Lễ hội Yên Tử, một lễ hội tôn giáo lâu đời, thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông. |
Mỗi lễ hội đều mang nét đặc trưng và giá trị riêng, nhưng thường hướng tới những nhân vật được nhân dân tôn vinh như những anh hùng dân tộc, những hiền nhân giàu lòng cứu nhân độ thế… đã đi vào tâm thức của con người. Những người trẩy hội đều thể hiện niềm tôn kính, ngưỡng vọng và cầu xin tới thế giới thần linh…
Sức lan tỏa rộng khắp
Chưa có tài liệu chính thức nào định nghĩa thế nào là lễ hội tâm linh song dân gian diễn nôm rằng: Lễ là phần nghi lễ; Hội là hội hè, phần đời thực, vui vẻ và tâm linh gắn liền với tín ngưỡng. Tín ngưỡng có tín ngưỡng tôn giáo và tín ngưỡng dân gian... Lễ hội tâm linh là lễ hội gắn với tín ngưỡng dân tộc.
Mọi người dân dự lễ hội tâm linh là để được hòa mình trong không gian của huyền tích, vãn cảnh, cầu nguyện; để mong muốn thông giao với các anh hùng, thần thánh, phật tiên; để mong được phù hộ ban cho những điều tốt lành, tránh những tai ương hiểm họa, tật ách trong cuộc sống trần gian. Con người tham gia phần lễ hội để vui chơi, hòa mình vào không khí đón xuân với cộng đồng.
Ngày nay, lễ hội tâm linh càng có sức lan tỏa rộng khắp, không những thế còn có xu hướng kéo dài thời gian lễ hội do lượng người tham gia mỗi ngày một tăng.
Ông Trần Văn Cường, thủ nhang của Phủ Dầy - Phủ Vân Cát cho biết: Chính hội Phủ Dầy là từ ngày 3 tháng Ba Âm lịch kéo dài đến ngày 10 tháng Ba Âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, ở Phủ Dầy - Phủ Vân Cát ngay từ mùng 2 Tết đến nay đã có những vấn hầu Mẫu, lên đồng và gần như liên tục và phải đến hết Hội.
Theo Ban Quản lý Lễ hội Yên Tử ở Quảng Ninh, tính từ ngày mùng 1 Tết Giáp Ngọ đến ngày khai Hội mùng 10 đã gần 30 vạn lượt du khách thập phương về Yên Tử hành hương, lễ Phật...
Đa sắc màu
Mỗi khi mùa Xuân về, khắp miền Tổ quốc đều có những lễ hội tâm linh và mỗi lễ hội đều mang một sắc màu riêng với những nét tiêu biểu có giá trị văn hóa dân tộc sâu sắc.
Trong các lễ hội tâm linh mùa Xuân ở phía Bắc, phải kể đến Lễ hội Yên Tử, một lễ hội tôn giáo lâu đời, thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử Việt Nam. Ngài còn là vị Tổ sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm - Thiền phái mang tư tưởng hòa nhập đạo với đời, thấm nhuần tính nhân văn sâu sắc, một tư tưởng riêng của Phật giáo Việt Nam.
Năm nay, chính hội khai mạc ngày 9/2/2014, tức ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch và kéo dài đến hết tháng Ba Âm lịch, tại khu Giải oan của danh thắng Yên Tử tại thành phố Uông Bí.
Ở phía Nam, lễ hội tâm linh mùa Xuân có thể nhắc đến là Lễ hội núi Bà Đen (Tây Ninh), một lễ hội truyền thống nổi tiếng Tây Ninh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Đây là một lễ hội dân gian, thờ phụng nàng Đênh sắc son, trong trắng. Truyền thuyết kể rằng Nàng Đênh bỏ lên núi Mây (Vân Sơn) để tu, đã được Trời Phật siêu độ và được phong Linh Sơn Thánh Mẫu, và từ đó ngọn Vân Sơn được gọi là Núi Bà Đen (để khỏi phạm húy, dân gian gọi là Bà Đen thay vì Bà Đênh). Hội xuân núi Bà Đen năm nay được khai mạc ngày mùng 4 Tết Nguyên Đán và kéo dài đến hết tháng Giêng.
Bên cạnh đó, lễ hội tâm linh tiêu biểu còn có lễ hội Chùa Hương (Hà Tây - Hà Nội), chùa Bái Đính (Ninh Bình), Quán Thế Âm (Đà Nẵng), Ponagar (Nha Trang), Dolta của người Khmer các tỉnh miền Tây Nam Bộ và lễ khai Pháp hội Dược Sư tại TP. Hồ Chí Minh, hay lễ hội Tế Cá Ông (Bình Thuận)… đã tạo cho sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc một màu huyền tích.
Ngày nay, văn hóa truyền thống của dân tộc, lễ hội với giá trị tâm linh - văn hóa sâu sắc ngày càng được chú trọng và phát triển. Các di tích được nâng cấp, tu sửa khang trang hơn xưa. Tuy nhiên, chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng ý thức giữ gìn văn hóa văn minh lịch sự nơi tín ngưỡng, để lễ hội mùa Xuân được trường tồn...
Minh Hòa