TP. Cẩm Phả vươn lên vị trí thứ nhất bảng xếp hạng chỉ số DDCI Quảng Ninh 2020 khối địa phương. (Nguồn: BQN) |
Ngày 19/3, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Lễ công bố chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương - DDCI Quảng Ninh 2020. Đây là năm thứ 6 Quảng Ninh triển khai thực hiện đánh giá DDCI và lễ công bố kết quả đã trở thành sự kiện thường niên của tỉnh Quảng Ninh.
Một năm khó khăn với doanh nghiệp
Phát biểu khai mạc lễ công bố, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng cho biết, bộ chỉ số DDCI năm 2020 diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt, đó là tình hình thế giới, trong nước và trong tỉnh chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19.
Trước diễn biến của dịch bệnh, chương trình khảo sát DDCI có sự điều chỉnh so với các năm trước, đã bổ sung thêm nhiệm vụ nắm bắt thực chất năng lực của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
So với các tỉnh, thành phố trong cả nước, các chỉ tiêu, chỉ số của DDCI Quảng Ninh liên tục được cập nhật, điều chỉnh để bám sát những vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, không tránh né những vấn đề nhạy cảm, cầu thị và lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp.
"Mặc dù có một năm khó khăn đối với hầu hết các doanh nghiệp nhưng số lượng doanh nghiệp tham gia khảo sát năm 2020 lại tăng hơn 3,2% so với năm 2019, tăng 32% so với năm 2018. Số phiếu hợp lệ tăng 4,6% so với năm 2019; đặc biệt, tỷ lệ hồi đáp của doanh nghiệp đạt 36,2%, cao nhất từ trước đến nay.
Năm 2020 cũng là năm đầu tiên triển khai sử dụng khảo sát trực tuyến và đã nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp. Đây là những tín hiệu đáng mừng cho thấy sự ủng hộ của doanh nghiệp", ông Bùi Văn Khắng nhấn mạnh.
Ông Bùi Văn Khắng thông tin, theo kết quả khảo sát, những tác động của đại dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là rộng khắp và có mức độ, phạm vi khác nhau. So với khảo sát năm 2019, tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh bị suy giảm về doanh thu, lợi nhuận, nhưng tỷ lệ đầu tư, áp dụng công nghệ đều tăng gấp 2 lần.
Giảm khách hàng, giảm thị trường tiêu thụ là tác động có ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp nhất trong năm 2020 (95%), trong đó có tới 70% số doanh nghiệp ghi nhận phải chịu tác động nhiều. Khoảng 55 - 60% các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều do bị gián đoạn nguồn cung ứng và gặp khó khăn về vốn lưu động.
"Con số này có thể sẽ cao hơn rất nhiều nếu như trong năm 2020, Quảng Ninh không kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đầu vào, đầu ra trong sản xuất, điển hình như chính sách kích cầu du lịch, chính sách tiêu thụ sản phẩm nông sản, gia hạn, giãn nợ cho doanh nghiệp", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng khẳng định.
Bảng xếp hạng DDCI Quảng Ninh 2020 khối địa phương. (Nguồn: BQN) |
DDCI - Chỉ dẫn tin cậy của Quảng Ninh
Được triển khai từ năm 2015, sau 5 năm, Bộ chỉ số DDCI tỉnh Quảng Ninh đã dần khẳng định vai trò là chỉ dẫn tin cậy để tỉnh Quảng Ninh đưa ra những chương trình hành động thiết thực, sát đúng tình hình thực tiễn phát triển. Năm 2020 là năm thứ 6 Quảng Ninh triển khai thực hiện đánh giá DDCI, với sự tham gia của 34 đơn vị gồm: 13/13 địa phương và 21 sở, ngành trên địa bàn tỉnh.
Theo kết quả được công bố, điểm trung vị của khối địa phương được cải thiện so với năm 2019, đạt 63,85 điểm. Các chỉ số như Chi phí thời gian, vai trò của người đứng đầu đã hội tụ về mức điểm cao, đặc biệt chỉ số Chi phí thời gian có điểm tăng đáng kể so với năm 2019 (từ 5,26 điểm năm 2019 lên 7,16 điểm năm 2020). Khoảng điểm giữa địa phương đứng đầu và đứng cuối chênh lệnh nhau khá nhiều: điểm số của đơn vị dẫn đầu cao hơn tới 47,88 điểm so với đơn vị đứng cuối.
