Kinh tế Đức vượt xung đột Nga-Ukraine. Hình ảnh một trạm nén của đường ống khí đốt tự nhiên Jagal gần Mallnow, Đức. (Nguồn: Getty Images) |
Ước tính sơ bộ của Văn phòng Thống kê Liên bang (Destatis) cho thấy, năm 2022, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức đã tăng 1,9%, chủ yếu là do chi tiêu hộ gia đình tăng mạnh.
Tập đoàn Deutsche Bank nhận định, số liệu trên đã "làm giảm đi đáng kể" nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái đáng sợ ở Đức và bước sang năm 2023, nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ trì trệ, thay vì suy giảm như đã dự báo trước đó.
Tin đáng mừng của Đức
Thống kê GDP là tin đáng mừng cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Kể từ khi thế giới bắt đầu mở cửa trở lại vào năm 2021 sau đại dịch Covid-19, Đức - giống như nhiều quốc gia khác - đã phải vật lộn với giá năng lượng tăng cao, tắc nghẽn chuỗi cung ứng và lạm phát phi mã. Những vấn đề này gây ra nỗi đau chồng chất cho hàng triệu hộ gia đình và doanh nghiệp.
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine vào tháng 2/2022 chỉ "đổ thêm dầu vào lửa", đẩy lạm phát lên mức cao kỷ lục và gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có trong nhiều thập niên.
Nhưng dữ liệu GDP chỉ ra rằng, Đức có thể xoay chuyển tình thế. Các doanh nghiệp sản xuất của đất nước - động lực chính của nền kinh tế - đã tăng 0,2% trong tháng 11/2022 so với tháng trước, sau khi giảm 0,4% trong tháng 10.
Sản xuất trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng, bao gồm sản xuất hóa chất và kim loại, cũng tăng 0,2%, mặc dù vẫn thấp hơn gần 13% so với 12 tháng trước.
Dù đây là những bước nhảy khiêm tốn, nhưng số liệu đó có thể chỉ ra rằng, điều tốt hơn đang đến.
Ông Jan-Christopher Scherer, cộng tác viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (DIW) ở Berlin cho hay: “Nền kinh tế Đức đã phục hồi tốt hơn so với lo ngại ban đầu. Tôi dự đoán, GDP của đất nước sẽ giảm nhẹ trong ba tháng đầu năm 2023, nhưng tăng trưởng sẽ tăng tốc vào cuối năm".
Một năm khó khăn đã qua
Không thể phủ nhận, "đầu tàu" châu Âu đã có một năm khó khăn.
Chi phí bán buôn khí đốt tự nhiên - một nguồn năng lượng chính của đất nước - đã tăng vọt sau xung đột Nga-Ukraine, đẩy hóa đơn năng lượng của hàng triệu hộ tiêu dùng lên cao.
Giá khí đốt tiếp tục tăng khi Moscow, từng là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Berlin, cắt giảm xuất khẩu sang châu Âu. Khí tự nhiên đạt mức cao nhất mọi thời đại là 346 Euro (tương đương 374 USD) mỗi Megawatt giờ vào cuối tháng 8/2022, tăng hơn 1.000% so với cùng thời điểm một năm trước.
Những khoản lợi nhuận 'trời cho' sắp cạn, Nga hút tiền bằng cách nào? |
Tin liên quan |
Nhưng đến thời điểm hiện tại, giá bán buôn khí đốt ở châu Âu đã giảm 81% kể từ mức cao nhất đó, nhờ nỗ lực phối hợp của các nước châu Âu vào mùa Hè năm ngoái nhằm lấp đầy các kho dự trữ dưới lòng đất ở mức kỷ lục và thời tiết ấm áp bất thường.
Giá tiêu dùng - trong đó chi phí năng lượng là một thành phần chính - cũng đã bắt đầu giảm. Sau khi tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 71 năm là 10,4% vào tháng 10/2022, giá tiêu dùng đã giảm vào tháng 11 và tháng 12, đạt 8,6%.
Ông Scherer cho biết, sự suy giảm có thể sẽ tiếp tục trong năm nay và có thể tiến gần đến mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu vào cuối năm 2024.
Rủi ro dài hạn
Tuy nhiên, không phải ai cũng cảm thấy lạc quan như vậy.
