Cứu tinh và thủ phạm đẩy Ukraine vào cuộc khủng hoảng nợ quốc gia? (NguồUkrainen: ubn.news) |
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã tuyên bố khoản vay 18 tỷ Euro cho Ukraine vào năm 2023 như một công cụ để “duy trì sự ổn định tài chính vĩ mô của đất nước”.
Đối với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, khoản viện trợ này cho thấy, Brussels đã "cam kết hỗ trợ Ukraine nhiều nhất có thể".
Nhưng khi cuộc xung đột quân sự và áp lực lên nền kinh tế Ukraine gia tăng, lý thuyết kinh tế học cơ bản và dẫn chứng từ hàng thế kỷ lịch sử - đã vẽ nên một bức chân dung kém lạc quan hơn nhiều về tác động thực sự của những khoản hỗ trợ tài chính nói trên từ châu Âu.
Tờ Politico bình luận, đôi khi đối với Brussels, việc “phớt lờ” tính hiệu quả hay “không hiểu” tác động thực sự của các khoản viện trợ đã đem lại cho họ niềm hạnh phúc.
Thực tế là khi Ukraine chìm trong “tiếng súng” và bị tàn phá về kinh tế, họ cần một thỏa thuận nợ để lập lại hòa bình và tái thiết nền kinh tế. Nên nếu Kiev có cơ hội để phục hồi sau cuộc xung đột với Nga, thỏa thuận này nên bao gồm việc tái cấu trúc nợ và nhận hàng chục tỷ Euro dưới dạng các khoản trợ cấp không hoàn lại.
Nhưng với tỷ lệ lạm phát 26%, lãi suất 25% và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 1/3 vào năm 2022, Ukraine đang đạt đến giới hạn của chính sách kinh tế thông thường.
Chẳng bao lâu nữa, Kiev sẽ phải nhờ đến “máy in tiền” để tài trợ cho các dịch vụ công hàng ngày. Giống như trường hợp người Đức, người Hà Lan và những người khác ở châu Âu vẫn thường cảnh báo rằng, kéo dài tình trạng này sẽ dẫn đến một thảm họa kinh tế.
Ukraine đã phải hoãn thanh toán cho đến năm 2024 đối với khoản nợ lên tới 20 tỷ Euro do các nhà đầu tư quốc tế nắm giữ. Và mặc dù khoản tiền xấp xỉ 6 tỷ Euro mà quốc gia đã "tiết kiệm" được thông qua hành động này là rất quan trọng, nhưng nó không thấm vào đâu so với mức thâm hụt ngân sách dự kiến vào khoảng 40 tỷ Euro, chỉ tính riêng trong năm 2023.
Ukraine cần xóa nợ - thật không may, EU chỉ có thể cho họ tiếp tục vay nợ.
Các khoản vay trị giá 18 tỷ Euro từ EU cuối cùng sẽ phải hoàn trả, bắt đầu từ năm 2033, không kể họ còn phải gánh nhiều khoản nợ khác - thậm chí là nợ dài hạn, có thể là không lãi suất - làm giảm khả năng phục hồi nhanh chóng của Ukraine sau xung đột quân sự. Đây là một cách tiếp cận kinh tế vô nghĩa, vì Kiev hiện đã chưa thể thanh toán cho một số nghĩa vụ hiện có của mình.
Nhìn chung, cách làm của EU chỉ đơn giản là đang đi theo một “công thức” cho một cuộc khủng hoảng nợ có chủ quyền đối với Ukraine trong tương lai.
Đáng chú ý, đối với tất cả những kế hoạch do châu Âu vẽ ra về “Một kế hoạch Marshall cho Ukraine,” thì chính Mỹ - chứ không phải EU - đã học được một cách chính xác từ lịch sử kinh tế của mình.
Mỹ đã cung cấp hơn 13 tỷ USD tài trợ không hoàn lại cho Ukraine, với 14,5 tỷ USD nữa sẽ đáo hạn vào năm 2023. Khoản viện trợ này của Mỹ bổ sung cho hàng chục tỷ USD mà họ đang chi cho hỗ trợ quân sự.
Dù khó chịu đến đâu, Brussels - và Berlin - đều biết rất rõ rằng, chính khoản giảm nợ được cấp cho Đức vào cuối những năm 1940 đã đặt nền móng cho phép màu kinh tế thời hậu chiến của châu Âu: Tăng trưởng kinh tế quay trở lại, mà cuối cùng đã dẫn đến việc thành lập Cộng đồng kinh tế châu Âu thịnh vượng vào năm 1957.
