ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến phân khúc nhà ở xã hội. (Ảnh: NVCC) |
Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn Hải Dương, Ủy viên Ủy ban ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho hay, đa phần nguyện vọng của người lao động có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đều mong muốn sở hữu nhà ở xã hội không phải dưới dạng mua trả góp mà dưới dạng trả tiền thuê hằng tháng.
Vì vậy, các cơ quan chức năng nên quan tâm nhiều hơn nữa đến phân khúc này để lao động thu nhập thấp tiếp cận dễ dàng với nhà ở xã hội. So với các dạng nhà dân cho thuê thì nhà ở xã hội đáp ứng được tiêu chí về diện tích, kết cấu và những điều kiện phòng cháy, chữa cháy.
Góc nhìn của bà về công tác phòng cháy chữa cháy ở các đô thị lớn hiện nay? Có những nút thắt gì cần tháo gỡ?
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra vụ cháy thương tâm. Chúng ta đã nỗ lực triển khai rất nhiều giải pháp nhưng hằng năm vẫn tiếp tục ghi nhận các vụ hỏa hoạn đáng tiếc. Nhiều vụ không những gây thiệt hại lớn về tài sản mà còn có thương vong về người, đặc biệt là các vụ cháy xảy ra ở những khu vực nhà dân tại các đô thị lớn và vào thời điểm ban đêm. Vậy nguyên nhân từ đâu?
"Chỉ một hành vi bất cẩn có thể thiêu rụi cả một cánh rừng; chỉ một tàn thuốc lá ở cây xăng là có thể gây nên một thảm họa; chỉ vì một thiết bị điện không đạt chuẩn có thể gây cháy nổ cả một tòa nhà". |
Theo tôi, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các đô thị lớn đang tồn tại nhiều vấn đề.
Thứ nhất, thực hiện chưa nghiêm các quy định về PCCC. Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC đã khá đầy đủ và hoàn thiện nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều bất cập.
Quy chuẩn về PCCC được người dân và doanh nghiệp phản ánh là còn khá khắt khe và khó thực hiện (tốn kém về kinh phí, khó khăn về các nguyên vật liệu, thiết bị đạt chuẩn). Công tác quản lý xây dựng có lúc, có nơi còn chưa tốt, việc nghiệm thu về tiêu chuẩn PCCC còn chưa thực sự đạt chất lượng.
Thứ hai, ý thức PCCC của người dân vẫn còn nhiều khoảng trống, còn lơ là, mất cảnh giác. Rất nhiều vụ xảy ra cháy là do ý thức của con người, từ việc phớt lờ các cảnh báo, không tuân thủ mọi quy định PCCC, bất cẩn trong sinh hoạt, trong sử dụng các thiết bị điện có thể gây chập, cháy không đúng quy chuẩn… Điều này là nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiều vụ cháy.
Chỉ một hành vi bất cẩn có thể thiêu rụi cả một cánh rừng; chỉ một tàn thuốc lá ở cây xăng là có thể gây nên một thảm họa; chỉ vì một thiết bị điện không đạt chuẩn có thể gây cháy nổ cả một tòa nhà. Người xưa có câu “nhất thủy nhì hỏa” để nói về mức độ tàn phá khủng khiếp của lũ lụt và hỏa hoạn trong 4 đại họa “thủy, hỏa, đạo, tặc”.
Thứ ba, công tác chữa cháy ở các đô thị lớn gặp rất nhiều khó khăn, vì mật độ nhà cửa xây dựng dày đặc, nhiều công trình nhà ở nằm trong ngõ ngách sâu, xe cứu hỏa không thể tiếp cận hiện trường. Vì lý do an ninh, các công trình dân dụng thường xây rất kiên cố, khó phá dỡ để cứu nạn nhân khi xảy ra cháy. Trong khi đó, hạ tầng chữa cháy còn nhiều hạn chế (nguồn nước để chữa cháy, hệ thống bình chữa cháy chuyên dụng…).
Những “nút thắt” đó đòi hỏi cần phải có giải pháp tháo gỡ ngay. Có những giải pháp chúng ta có thể làm tốt ngay trước mắt như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn vê phòng cháy nổ, nâng cao cảnh giác. Có những giải pháp bền vững, lâu dài như hoàn thiện thể chế, sửa đổi các quy định của pháp luật cho phù hợp hơn, rà soát và xử lý các công trình vi phạm tiêu chuẩn PCCC.
Giải pháp đặt ra trong bối cảnh hiện nay là gì?
Vụ cháy tại Trung Kính vừa qua đang được các cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ nguyên nhân. Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án. Trước khi cơ quan chức năng đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân vụ cháy, qua phương tiện truyền thông, chúng ta cũng thấy rõ một trong những nguyên nhân khiến vụ cháy trở thành thảm họa, nhiều người tử vong là do tòa nhà không có lối thoát hiểm.