Theo một cuộc khảo sát vào tháng 11/2022 đối với 2.500 công ty do DIW thực hiện, khoảng 40% công ty Đức cho rằng, hoạt động kinh doanh sẽ suy giảm vào năm 2023 và 35% cho hay, tình hình sẽ đình trệ.
Theo các công ty, chi phí năng lượng tăng cao, giá nguyên liệu thô và lạm phát là những lý do khiến họ bi quan.
Ông Frederick Persson, Giám đốc điều hành khu vực Trung và Đông Âu tại Prysmian Group, một nhà sản xuất cáp thuộc sở hữu của Italy chia sẻ, các hóa đơn năng lượng "ngốn nước mắt" có khả năng khiến doanh nghiệp phải đóng cửa.
Ông nói: "Tình hình vẫn còn 'rung chuyển'. Prysmian đã cố gắng cắt giảm gần 1/3 lượng khí đốt tiêu thụ trong khu vực bằng cách giảm nhiệt độ trong các văn phòng và nhà máy".
Việc các hộ gia đình và doanh nghiệp tiết kiệm khí đốt đã giúp ngành công nghiệp Đức không còn lo lắng rằng tình trạng thiếu khí đốt nghiêm trọng có thể dẫn đến việc bắt buộc phải cắt giảm lao động hoặc mất điện.
Nhưng đối với Prysmian Group, phần lớn thiệt hại đã xảy ra. Kể từ tháng 9/2022, công ty đã cắt giảm khoảng 15% lực lượng lao động trong khu vực.
Theo ông Persson, công ty bắt đầu mua máy móc rẻ hơn từ Thổ Nhĩ Kỳ - nơi có ít “đột biến chi phí điện” hơn so với Đức.
Ông nhấn mạnh: “Giá năng lượng chắc chắn là yếu tố khiến chúng tôi đầu tư ít hơn vào Đức".
Ông Scherer cũng nhận thấy, thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài hơn và sâu hơn so với dự kiến có thể gây ra rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế Đức.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán, một phần ba thế giới sẽ rơi vào suy thoái vào năm 2023.
Về dài hạn, "đầu tàu" châu Âu vẫn có những rủi ro khác.
Theo một cuộc khảo sát vào tháng 10 của Viện Nghiên cứu Kinh tế Ifo, gần 46% doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đức cho biết, hoạt động của họ bị đình trệ do thiếu lao động lành nghề. Vấn đề này có thể tồi tệ hơn trong những năm tới khi số người trong độ tuổi lao động giảm.
Viện trên dự báo, chỉ riêng trong 3 năm tới - giả sử không có người lao động nhập cư ròng - lực lượng lao động trong nước sẽ giảm 1,5 triệu người.
Stefan Sauer, chuyên gia về thị trường lao động tại Ifo, viết trong một báo cáo hồi tháng 8/2022: “Ngày càng có nhiều công ty phải cắt giảm hoạt động kinh doanh vì đơn giản là họ không thể tìm đủ nhân viên. “Trong trung và dài hạn, vấn đề này có thể sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.”
Ông Michael Grömling, người đứng đầu bộ phận kinh tế vĩ mô tại Viện Kinh tế Đức cho rằng, tình trạng thiếu hụt kinh niên trong lực lượng lao động, bên cạnh việc thiếu đầu tư vào ngành sản xuất, gây ra thảm họa cho nền kinh tế.
Ông khẳng định: "Chúng tôi không có đủ lao động có trình độ. Đó là vấn đề lớn với nền kinh tế Đức trong ít nhất 10 năm qua".
| Ngày 28/12, Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu của Đức Robert Habeck nhận định, người tiêu dùng tại Đức sẽ phải chịu ... |
| Thực tế cho thấy, dường như chính châu Âu đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt mà khối này áp đặt ... |
| Ngày 2/1, giá khí đốt bán buôn tại thị trường châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi nổ ra cuộc xung ... |
| Ngày 2/1, Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez cho hay, nước này có thể trở thành trung gian trong ... |
| Trung Quốc đang đẩy mạnh khai thác dầu khí nhằm chủ động, độc lập về nguồn cung năng lượng trước những rủi ro của một ... |