẩu của Nga đi bằng đường biển - chủ yếu là các tàu chở dầu do phương Tây sở hữu.

Hầu như tất cả các tàu này đều có bảo hiểm trách nhiệm do sự cố tràn dầu nghiêm trọng được cung cấp bởi tập đoàn IG. Các công ty châu Âu đóng một vai trò quá lớn trong IG, vốn thực hiện các hợp đồng bảo hiểm cho 95% tàu chở dầu trên thế giới.

Đến tháng 12 năm nay, Nga có thể mất quyền tiếp cận không chỉ với các hạm đội tàu của phương Tây mà còn đối với bất kỳ tàu nào mà chủ tàu muốn giữ lại bảo hiểm với IG. Điều này có thể dẫn đến sự sụp đổ về công suất tàu chở dầu hiện có, khiến cho 4 triệu thùng dầu mỗi ngày của Nga (chiếm khoảng một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu) bị mắc kẹt trên các bờ biển của nước này.

Sáng kiến áp trần giá dầu của Mỹ là một biện pháp bổ sung cho các lệnh trừng phạt của EU và nhằm cắt giảm mạnh doanh thu từ dầu của Nga, đồng thời giảm nguy cơ một cú sốc về nguồn cung.

Sáng kiến sẽ cho phép các tàu tiếp tục chở dầu của Nga sau tháng 12 và vẫn được bảo hiểm của hãng IG miễn là dầu được bán với giá chiết khấu sâu.

Tuy nhiên, để biện pháp này phát huy hiệu quả, cần phải có sự mua lại từ cả Nga lẫn các nhà nhập khẩu dầu lớn của châu Á, như Ấn Độ và Trung Quốc.

Trung Quốc, Ấn Độ sẽ ra sao?

Theo bà Kuo, các biện pháp trừng phạt sẽ có tác động khác nhau đối với Trung Quốc và Ấn Độ. Cả hai đều là những nhà nhập khẩu dầu lớn của Nga, chỉ sau EU. Nhưng các tuyến đường cung ứng của Trung Quốc ít bị ảnh hưởng hơn bởi lệnh trừng phạt so với của Ấn Độ.

Gần như tất cả dầu nhập khẩu từ Nga của Trung Quốc đều đi qua đường ống Đông Siberi - một số trực tiếp, một số khác đi bằng tàu từ các cảng ở Thái Bình Dương của Nga.

Vì các cảng này ở gần đó nên hoạt động thương mại con thoi đường ngắn trên Thái Bình Dương này đòi hỏi sức chở của tàu chở dầu khiêm tốn. Do các lệnh trừng phạt, Trung Quốc có thể cắt giảm một phần hạm đội và tự đóng bảo hiểm cho đội tàu của nước này.

Tuy nhiên, nếu Trung Quốc muốn tăng nhập khẩu dầu từ Nga, nước này sẽ phải chuyển các thùng bổ sung đó từ các cảng phía Tây của Nga trên Biển Baltic và Biển Đen - một chuyến đi khứ hồi kéo dài tới ba tháng.

Khoảng cách, sự phức tạp và rủi ro trừng phạt có thể sẽ không khuyến khích Bắc Kinh cung cấp một số lượng lớn tàu chở dầu của mình cho tuyến đường dài phía Tây này.

Bên cạnh đó, ngay cả việc điều động toàn bộ hạm đội của Trung Quốc cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu về năng lực tàu chở dầu của Nga.

Với Ấn Độ, nước này có thể gặp khó khăn hơn trong việc duy trì nhập khẩu dầu của Nga do các lệnh trừng phạt. Kể từ tháng Ba, Nga đã chuyển phần lớn xuất khẩu của phương Tây sang Ấn Độ, tất cả đều bằng đường biển.

Tuy nhiên, đến tháng 12/2022, xu hướng này có thể nhanh chóng đảo ngược. Năng lực tàu chở dầu hạn chế có thể khiến Nga ưu tiên các khách hàng ở các thị trường gần hơn, như Thổ Nhĩ Kỳ hoặc trung tâm thương mại tại Fujairah.

