📞

Để học sinh không chán học, hãy nhìn giáo dục Phần Lan

22:35 | 13/01/2017
“Làm thế nào để học sinh của Việt Nam không chán học?" là nội dung xuyên suốt buổi hội thảo “Việt Nam học được gì từ nền giáo dục Phần Lan?” do Đại sứ quán Phần Lan phối hợp cùng Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam - VICC và Công ty Cổ phần Sách Alpha đồng tổ chức tại Hà Nội (13/1).

Dự hội thảo có ông Phạm Chí Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ GD & ĐT; bà Riikka - phụ trách mảng phát triển hợp tác và triển khai đầu tư Khối Giáo dục Phổ thông Phần Lan; GS.TS. Phạm Quang Trung - Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục; PGS. TS. Lê Phước Minh - Phó Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục; ông Trịnh Minh Giang - GĐ Công ty CP Tư vấn Quản lý Việt, Giám đốc Điều hành trường Phổ thông liên cấp Alfred Nobel; Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Ilkka-Pekka Similä; ông Nguyễn Cảnh Bình - Giám đốc Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam – VICC, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sách Alpha...

Các diễn giả tại hội thảo. (Ảnh: Đỗ Hiếu)

“Làm thế nào để học sinh của Việt Nam không chán học?”

Để trả lời cho nỗi trăn trở này, diễn giả Riikka cho rằng Phần Lan luôn hướng đến một hệ thống trường học mà ở đó, không có đứa trẻ nào bị bỏ lại phía sau, không có sự xếp hạng, so sánh và không cạnh tranh giữa các học sinh, trường học hay địa phương. Tất cả các em đều được hưởng nền giáo dục miễn phí.

Đặc biệt, trong giáo dục Phần Lan tuy học ít giờ nhưng chất lượng, kiến thức của học sinh lại tăng lên. Bà Riikka chia sẻ: “Giảm giờ học của học sinh sẽ giúp giáo viên có nhiều thời gian soạn bài, soạn giáo án, thời gian tương tác với học sinh, phụ huynh nhiều hơn".

Bên cạnh đó, diễn giả Riikka cũng nhận định, trên thực tế học sinh Phần Lan chỉ phải thực hiện một bài kiểm tra tiêu chuẩn trong suốt quá trình học tiểu học và trung học, cuối cùng là một bài kiểm tra quốc gia để vào đại học. Tuy nhiên, các em lại được kiểm tra tính cách cũng như dự định tương lai, ước mơ khá nhiều trong suốt quá trình học.

Một điều nữa, các trường học Phần Lan tập trung vào sự phát triển toàn diện và xem thời gian vui chơi, giải trí của học sinh là một phần quan trọng trong sự phát triển con người. "Không giống các nước tập trung vào một số môn học cốt lõi, Phần Lan tập trung phát triển toàn diện cho học sinh. Ngoài các môn học, học sinh còn được học âm nhạc, hội họa, các hoạt động ngoại khóa…"- bà Riikka nhấn mạnh.

Để quá trình dạy và học thành công thì ngoài việc truyền thụ kiến thức, giáo viên cũng phải giúp các em cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ trong quá trình học tập để tránh những sức ép quá lớn. Sau mỗi tiết học, các em có 15 phút giải lao ngoài trời. Điều đáng nói, học kỳ ở Phần Lan cũng ngắn hơn và các em ít khi phải làm bài tập về nhà.

Ngoài ra, để giảm tải căng thẳng và tạo sự cân bằng trong cuộc sống của các em, bà Riikka cho rằng các nhà giáo dục cần chú ý đặc biệt tới những hoạt động giáo dục thể chất cũng như hoạt động giao lưu xã hội.

Giáo viên được trao quyền tự quyết

Giáo viên ở Phần Lan đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với giáo dục. Điều kiện làm việc tốt, được trân trọng và tạo cảm hứng cho giáo viên và hiệu trưởng tại các trường học ở Phần Lan đã được phát triển một cách có hệ thống.

Tại hội thảo, ông Trịnh Minh Giang chia sẻ rằng, ngoài mức lương cao hơn các nghề khác thì nghề giáo viên ở Phần Lan rất danh giá.

Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Đỗ Hiếu)

Một cuộc khảo sát thực hiện tại Phần Lan cho thấy, hầu hết đàn ông tại quốc gia này đều mong muốn lấy vợ là giáo viên. Trong khi đó, đối với phụ nữ, giáo viên cũng xếp vị trí thứ 2 trong đối tượng họ mong muốn lấy làm chồng. Ông Giang Nhấn mạnh: "Điều đó cho thấy giáo viên được coi trọng ở Phần Lan như thế nào".

Điều đáng chú ý là ngoài mức lương cao, điều kiện làm việc tốt và được xã hội trân trọng, giáo viên ở Phần Lan còn được trao quyền tự quyết, được điều chỉnh chương trình giảng dạy cho phù hợp với nhu cầu và thế mạnh của từng học sinh.

Tại hội thảo, một đại biểu từng được đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài cho rằng chính sách thu hút người tài của Việt Nam chưa tốt. Vì vậy, để cải cách nền giáo dục trước hết cần phải có cơ chế để thu hút người tài vào phục vụ cho ngành giáo dục.

Trong khi đó, ông Lê Phước Minh chia sẻ, thực tế nghề giáo ở Phần Lan có mức lương cao hơn nhưng không hẳn là vượt trội so với các nghề khác. Do đó, lương không phải là vấn đề quan trọng nhất.

Ông Lê Phước Minh cho rằng, vấn đề quan trọng chính là làm sao xã hội tạo ra sự công bằng, để sự thành công của mỗi người phải dựa trên thực lực. "Tôi ngẫm lại ở Việt Nam có quá nhiều sinh viên tốt nghiệp thành công nhưng không dựa trên sự xuất sắc, dường như họ dựa trên sự may mắn nào đó, một điều gì đó rất khó lý giải. Tôi cho rằng đây chính là một trong những cản trở lớn khi chúng ta học tập và áp dụng các mô hình giáo dục của những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới" - ông Minh trăn trở.

Tại sự kiện này, cuốn sách nổi tiếng thế giới về giáo dục “Bài học Phần Lan 2.0: Chúng ta có thể học được gì từ cải cách giáo dục Phần Lan” của chuyên gia giáo dục nổi tiếng người Phần Lan - Tiến sĩ Pasi Salhberg được ra mắt. Cuốn sách này cho thấy cách mà Phần Lan đã đạt được thành công mà không cần trải qua những quá trình gian nan và đầy tranh cãi của việc cạnh tranh, lựa chọn trường và những kỳ thi bắt buộc.

Theo số liệu thống kê của OECD, giờ dạy trung bình của giáo viên trung học ở Phần Lan chỉ bằng một nửa so với giáo viên Mỹ. Điều này giúp cho các giáo viên có thể dành nhiều thời gian hơn trong việc lên kế hoạch giảng dạy cùng với các đồng nghiệp, chia sẻ ý tưởng và phương pháp dạy học tốt nhất.