“Cốt lõi bên trong” của Kế hoạch Marshall ban đầu là xóa bỏ các khoản nợ sau năm 1933 của Đức và cho phép Tây Đức bắt đầu với tỷ lệ nợ trên GDP dưới 20%, theo Thỏa thuận Nợ London năm 1953. Ban đầu được thiết kế như một kế hoạch tạm thời, nhưng sau đó đã được điều chỉnh khi nước Đức thống nhất vào năm 1990.
Vào thời điểm đó, người ta hiểu rằng, một cuộc khủng hoảng kinh tế thời chiến đòi hỏi một phản ứng chính trị thực dụng và linh hoạt - giống như tình hình hiện nay.
Nhưng vấn đề hiện nay là phản ứng của EU đối với việc tài trợ cho Ukraine là bất cứ điều gì, ngoại trừ một kế hoạch giống như lịch sử.
Sự chia rẽ nội bộ về chính sách kinh tế - vốn được kết tinh bởi sự thống nhất nước Đức và việc thành lập đồng Euro - đã làm suy yếu các mục tiêu chiến lược của khối này ở Ukraine. Và trong khi vẫn tiếp tục bị "ám ảnh" bởi quan điểm của Hy Lạp và Hungary, Hội đồng châu Âu dường như sẽ không bao giờ có thể thông qua thành công một gói viện trợ không hoàn lại - giảm nợ có ý nghĩa thật sự cho Ukraine.
Do đó, tính bền vững tài chính dài hạn cho Kiev vẫn "bên bờ vực" do sự bất đồng trong quá trình ra quyết định của EU.
Giới quan sát cho rằng, trong bối cảnh hiện nay của Kiev, từng quốc gia thành viên EU nên tách bạch trong việc cung cấp viện trợ song phương cho Ukraine. Mặc dù Ủy ban châu Âu mong muốn đặt mình ở vị trí đứng đầu trong tất cả các nỗ lực viện trợ của EU, nhưng đây là một trường hợp đầy tham vọng của giới lãnh đạo hơn là hiệu quả thực tế có thể thấy được, đặc biệt là do sự chậm trễ bởi khó dung hòa lợi ích giữa các quốc gia thành viên - trong việc phân phối các khoản hỗ trợ hiện có.
Theo đó, khoản viện trợ không hoàn lại song phương trực tiếp cho Ukraine nên được miễn trừ khỏi các ràng buộc ngân sách tự áp đặt của khu vực đồng Euro. Và viện trợ chưa sử dụng của EU ở các nước thành viên - từ chính sách nông nghiệp chung đến Quỹ liên kết - nên được phép triển khai dưới dạng hỗ trợ tài chính không hoàn lại cho Ukraine, nếu bất kỳ thành viên nào muốn như vậy.
Nếu tính đến lịch sử và quy mô kinh tế, Đức sẽ dẫn đầu. Và nếu Berlin không thể vượt qua nỗi ám ảnh hiện tại của mình, thì ít nhất, Berlin nên tạo điều kiện cho các quốc gia thành viên EU khác muốn đi theo cách tiếp cận của Mỹ.
Trong tương lai, sẽ đến lúc các cải cách chính trị và kinh tế được “Brussels yêu thích” - với các cách hỗ trợ tài chính cho Ukraine sẽ do các nước thành viên chủ động – tất nhiên chưa phải bây giờ.
"Cả EU và Đức cần thừa nhận lịch sử kinh tế của chính họ hoặc, nếu không làm được điều đó, hãy bước sang một bên và để Mỹ và Anh cứu tương lai kinh tế của Ukraine. Nếu không, một trong những bi kịch lớn nhất của cuộc xung đột hiện nay có thể kết thúc với sự vỡ mộng của Ukraine đối với châu Âu", tờ Politico kết luận.
| Kinh tế Trung Quốc: Sau năm 2022 'bước hụt', là năm 2023 mất đà? Năm 2022 kinh tế Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng 3%, thấp hơn so với mục tiêu 5,5% được đề ra tại kỳ họp ... |
| 2023 là hy vọng hay ‘ác mộng’ của kinh tế Mỹ Mọi người đều đang cố gắng tìm hiểu xem điều gì đang xảy ra với đầu tàu kinh tế thế giới - đặc biệt là ... |
| Kinh tế EU: IMF cảnh báo về một 'mùa Đông khó khăn'; Đức dự báo lạm phát, khẳng định giá năng lượng cao là bình thường mới Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo EU đang phải đối mặt với một "mùa Đông khó khăn" và ... |
| 'Đầu tàu' châu Âu vượt khủng hoảng năng lượng và xung đột Nga-Ukraine Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - tăng trưởng nhẹ trong năm 2022, dù phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng ... |