📞

“Đầu tàu” Việt Nam trong Cộng đồng Pháp ngữ

08:31 | 15/10/2015
Với những đóng góp tích cực của Việt Nam, Cộng đồng Pháp ngữ luôn coi Việt Nam là nước có vai trò đầu tàu về Pháp ngữ tại khu vực. Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Dương Chí Dũng nhấn mạnh như vậy khi trả lời phỏng vấn TG&VN nhân dịp dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ (CMF) lần thứ 31 tại YErevan, Armenia (10-11/10).
Các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ (CMF) lần thứ 31 tại Yerevan, Armenia.

Xin ông cho biết ý nghĩa, nội dung chính của Hội nghị và đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị lần này?

Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp. Kinh tế thế giới phục hồi chậm. Hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo nhưng các yếu tố bất ổn, nguy cơ xung đột cục bộ ngày càng nhiều. Các điểm nóng trên thế giới, nhất là tại Ukraine, Trung Đông, châu Phi, Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp. Các thách thức toàn cầu như nguy cơ phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt, khủng bố, dịch bệnh, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, di cư quốc tế... tác động tiêu cực đến hòa bình và phát triển ở nhiều nước, trong đó có nhiều nước Pháp ngữ.

Trong bối cảnh đó, Hội nghị CMF 31 có ý nghĩa quan trọng, là cơ hội để các nước thành viên trao đổi, thống nhất các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác, phối hợp hành động để chung tay ứng phó với các thách thức nêu trên.

Hội nghị đã tập trung thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định ở một số nước thành viên như Cộng hòa Trung Phi, Burkina Faso, Burundi, Mali... Đặc biệt, Hội nghị hết sức coi trọng thúc đẩy triển khai Chiến lược kinh tế Pháp ngữ được thông qua tại Hội nghị cấp cao Pháp ngữ năm 2014, qua đó phục vụ phát triển kinh tế ở các nước thành viên. Hội nghị đã đề ra hướng tăng hiệu quả thực hiện Khung Chiến lược trung hạn 2015-2022, Chương trình hợp tác 2015-2018 của Pháp ngữ, trong đó có lồng ghép việc hỗ trợ các nước thành viên thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Hội nghị cũng đã đồng thuận thông qua năm Nghị quyết về hoà bình, đa dạng, đối thoại, hiểu biết lẫn nhau, ứng phó với biến đổi khí hậu, vai trò của thanh niên, vấn đề di cư và diệt chủng.

Tại Hội nghị, Trưởng đoàn ta đã phát biểu nêu bật các thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam; đề cao đường lối đối ngoại vì hoà bình, hợp tác và phát triển, tích cực hội nhập quốc tế. Về Biển Đông, ta đề nghị Cộng đồng Pháp ngữ ủng hộ giải quyết hoà bình tranh chấp ở Biển Đông, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Luật biển năm 1982, thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), sớm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Ta cũng phát biểu tại đề mục biến đổi khí hậu nêu quan điểm và những đóng góp của Việt Nam cho Hội nghị lần thứ 21 các bên thành viên Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu sẽ diễn ra từ 30/11-11/12/2015 tại Paris (Pháp). Nhiều nội dung Việt Nam nêu được Hội nghị ghi nhận và đưa vào Biên bản Hội nghị.

Bên lề Hội nghị, Đoàn đã gặp và trao đổi với trưởng đoàn một số nước và lãnh đạo Tổ chức quốc tế Pháp ngữ để thúc đẩy hợp tác kinh tế, đồng thời vận động các nước ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Kinh tế Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018, Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019 và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Việt Nam trong Cộng đồng Pháp ngữ và những đóng góp của Việt Nam đối với quá trình phát triển của Cộng đồng thời gian qua?

Việt Nam chính thức gia nhập Cơ quan hợp tác văn hoá và kỹ thuật (ACCT) - tiền thân của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ vào năm 1979. Kể từ đó, Việt Nam đã tham gia vào nhiều tổ chức khác nhau của Cộng đồng Pháp ngữ.

“Việt Nam đã tích cực tham gia vào các công việc của Hội nghị ngay từ giai đoạn chuẩn bị, đóng góp cho việc xây dựng các văn kiện của Hội nghị. Tại Hội nghị, Đoàn Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia các hoạt động và đóng góp vào thành công của Hội nghị, được các nước hoan nghênh”. Trợ lý Bộ trưởng Dương Chí Dũng

Việt Nam đã tích cực tham dự tất cả Hội nghị Cấp cao của Cộng đồng kể từ Hội nghị lần đầu tiên tổ chức vào tháng 2/1986 tại Paris. Đây là thể chế chính trị cao nhất của Cộng đồng. Việt Nam cũng tham gia đóng góp thực chất tại các cơ quan, thể chế khác nhau của Cộng đồng như làm Chủ tịch Hội đồng thường trực Pháp ngữ (1996), Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ (1996-1997), Chủ tịch Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ (1997-1998), Phó Chủ tịch Cơ quan nghị viện Pháp ngữ (2007-2009 và 2009-2011), Phó Chủ tịch Ủy ban Tài chính và Hành chính (2009-2011 và 2011-2013) và Chủ tịch Ủy ban hợp tác và chương trình (2013-2015) của Hội đồng Thường trực Pháp ngữ.

