📞

Dạy và học tiếng Việt cho kiều bào, nhận diện thách thức và giải pháp trong thời đại 4.0

TRỌNG VŨ 15:00 | 13/12/2020
TGVN. Nỗ lực của kiều bào cùng các cơ quan trong và ngoài nước rất to lớn trong việc duy trì và phát triển việc dạy tiếng Việt. Thế nhưng, thực tế vẫn còn rất nhiều việc phải làm để công tác này đạt được hiệu quả cao hơn, đáp ứng những đòi hỏi của tình hình mới.
Lớp bồi dưỡng cho giáo viên dạy tiếng Việt ở nước ngoài tại Hà Nội.

Từ một điển hình

Được sáng lập từ năm 1999, Trường Tiếng Việt Lạc Long Quân tại Ba Lan ra đời bởi tâm nguyện của một số phụ huynh và giáo viên muốn cho con em trong cộng đồng hiểu tiếng mẹ đẻ và giữ gìn văn hóa Việt Nam. Buổi đầu thành lập trường chỉ có khoảng vài chục học sinh, đến nay, tổng số học sinh hàng năm có khoảng từ 150 – 180 với độ tuổi từ 6-14 tại thủ đô Warszawa.

Sau hơn 21 năm, trường đã có được đội ngũ giáo viên và Ban lãnh đạo nhiệt tình và tâm huyết cao đối với công việc. Nhà trường cũng nhận được sự động viên, ủng hộ của đông đảo phụ huynh, các tổ chức hội đoàn trong cộng đồng và sự quan tâm của Đại sứ quán Việt Nam nhằm giữ gìn tiếng Việt, bảo tồn bản sắc văn hóa Việt nơi xa xứ.

Chia sẻ về những khó khăn của việc dạy tiếng Việt tại đây, bà Nguyễn Việt Triều, hiện là Ủy viên Liên hiệp các Hội người Việt toàn châu Âu cho biết, đa số các bậc phụ huynh rất bận rộn với công việc kinh doanh, không có thời gian để đưa đón, giúp đỡ cho con em mình học, do đó một số lượng rất lớn con em trong cộng đồng chưa được đến trường.

Ngoài ra, đối tượng học sinh vào học từ năm đầu không đồng đều về tuổi cũng như về trình độ, điều đó dẫn tới khó khăn trong việc dạy và học. Hơn nữa, thời gian dành cho việc dạy và học tiếng Việt ở trường rất ít (mỗi tuần chỉ có một buổi vào chiều thứ Bảy) nên việc truyền đạt kiến thức, luyện tập kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho học sinh có nhiều hạn chế.

Đặc biệt, trong tình trạng dịch bệnh Covid-19 hiện nay, nhà trường phải chuyển sang phương thức giảng dạy và học tập trực tuyến. Đối với nhà trường, đây là một thử thách lớn với rất nhiều khó khăn bước đầu.

Gần 10 năm sống ở châu Âu và hiểu nỗi khổ tâm, day dứt của ông bà, bố mẹ khi con cháu họ không nói được tiếng Việt. Bởi vậy, cảm xúc đối với tiếng mẹ đẻ ở nơi xa xôi Tổ quốc thật là mạnh mẽ, mà có thể ở trong nước chúng ta không cảm nhận hết được.

Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao của Ban lãnh đạo cùng tập thể giáo viên của trường, trong dịp hè 2020, nhà trường đã tổ chức tập huấn cho giáo viên nắm bắt được phương pháp dạy trực tuyến. Nhà trường đã đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ và kinh phí để xây dựng nền tảng dạy và học theo phương thức này.

Thực tế, năm học mới 2020-2021 đã thu hút được nhiều học sinh tham gia học trực tuyến. Do học trực tuyến không phụ thuộc khoảng cách địa lý, nên số học sinh tham gia học không chỉ ở Warszawa mà còn là ở các tỉnh khác, trong đó có cả học sinh người Việt ở một số nước khác (Anh, Mỹ) tham gia học.

“Đây là sự thành công bước đầu của Trường Tiếng Việt Lạc Long Quân tại Ba Lan. Phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng với nhiệt huyết của Ban lãnh đạo và đội ngũ thầy cô giáo, cùng sự đổi mới phương pháp giảng dạy trong thời kỳ đại dịch Covid-19, đây cũng là phương pháp phù hợp với thời đại công nghệ 4.0”, bà Nguyễn Việt Triều chia sẻ.

... nghĩ đến bài toán nâng cao chất lượng

Phải nói rằng, trong những năm qua, sự nỗ lực bền bỉ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) cùng các bộ ngành liên quan trong việc hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) dạy và học tiếng Việt là vô cùng to lớn, mang lại những kết quả thực tế được kiều bào đánh giá cao.

Không chỉ xây dựng phong trào dạy và học tiếng Việt tại nhiều nước, Ủy ban Nhà nước về NVNONN còn phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên tình nguyện dạy tiếng Việt cho NVNONN vào tháng Tám hàng năm tại Việt Nam hoặc tại nước sở tại nếu có nhu cầu.

Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm có khoảng 65-70 giáo viên từ nhiều quốc gia về tham dự lớp bồi dưỡng.

Một minh chứng khác cho hướng đi đúng đắn này chính là Cuộc thi biên soạn sách và tài liệu dạy học tiếng Việt cho kiều bào do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì và khởi xướng vừa qua.

Cuộc thi nhằm huy động sự tham gia của đội ngũ trí thức, giảng viên, giáo viên trong và ngoài nước tham gia viết sách để lựa chọn được những bộ sách có chất lượng, phù hợp với đặc điểm của người học ở từng địa bàn, khu vực trên thế giới.

Thời gian qua, Hội liên lạc với NVNONN cũng đã có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ kiều bào phát triển việc dạy và học tiếng Việt. Đặc biệt, Hội đã phối hợp hiệu quả với Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho ra đời Phần mềm và Giáo trình trực tuyến “Em học tiếng Việt” với các phiên bản của 11 thứ tiếng song ngữ và trước mắt phiên bản tiếng Anh đã được in sách.

Tuy nhiên, theo PGS. Nguyễn Lân Trung - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, trong thời gian tới đây công tác này cần phải được triển khai, quyết liệt, tổng thể, toàn diện, huy động được rộng rãi các lực lượng trong xã hội.

“Gần 10 năm sống ở châu Âu và hiểu nỗi khổ tâm, day dứt của ông bà, bố mẹ khi con cháu họ không nói được tiếng Việt. Bởi vậy, cảm xúc đối với tiếng mẹ đẻ ở nơi xa xôi Tổ quốc thật là mạnh mẽ, mà có thể ở trong nước chúng ta không cảm nhận hết được.

Kiều bào luôn mong muốn, bên cạnh sách và lớp học truyền thống, có được học liệu điện tử, trực tuyến để các cháu có thể tự học, để phụ huynh có thể giúp các cháu thực hành tiếng Việt mọi nơi mọi lúc, lúc rỗi rãi ở nhà, trong bữa ăn, lúc đi nghỉ, đi chơi...”, PGS Nguyễn Lân Trung chia sẻ.

Cô trò Trường Tiếng Việt Lạc Long Quân ở Ba Lan.

Và những đề án của ngành giáo dục

Ngay từ năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng Chương trình tiếng Việt cho NVNONN theo Khung năng lực tiếng Việt sáu bậc nhằm tạo cơ sở chung cho việc xây dựng, phát triển, cập nhật tài liệu dạy học và tổ chức hoạt động dạy học, kiểm tra, đánh giá năng lực sử dụng tiếng Việt.

Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ba đề án của Bộ về lĩnh vực này: Đề án hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt cho NVNONN; Đề án Nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt cho NVNONN; Đề án Tăng cường dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho NVNONN (hiện đang xây dựng bộ ngữ liệu dạy và học tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho NVNONN từ bậc một đến bậc bốn).

Mặc dù vậy, theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, do nguồn lực hỗ trợ còn eo hẹp nên việc ban hành và triển khai thực hiện một số cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng NVNONN bảo tồn, phát huy tiếng Việt còn chậm, chưa đồng bộ.

Công tác hỗ trợ dạy và học tiếng Việt chưa đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng ở nhiều địa bàn và ở nhiều nơi, phong trào dạy và học tiếng Việt vẫn chủ yếu do cộng đồng tự thân vận động, sự hỗ trợ từ trong nước cũng như của chính quyền sở tại chưa được nhiều. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hỗ trợ dạy và học tiếng Việt chưa kịp thời và hiệu quả.

Về sách, tài liệu dạy và học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát hành bộ sách Tiếng Việt Vui dành cho trẻ em và bộ Quê Việt dành cho người lớn. Cho đến nay, đây vẫn là hai bộ sách chuẩn của Nhà nước về dạy và học tiếng Việt cho NVNONN với hàng nghìn bộ đã được chuyển ra nước ngoài phục vụ cộng đồng.

Tuy nhiên, theo phản hồi của giáo viên kiều bào, hai bộ sách này khó sử dụng, để có thể theo học, người học phải có trình độ tiếng Việt nhất định. Hơn nữa, đây là bộ sách áp dụng chung cho người Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới, nên chưa thực sự phù hợp với đặc thù của cộng đồng ở từng khu vực.

Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức cuộc thi viết sách, tài liệu dạy và học tiếng Việt cho NVNONN, sẽ trao giải thưởng vào năm 2021 và xây dựng bộ công cụ đánh giá, tổ chức thi và cấp chứng chỉ tiếng Việt theo khung năng lực tiếng Việt sáu bậc dùng cho người nước ngoài.

Đặc biệt, Bộ sẽ tăng cường phối hợp với Ủy ban Nhà nước về NVNONN tổ chức bồi dưỡng giáo viên tình nguyện, cũng như cử giảng viên, chuyên gia dạy tiếng Việt trong nước sang giảng dạy và bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên ở nước sở tại.