📞

Đầu tư tài chính: Không “chơi” nhỏ lẻ

08:26 | 23/05/2015
Chia sẻ bên lề Hội thảo “Kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư tài chính cá nhân” mới đây tại Hà Nội, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch công ty Luật BASICO (ảnh) cho rằng, đầu tư tài chính đòi hỏi một nguồn vốn có quy mô nhất định và không dành cho những người thích đầu tư nhỏ lẻ, lặt vặt.

Đầu tư tài chính cá nhân trên thế giới đã rất phổ biến, tuy nhiên ở Việt Nam vẫn còn rất mới mẻ. Rào cản nào khiến cho lĩnh vực này bị hạn chế, thưa ông?

Rào cản thì có nhiều. Đầu tiên phải kể đến là môi trường pháp lý của chúng ta chưa đầy đủ, rõ ràng, cụ thể, cần thiết để bảo vệ các nhà đầu tư cũng như phát triển các sản phẩm đó. Đôi khi nhiều người vẫn bị nhầm lẫn giữa đầu tư tài chính với những hoạt động mờ ám, bất thường. Đặc biệt, phải có dư dả nguồn vốn tương đối thì mới có thể tính đến việc đầu tư tài chính chứ không chỉ đơn giản như có một vài đồng cũng có thể gửi tiết kiệm, ít tiền cũng có thể mua chứng khoán. Nói đến đầu tư tài chính là phải nói đến một quy mô nhất định thì mới gọi là đầu tư. Lĩnh vực này không dành cho những người thích đầu tư nhỏ lẻ, lặt vặt.

Theo ông, kênh đầu tư nào sẽ là tiềm năng trong thời gian tới?

Đầu tư vào cổ phần, cổ phiếu hoặc bảo hiểm đang là xu hướng phát triển và tăng trưởng nhanh hơn so với những kênh đầu tư khác. Đây mới là lĩnh vực thực sự của những thị trường phát triển và có tiềm năng tăng trưởng. Sự nắm bắt của những người giàu “mới nổi” ở Việt Nam rất nhanh nhạy nên đây sẽ là kênh đầu tư phát triển trong thời gian tới.

Ông đánh giá như thế nào về tính an toàn đầu tư tài chính cá nhân so với các kênh khác?

An toàn hay không còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ đối tác đến môi trường xung quanh, hạ tầng, cơ sở pháp lý, môi trường xã hội... Còn bản thân các nhà đầu tư bao giờ cũng phải lựa chọn kênh đầu tư nào an toàn nhất, có lợi nhất cho mình. Những nhà đầu tư tài chính thực sự thường có sự lựa chọn chính xác và tinh tường hơn so với các kênh đầu tư đại trà khác.

Có ý kiến cho rằng, nhiều người dân vẫn “găm” tiền nhàn rỗi vì e ngại rủi ro khi đầu tư và thị trường quá ít kênh đầu tư hấp dẫn. Nhận định của ông về vấn đề này?

Tâm lý này là dễ hiểu vì đầu tư ở Việt Nam trước đây đã rủi ro, bây giờ còn rủi ro hơn nữa. Rủi ro chỉ dừng lại ở thị trường, lãi suất, tỷ giá… cũng đã thấy nghiêm trọng rồi. Nguy cơ này không có dấu hiệu giảm thậm chí ngày càng tăng lên. Gần đây lại thêm rủi ro rất đáng ngại là pháp lý. Thời gian qua, chúng ta cũng thấy có nhiều vụ việc bị hình sự hóa, cán bộ bị rơi vào vòng lao lý do thất bại trong kinh doanh, nhiều ngân hàng cũng từ chối chi trả thiệt hại cho người dân khi cán bộ ngân hàng có dấu hiệu lừa đảo… Đây là dấu hiệu rất đáng ngại trong môi trường kinh doanh vừa qua.

Vậy tại sao các nhà đầu tư cá nhân không tìm đến và ủy thác tiền của mình cho các quỹ đầu tư chuyên nghiệp? Phải chăng họ chưa tin tưởng hay sản phẩm đầu tư của các quỹ đầu tư, công ty đầu tư chưa thích hợp với nhu cầu đầu tư cá nhân của khách hàng Việt Nam?

Điều này là đương nhiên, bản thân tôi cũng chưa dám vì không tin tưởng. Các quỹ chưa thể hiện được sự tin cậy, vì còn có nhiều yếu tố khác đã xảy ra ngay với các quỹ. Ngay nơi an toàn hơn cả quỹ là ngân hàng thì vẫn thấy có nhiều rủi ro khi có một số ngân hàng tự nhiên phá sản. Chính điều này chưa tạo được lòng tin để các nhà đầu tư ủy thác.

Ngoài chứng khoán, ngân hàng hay bất động sản, hiện cũng có một kênh đầu tư và phòng chống rủi ro khác đang phát triển là đầu tư vào bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, theo thống kê tỷ lệ người dân Việt Nam tham gia bảo hiểm vẫn còn thấp, chỉ 2-3% dân số.

Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của kênh đầu tư vào bảo hiểm nhân thọ?

Điều này đòi hỏi đời sống xã hội phát triển cao rồi thì họ mới tính đến việc mua bảo hiểm nhân thọ.

Người dân khi đã “đủ ăn, đủ tiêu” đầu tư vào lĩnh vực khác có lãi thì lúc đó mới tính đến sự an toàn của bản thân. Mục tiêu chính của bảo hiểm nhân thọ là bảo hiểm chứ không phải để lấy lãi. Lãi chỉ là sản phẩm phụ, phần “thêm thắt”, còn khi xảy ra rủi ro thì thân nhân người mua bảo hiểm đấy được hưởng một khoản nhất định để bù đắp lại cho rủi ro tổn thất của mình.

Lời khuyên của ông dành cho các nhà đầu tư cá nhân?

Đầu tư bao giờ cũng phải gắn với hai yếu tố. Thứ nhất, phải có môi trường hoạt động sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả liên quan đến nguồn vốn, kết quả đầu tư tài chính. Thứ hai, trong muôn vàn sản phẩm đầu tư trên thị trường thì nhà đầu tư làm sao chọn lựa loại hình và quy mô đầu tư hợp lý nhất. Nếu chấp nhận rủi ro thì sẽ được lãi suất cao, ngược lại chọn an toàn thì không nên kỳ vọng vào lãi suất.

Việt Hà (thực hiện)