Bản thân Ấn Độ, quốc gia phụ thuộc tới 90% lượng dầu nhập khẩu vào các tàu nước ngoài, cũng không có đủ tàu để duy trì lượng dầu nhập khẩu hiện tại của Nga.

Phân tích về các tính toán của Bắc Kinh và New Delhi trong việc quyết định có hợp tác với các biện pháp trừng phạt của phương Tây với việc vận chuyển và xuất khẩu dầu thô của Nga, bà Kuo cho rằng, để duy trì hoạt động nhập khẩu dầu hiện tại của Nga, Trung Quốc không cần phải hợp tác.

Với tình trạng dầu dư thừa bị mắc cạn ở Nga, Bắc Kinh sẽ có lợi thế lớn để đàm phán giảm giá sâu từ Moscow. Nhưng nếu muốn tăng nhập khẩu dầu giá rẻ của Nga, nền kinh tế số 1 thế giới có thể sẽ phải cân nhắc hợp tác để tăng cường năng lực tàu chở dầu của chính mình.

Ngược lại, với Ấn Độ, hợp tác có thể là cách duy nhất để bảo vệ nguồn dầu nhập khẩu hiện có từ Moscow. Việc hợp tác sẽ giữ được nhiều hơn thùng dầu trên thị trường, giúp giảm nguy cơ sốc giá có thể gây tổn hại cho tất cả các nhà nhập khẩu.

Tuy nhiên, trong trường hợp Trung Quốc và Ấn Độ không hợp tác với việc áp trần giá dầu, xuất khẩu dầu của Nga có thể giảm đáng kể.

Châu Âu có thể đảm bảo nguồn cung mà họ cần từ những nơi khác như Trung Đông, nhưng nguồn cung bị thắt chặt có thể gây áp lực tăng giá trên toàn thế giới, ít nhất là trong một thời gian.

Nga có thể trả đũa

Nhận định về khả năng Nga có thể trả đũa trước việc phương Tây áp trần giá đối với dầu thô của nước này, bà Kuo cho rằng, các dấu hiệu cho thấy Moscow đang cố gắng tập hợp một “hạm đội bóng tối kiểu Iran", bao gồm các tàu chở dầu của Nga và một mạng lưới thị trường đen gồm các tàu chở dầu cũ kỹ, với quyền sở hữu và giấy tờ không rõ ràng.

Nếu thành công, biện pháp này có thể giúp duy trì dầu của Nga chảy sang Ấn Độ và cho phép Trung Quốc tăng nhập khẩu.

Nhưng để đảm bảo một tải trọng lớn như vậy sẽ cần một lực nâng rất nặng. Để duy trì mức xuất khẩu dầu hiện tại, Nga sẽ cần gấp nhiều lần số lượng tàu chở dầu mà Iran sử dụng.

Tuy nhiên, thời gian thực hiện đối với các tàu đóng mới là rất lâu trong khi các thị trường bán tàu chở dầu đã qua sử dụng và cho thuê rất hạn chế.

Điện Kremlin hiện đã nhận ra những thách thức của chiến lược “hạm đội bóng tối”. Nhiều khả năng Nga có thể sẽ theo đuổi hai biện pháp khác.

Một là, bất chấp những tuyên bố công khai hoàn toàn trái ngược, Nga có thể lựa chọn giải pháp bán dầu theo mức giá trần. Hai là, nước này sẽ tìm cách tăng cường nỗ lực phá vỡ các lệnh trừng phạt dầu mỏ của phương Tây.

Điều này có thể bao gồm việc đơn phương giảm xuất khẩu trước tháng 12 để gây ra cuộc khủng hoảng nguồn cung, giống như Nga đang thực hiện với “lá bài” khí đốt hiện nay.

Nhưng nếu phương Tây giữ vững lập trường, thị trường cuối cùng sẽ có những điều chỉnh và Nga sẽ là nước thua cuộc thật sự.

(theo The Diplomat)