Đấu trí với Moscow, 'huyết mạch' dầu khí Nga chưa dứt, nền công nghiệp hàng đầu châu Âu đe dọa sụp đổ. (Nguồn: Getty Images) |
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu - Đức đang phải đối mặt với các lựa chọn hạn chế về khí đốt, nếu dòng chảy Nord Stream sau thời gian bảo trì không hoạt động trở lại.
Nhắc lại lo lắng của các quan chức Đức, Goldman Sachs Group Inc. vừa cho biết, một đường ống quan trọng cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga đến châu Âu có thể không hoạt động trở lại hết công suất sau khi bảo trì theo kế hoạch trong tháng này.
Theo đó, Nord Stream 1 sẽ ngừng hoạt động từ ngày 11-21/7, chắc chắn sẽ thắt chặt thêm nguồn cung, trong khi thị trường đã phải chứng kiến giá năng lượng tăng vọt trong những tuần gần đây.
Trên thực tế, kể từ khi Moscow cắt giảm dòng dầu qua đường ống xuống chỉ còn 40% công suất, thì bất kỳ động thái nào liên quan nguồn cung đều trở nên rất nhạy cảm và sẽ góp phần làm tổn hại nghiêm trọng đến nỗ lực của châu Âu trong việc bổ sung các kho dự trữ cho mùa Đông này.
“Ban đầu, chúng tôi giả định khôi phục hoàn toàn các luồng dầu từ Nord Stream sau đợt bảo trì sắp tới, nhưng giờ thì chúng tôi không còn coi đây là tình huống có thể xảy ra nhất”, các nhà phân tích của Goldman lưu ý.
Đó là một trong những lý do chính, khiến ngân hàng này nâng dự báo giá khí đốt cho châu Âu vào năm tới, với rủi ro gia tăng đối với nguồn cung. Châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên.
Tin liên quan |
Giá vàng hôm nay 8/7: Giá vàng vẫn mắc kẹt trong mớ hỗn độn, nhà đầu tư đua săn lùng món hời, hy vọng gì ở chặng cuối của năm? |
Giá khí đốt chuẩn đang giao dịch ở mức cao nhất trong gần 4 tháng, trong khi không còn cách nào khác, các quốc gia châu Âu vẫn phải chạy đua để nạp thêm khí đốt vào kho dự trữ.
Goldman nâng dự báo đối với hợp đồng khí đốt chuẩn của quý III lên 153 Euro/MWh, từ mức 104 Euro trước đó. Thậm chí, trong "trường hợp xấu nhất", giá dầu tại Liên minh châu Âu (EU) có thể tăng trên 200 Euro đối với các lô hàng từ dòng chảy Nord Stream.
Khối lượng nhập khẩu dầu thô của Đức cũng đã tăng 14,6% trong 4 tháng đầu năm 2022, khi nền kinh tế phục hồi sau tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, hóa đơn để trả cho dầu thô đã tăng lên gấp đôi do giá dầu cao hơn, theo dữ liệu chính thức vừa công bố ngày 6/7.
Nga vẫn là nhà cung cấp hàng đầu, chiếm 35% thị phần nhập khẩu dầu của Đức trong giai đoạn này. Tiếp theo là 21,5% từ Biển Bắc của Anh và Na Uy, trong khi nhập khẩu từ các thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đóng góp 17,7%. Phần còn lại được chia cho các nguồn khác, bao gồm Kazakhstan và Mỹ, theo số liệu thống kê hằng tháng từ Văn phòng Ngoại thương BAFA, với độ trễ hai tháng.
Thực tế này cho thấy, tác động của chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga tiến hành tại Ukraine (24/2), dẫn đến các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Moscow và các hành động quyết liệt của EU nhằm ngăn chặn dòng chảy năng lượng Nga, mới chỉ bắt đầu cho thấy kết quả.
Nhập khẩu dầu của Đức từ tháng 1 đến tháng 4 từ tất cả các nước đã tăng lên 28,5 triệu tấn từ 24,9 triệu trong cùng kỳ năm 2021, theo BAFA. Đức đã chi 18,5 tỷ Euro (18,81 tỷ USD) cho nhập khẩu dầu thô trong 4 tháng, nhiều hơn 99% so với một năm trước đó. BAFA cho biết, giá trung bình trả cho mỗi tấn dầu ở biên giới đã tăng 74%, so với cùng kỳ năm trước, ở mức 647,57 Euro.