Việt Nam luôn tích cực góp phần vào việc củng cố và phát triển Cộng đồng theo hướng: bảo vệ và tăng cường tình đoàn kết Pháp ngữ - truyền thống quý báu của Cộng đồng, bảo đảm hài hòa các định hướng phát triển cơ bản của Cộng đồng trên lĩnh vực chính trị, văn hóa và kinh tế.

Năm 1997, Việt Nam đã đăng cai Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ bảy. Đây là Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ đầu tiên và duy nhất cho tới nay được tổ chức ở Châu Á. Hội nghị Cấp cao 7 đã đánh dấu một giai đoạn mới trong quá trình phát triển của Cộng đồng thông qua việc nâng hợp tác kinh tế lên thành một lĩnh vực hoạt động bên cạnh lĩnh vực chính trị và văn hóa-ngôn ngữ, sửa đổi Hiến chương Pháp ngữ và lần đầu tiên bầu ra Tổng Thư ký Pháp ngữ. Qua việc tổ chức Hội nghị, một lần nữa Việt Nam đã thể hiện mong muốn và cam kết đóng góp cho sự phát triển của Cộng đồng.

Với những đóng góp tích cực của Việt Nam, Cộng đồng Pháp ngữ luôn coi Việt Nam là nước có vai trò đầu tàu về Pháp ngữ tại khu vực và là một thành viên có vị trí quan trọng trong Cộng đồng.

Chính sách của Việt Nam đối với Cộng đồng Pháp ngữ như thế nào, thưa ông?

Chính sách của Việt Nam đối với Cộng đồng Pháp ngữ là nhất quán. Việc tham gia Cộng đồng Pháp ngữ là nhằm cụ thể hóa đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, qua đó đóng góp cho hoà bình, phát triển và phồn vinh trên thế giới.

Việt Nam chủ trương tham gia chủ động, tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của Cộng đồng. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã, đang và sẽ triển khai đồng bộ nhiều hoạt động theo hướng: thứ nhất, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để các bộ, ngành hữu quan cũng như nhân dân quán triệt và hiểu rõ chính sách nhất quán và lâu dài của Việt Nam đối với Cộng đồng Pháp ngữ; thứ hai, tham gia và đóng góp một cách chủ động, tích cực vào hoạt động chung của Cộng đồng vì hòa bình và phát triển tại các nước thành viên; và thứ ba, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức của Cộng đồng phát triển hoạt động hợp tác tại Việt Nam.

Việt Nam có đề xuất gì về định hướng phát triển của Cộng đồng trong thời gian tới?

Trước những thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới, Cộng đồng cần tiếp tục có những bước đi mới, sáng tạo để thích ứng tốt hơn, khẳng định được vai trò, vị thế và sức mạnh của mình.

Thứ nhất, Cộng đồng cần tăng cường tham gia các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc ngăn ngừa và giải quyết các cuộc khủng hoảng, xung đột bằng biện pháp hòa bình và trong việc đối phó với thách thức toàn cầu như chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… Để việc tham gia đạt hiệu quả cao hơn, Cộng đồng cần tiếp tục tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, Liên minh châu Phi, Liên minh châu Âu, ASEAN…

Thứ hai, Cộng đồng cần tập trung triển khai hiệu quả các quyết định của Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ năm 2014, trong đó có Khung chiến lược trung hạn giai đoạn 2015-2022, Chương trình hợp tác 2015-2018 và nhất là Chiến lược kinh tế Pháp ngữ. Tôi cho rằng, bên cạnh các lĩnh vực hợp tác ưu tiên truyền thống như hòa bình và an ninh, đa dạng ngôn ngữ và văn hóa, giảng dạy và nghiên cứu, Cộng đồng cần chú trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế, giúp các nước thực hiện thành công các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững và hội nhập khu vực và quốc tế, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân tất cả các nước thành viên được sống trong hòa bình, ổn định, phồn vinh và hạnh phúc.

Thứ ba, Cộng đồng cần có thêm nguồn lực tài chính dành cho các hoạt động hợp tác đa phương Pháp ngữ.

Thứ tư, Cộng đồng cần tiếp tục tiến hành các nỗ lực cải cách bộ máy và cách thức làm việc nhằm tăng hiệu quả hoạt động của mình, trong đó cần chú trọng tận dụng những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến...

Nhất Phong (thực hiện)