Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Tổng kết 5 năm công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng Trung du và miền núi phía Bắc |
Để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải Vùng Tây Bắc giai đoạn 2016 - 2020, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương cần hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, kể cả hình thức xã hội hóa đầu tư, cho thuê, khai thác, nhượng quyền khai thác có thời hạn hạ tầng, nâng cao chất lượng công trình giao thông.
Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh trong Vùng chủ động rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch; lập danh mục các công trình gắn liền với quy hoạch giao thông vận tải và kế hoạch đầu tư trung hạn, lựa chọn thứ tự ưu tiên để triển khai thực hiện. Xây dựng hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, trong đó tập trung hoàn thiện hệ thống đường trục ngang kết nối các đường cao tốc; mở rộng hoặc nối dài các đường cao tốc theo kế hoạch để tạo thuận lợi hơn nữa đối với giao thông trong Vùng.
Đồng thời chú trọng phát triển mạng lưới giao thông đường thủy nội địa và các cảng, bến đồng bộ theo quy hoạch. Nghiên cứu đầu tư xây dựng sân bay Lai Châu, Lào Cai, Nà Sản... theo quy hoạch nhằm khai thác hiệu quả các phương thức vận tải trong Vùng.
Phó Thủ tướng giao Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính nghiên cứu, đề xuất giải pháp đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, có chính sách ưu tiên bố trí vốn ODA cho Vùng.
Phát triển phương tiện giao thông phù hợp vùng Tây Bắc
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát và có chính sách hợp lý phát triển số lượng, chủng loại phương tiện giao thông phù hợp với mục tiêu sử dụng, điều kiện địa lý của vùng Tây Bắc. Triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới tuyến đường ô tô liên tỉnh, liên huyện; quy hoạch bến xe... để đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế đặc thù huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải vùng Tây Bắc.
Các địa phương trong Vùng cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh dịch vụ vận tải một cách bình đẳng, minh bạch; quan tâm đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng các dự án giao thông, bảo đảm hành lang an toàn giao thông đường bộ; tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông đường bộ và kiểm soát tải trọng xe; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông; tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí từ 5% - 10%/năm trong 5 năm tới, phấn đấu không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong Vùng.
* Trong những năm qua, Nhà nước đã dành nguồn lực đáng kể để đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong Vùng; đồng thời với sự tiến bộ về đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư kết hợp áp dụng công nghệ mới, cách làm sáng tạo trong triển khai xây dựng đã góp phần đạt được những thành tựu đáng kể về đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Bắc; đã xây dựng, nâng cấp, sửa chữa được 1.916 km đường bộ, 296 km đường sắt, 115 km đường thủy nội địa. Tổng khối lượng vận tải toàn Vùng đạt trên 404 triệu lượt khách và 506 triệu tấn hàng hóa, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,56%/năm đối với vận tải hành khách và 10,1%/năm đối với vận tải hàng hoá.
Sự phát triển nhanh của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã giúp cho việc vận tải hành khách, hàng hóa trong Vùng được thông suốt, nhanh chóng, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân của các tỉnh vùng Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong 5 năm qua, giao thông vận tải vùng Tây Bắc vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đó là: Tổng mức đầu tư còn thấp, đặc biệt là nguồn vốn ODA; liên kết vùng còn yếu, nhiều xã chưa có đường ô tô, hệ thống đường liên huyện còn nhiều hạn chế; phương thức giao thông đường thủy chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu hệ thống bến, cảng; tình trạng xe chở hàng quá tải trọng gây mất an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông tuy có giảm những vẫn ở mức cao, còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng./.