Hơn thế, tầng 1 - nơi ngọn lửa bùng phát không phải nơi ở mà là chỗ kinh doanh sửa xe đạp, xe máy điện với rất nhiều vật liệu, thiết bị, phụ tùng. Chưa rõ nguyên nhân xảy ra cháy nhưng dư luận vẫn đặt câu hỏi liệu đó có phải là nguyên nhân bùng phát lửa không? Và nếu không có các thiết bị, vật liệu ngổn ngang đó, liệu đám cháy có dữ dội đến vậy?
Sau vụ việc này, cần rà soát lại các quy định của pháp luật. Nhiều người cho rằng hiện nay do chúng ta chưa có quy định cấm loại hình cho thuê nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh nên vẫn tồn tại rất nhiều khu nhà vừa có các hộ thuê sinh sống vừa kết hợp có hộ thuê để sản xuất và kinh doanh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân có thể gây cháy. Do đó, cần có sự rà soát lại các quy định của pháp luật để điều chỉnh cho hợp lý.
Hiện trường vụ cháy nhà cho thuê ở Trung Kính (Hà Nội) khiến 14 người thiệt mạng. (Nguồn: VNE) |
Vậy phải làm thế nào để tránh xảy ra tình trạng "con voi chui qua lỗ kim", thưa bà?
Từ sự việc đau lòng này mà đặt ra vấn đề rà soát một cách triệt để trên địa bàn TP Hà Nội là một việc rất khó. Nếu cấm cho thuê trọ với các căn nhà không bảo đảm tiêu chuẩn PCCC có thể có những tác động tiêu cực, rồi tất cả người nghèo đang sinh sống ở các khu nhà đó đi đâu về đâu?
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể buông lỏng được. Điều quan trọng là các quy định PCCC hiện nay, trách nhiệm từng cấp ngành cần được cụ thể hơn, rà soát tích cực, có phương án rõ ràng với từng loại hình.
"Việc tích lũy tiền để mua nhà ở xã hội với nhiều hộ gia đình vẫn là một giấc mơ xa vời. Bởi vậy, thực tế tồn tại tình trạng nhà ở xã hội có nơi xây lên vẫn 'ế' mà người lao động thu nhập thấp vẫn không thể tiếp cận được, vẫn phải chen chúc trong những khu nhà trọ chật chội, tồi tài không đảm bảo các điều kiện tối thiểu về diện tích cũng như PCCC". |
Với loại hình nhà cho thuê trọ chật hẹp, nhiều tầng, nhiều người thuê trọ nhưng ở trong ngõ sâu, cần kiểm tra kết cấu bởi vì phần lớn các nhà bị cháy có nhiều người tử vong do không có lối thoát hiểm. Bên cạnh đó, công tác tập huấn về PCCC và kỹ năng ứng phó khi có sự cố cháy xảy ra cũng là vấn đề rất cần thiết.
Chúng ta không thể chỉ làm rốt ráo mỗi khi có vụ cháy thương tâm nào đó xảy ra, nhưng sau đó lại để sự việc trôi đi. Nên việc tập huấn thường xuyên, liên tục và nâng cao ý thức của mỗi người là rất quan trọng.
Cần “bịt” những lỗ hổng chính sách về PCCC và công tác quản lý xây dựng nhà ở thế nào?
Với nhà ở xã hội, Luật Nhà ở (sửa đổi), vừa được Quốc hội thông qua vào Kỳ họp 6 (tháng 11/2023) và có hiệu lực từ 1/1/2025 sắp tới, đã có nhiều quy định cụ thể hơn so với luật cũ, trong đó có quy định 2 hình thức sở hữu: mua hoặc thuê.
Hiện nay, chủ yếu các nhà đầu tư hướng đến loại hình nhà ở xã hội để bán chứ không mặn mà với loại hình cho thuê. Các nhà đầu tư luôn muốn hoàn vốn nhanh nên bán là giải pháp tốt nhất với họ.
Nhưng với người lao động có thu nhập thấp - đối tượng được tiếp cận nhà ở xã hội lại có xu hướng muốn thuê nhà hơn là mua. Lý do là dù phân khúc nhà ở xã hội đã có nhiều ưu đãi dành cho chủ đầu tư và khống chế mức lãi tối đa nhưng giá thành của mỗi căn vẫn là quá lớn với người lao động thu nhập thấp.
Thu nhập của người lao động nhiều khi chỉ đủ chi dùng cho cuộc sống thường ngày, nên việc tích lũy tiền để mua nhà ở xã hội với nhiều hộ gia đình là một giấc mơ xa vời. Bởi vậy, thực tế tồn tại tình trạng nhà ở xã hội có nơi xây lên vẫn “ế”, mà người lao động thu nhập thấp lại không thể tiếp cận được, vẫn phải chen chúc trong những khu nhà trọ chật chội, tồi tàn, không đảm bảo các điều kiện tối thiểu về diện tích cũng như PCCC.
Cho nên, tôi thấy cần thiết phải có những quy định bổ sung về nhà ở xã hội để đảm bảo một tỷ lệ nhất định dành cho thuê và có thêm những ưu đãi nhất định cho chủ đầu tư nếu xây dựng loại hình này.
Xin cảm ơn bà!