DDCI Quảng Ninh 2020 dựa trên sự tổng hợp ý kiến của khoảng 2.080 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể từ danh sách 6.500 doanh nghiệp với 12.500 phiếu gửi đi. Tỷ lệ hồi đáp 36,2% (so với trên 30% của năm 2018 và 34,65% năm 2019) với rất nhiều doanh nghiệp tích cực đóng góp ý kiến bổ sung, thể hiện sự tin tưởng vào hệ thống cơ quan chính quyền và Bộ chỉ số đánh giá DDCI của tỉnh Quảng Ninh. |
Năm 2020 chứng kiến sự thay đổi các vị trí. Cụ thể, TP. Cẩm Phả vươn lên vị trí thứ nhất, tiếp sau là huyện Cô Tô. Ở khối sở, ban, ngành, điểm trung vị của khối sở, ban, ngành năm 2020 là 55,20 điểm, thấp hơn so với con số 59,22 điểm của năm 2019 và thấp hơn trung vị của khối địa phương (63,58 điểm).
Khoảng cách giữa nhóm đứng đầu và đứng cuối cho thấy sự chênh lệch khá lớn về năng lực điều hành của khối sở, ban, ngành, với điểm số của đơn vị dẫn đầu cao hơn tới 47,53 điểm so với đơn vị đứng cuối.
Ban Quản lý Khu kinh tế là đơn vị giữ vị trí quán quân, tăng 2 bậc xếp hạng so với năm 2019. Các vị trí tiếp theo trong nhóm đầu là Sở Thông tin Truyền thông, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Cục Hải quan, Sở Du lịch.
Đánh giá về hoạt động DDCI Quảng Ninh 2020, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc khẳng định, dù không phải là tỉnh đầu tiên triển khai thực hiện bộ chỉ số DDCI nhưng Quảng Ninh là tỉnh thực hiện thành công nhất, bền bỉ, thường xuyên, có hiệu quả.
"DDCI tại Quảng Ninh tiếp tục duy trì không khí cạnh tranh sôi nổi và truyền lửa mạnh mẽ. Để có những đột phá, Quảng Ninh cần nghiên cứu tiếp đổi mới để đưa ra mô hình mới, thử nghiệm các chính sách mới. Cụ thể, xây dựng mô hình đại công trường để thực hiện công nghiệp hóa ở mức độ phân cấp hơn; phát huy kỳ quan thế giới về thiên nhiên, tâm linh trở thành trung tâm du lịch đỉnh cao, mô hình đẳng cấp về du lịch.
Đồng thời, tiếp tục là nôi để cải cách và đi đầu trong xây dựng hệ sinh thái phát triển doanh nghiệp. VCCI sẽ tiếp tục sát cánh với Quảng Ninh để xây dựng các mô hình kinh doanh mới và đồng hành với tỉnh trong hành trình cải cách hành chính", ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn cho rằng, thời gian tới, để cải thiện mạnh mẽ và thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và các chỉ số PAPI, SIPAS, PAR Index, các sở, ngành, địa phương quán triệt sâu sắc phương châm chính quyền phục vụ doanh nghiệp, người dân; kinh tế tư nhân là động lực quan trọng phát triển kinh tế và bám sát các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để có nhiều sáng kiến giải pháp mới, cụ thể, thiết thực và phù hợp với tình hình thực tiễn của năm 2021; đổi mới phương pháp làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ trong thực thi công vụ, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp thật trách nhiệm, đảm bảo tiến độ, hiệu quả.
Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, tỉnh tập trung triển khai có hiệu quả “Đề án Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030” gắn với thực hiện đồng bộ 3 khâu đột phá chiến lược.
Trong đó, tiếp tục cải cách mạnh mẽ hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thực chất và hiệu quả hơn nữa; rà soát và hoàn thiện các quy trình nội bộ, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên thông; hỗ trợ, tạo điều kiện, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.