Giá dầu Brent trên thị trường toàn cầu cũng nhanh chóng lấy lại “những gì đã mất” sau biến động mạnh trước đó, do lo ngại ngày càng tăng về suy thoái và việc đóng cửa phòng chống dịch Covid-19 ở Trung Quốc.
Giá dầu đã phục hồi mạnh mẽ từ năm 2021 và đầu năm 2022, đạt mức cao nhất kể từ năm 2008 vào tháng 3, do tác động của căng thẳng tại Đông Âu đối với nguồn cung và sự phục hồi nhu cầu sau khi dịch Covid-19 tạm lắng. Giá dầu ở Đức đang ở mức cao nhất gần 8 năm.
Nước Đức đang chuẩn bị cho sự gián đoạn năng lượng tiếp theo. Nền công nghiệp hàng đầu thế giới này đã cắt giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga - quốc gia chiếm hơn một nửa lượng khí đốt nhập khẩu vào năm ngoái, để mua nhiều khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hơn và nhập khẩu thêm nhiên liệu từ Na Uy.
Tuy nhiên, có những giới hạn đối với lượng LNG có thể được nhập khẩu, vì cần có thời gian để xây dựng các bến cảng tiếp nhận nhiên liệu và cả sự cạnh tranh với châu Á về nguồn cung.
Trong thời gian tới, các cuộc đình công đã được lên kế hoạch của giới lao động châu Âu cũng là yếu tố có thể hạn chế các chuyến hàng từ Na Uy.
Dự báo tình hình không khả quan, mới đây, người đứng đầu Liên đoàn Công đoàn Đức Yasmin Fahimi đã “gióng lên hồi chuông cảnh báo”, khi bày tỏ lo ngại với truyền thông địa phương rằng, việc cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga có thể dẫn đến sự sụp đổ ngành công nghiệp Đức trên diện rộng.
“Toàn bộ các ngành công nghiệp có nguy cơ sụp đổ vĩnh viễn vì tắc nghẽn khí đốt: từ nhôm, thủy tinh… cho tới công nghiệp hóa chất. Sự sụp đổ như vậy sẽ gây ra hậu quả lớn cho toàn bộ nền kinh tế và việc làm ở Đức", theo báo cáo của Business Insider.
Đây là cảnh báo khá sốc được đưa ra trước kế hoạch cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt của Nga vào cuối tháng này. Việc bảo trì theo kế hoạch đường ống Nord Stream 1 sẽ khiến nguồn cung khí đốt của Nga cho Đức bị cắt giảm trong khoảng thời gian 11 ngày.
Tuy nhiên, các quan chức năng lượng Đức lo ngại, Moscow có thể tận dụng kế hoạch bảo dưỡng này để cắt giảm hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt cho Berlin. Nỗi sợ hãi đó đã khiến các quan chức hàng đầu của Đức phải lên tiếng kêu gọi người tiêu dùng cắt giảm nhu cầu sử dụng hằng ngày.
Hai tuần trước, Hiệp hội các ngành công nghiệp Đức (BDI) đã giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 từ 3,5% xuống 1,5%, cảnh báo rằng, việc cắt giảm khí đốt của Nga sẽ đồng nghĩa với suy thoái.
Đức cũng vừa ghi nhận mức thâm hụt thương mại hằng tháng đầu tiên (tính cho tháng 5) trong 30 năm, do xuất khẩu giảm và chi phí nhập khẩu tăng, trong bối cảnh các dự báo kinh tế xấu đi. Thâm hụt thương mại hằng tháng đầu tiên đã lên tới mức chênh lệch 1 tỷ Euro.
| Giá cà phê hôm nay 7/7: Kéo dài đà giảm, giá cà phê dao động mạnh do 'cuồng phong' tài chính Góp thêm phần vào sự suy yếu phiên của hai sàn cà phê kỳ hạn những ngày này là báo cáo thương mại tháng 5 ... |
| Ra mắt App Mobile FSC SERVICES - ứng dụng cung ứng dịch vụ có yếu tố nước ngoài Ngày 5/7, Trung tâm Dịch vụ đối ngoại và hội nghị quốc tế chính thức ra mắt ứng dụng App mobile FSC SERVICES - hỗ ... |