Chúng ta hãy cùng nghe GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục - Môi trường của UBTW MTTQVN, ĐBQH các khoá 10,11,12 bày tỏ quan điểm của mình xung quanh những bài học trong giáo dục Ngoại ngữ ở nước ta hiện nay.
GS. TS. NGND Nguyễn Lân Dũng |
Công nghệ thông tin và Ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh) là hai công cụ có tầm quan trọng hàng đầu trong thời đại toàn cầu hóa. Trong xu thế đó, nhìn lại thì thực tế khả năng sử dụng tiếng Anh của người Việt Nam đang là rào cản không nhỏ trong tốc độ hội nhập quốc tế. Theo Giáo sư, có phải để không bị tụt hậu thì phải giỏi tiếng Anh?
Tôi nghĩ đúng như vậy. Hiện nay biết tiếng Anh hầu như có thể làm việc với đa số các nước trên thế giới, có thể thu nhận kiến thức từ các phát minh, các bằng sáng chế đã qua thời gian bảo hộ, có thể tham dự các Hội nghị, Hội chợ khắp các nước…
Chúng ta không chủ trương lấy tiếng Anh thay tiếng Việt vì như học giả Phạm Quỳnh đã có câu nói nổi tiếng: “Truyện Kiều còn thì tiếng Việt còn, tiếng Việt còn thì nước Nam còn”. Nhưng nếu thanh thiếu niên Việt Nam phần đông thông thạo tiếng Anh thì sẽ là một bước tiến có tính đột phá về văn hoá, giáo dục, khoa học công nghệ, mở ra sự phát triển mới trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Giáo sư có nhận xét gì về thực trạng ngoại ngữ của nước ta hiện nay? Từ đó, chúng ta nên có sự đổi mới gì trong công tác đào tạo ngoại ngữ, thưa ông?
Trong kỳ thi Quốc gia vừa qua với môn Ngoại ngữ, vùng phổ điểm chủ yếu tập trung ở mức 2-3,5 điểm, chỉ có 59 thí sinh trong cả nước đạt điểm 10. Ngay sinh viên Đại học nhiều khi vào trường vẫn phải học lại tiếng Anh từ đầu. Có thể nói một cách khái quát là chúng ta không thành công trong việc dạy và học ngoại ngữ từ tiểu học đến đại học.
Đông đảo sinh viên tốn rất nhiều tiền để theo học thêm tại các trung tâm tiếng Anh để đi du học và ngay cả khi muốn xin được việc làm trong nước. Kinh nghiệm ở Israel và nhiều nước khác cho thấy khả năng tiếp thu ngoại ngữ ở trẻ càng nhỏ càng nhanh hơn so với trẻ càng lớn.
Nhưng trừ các trường quốc tế đang làm rất tốt chuyện này thì hầu hết học sinh tiểu học ở nước ta chưa được học ngoại ngữ một cách hiệu quả.
Singapore đã coi tiếng Anh là chìa khóa để cạnh tranh và tránh tụt hậu. Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã tổng kết bài học của Singapore: "Chỉ có một cách để không bị tụt hậu là phải giỏi tiếng Anh". Giáo sư có đồng ý với quan điểm này không?
Điển hình cho việc phổ cập Anh ngữ là quyết tâm của Ngài Lý Quang Diệu ở quốc đảo Singapore. Chúng ta biết rằng khi tách khỏi Mã Lai thì có tới 75% dân số Singapore là người gốc Hoa, sử dụng tiếng Hoa để giao tiếp và làm việc. Bản thân ông Lý cũng là người gốc Hoa. Bởi vậy, nếu Singapore chọn thứ tiếng này làm ngôn ngữ phổ biến trong giao tiếp xã hội cũng là điều hợp lý và tạo ra sự thuận tiện cho cả nhà nước và người dân Singapore lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, ông Lý Quang Diệu cùng những nhà lãnh đạo đất nước lúc đó lại quyết định chọn tiếng Anh. Đây là một quyết định hết sức bất ngờ và chắc chắn gặp không ít khó khăn khi áp dụng trong quản lý và điều hành đất nước.
Có thể nói, việc chọn tiếng Anh đã trở thành công cụ bảo vệ nền độc lập của Singapore. Hơn nữa, từ đó hình thành nên nền văn hóa đặc thù của Singapore, không bị phụ thuộc hay lai căng. Ngày nay, đất nước này không chỉ giàu có nhờ trung chuyển hàng hoá mà còn là trung tâm du lịch, trung tâm đào tạo giáo dục và y tế chất lượng cao, nổi tiếng thế giới.
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã từng được Chính phủ Việt Nam mời làm cố vấn. Đồng thời, ông từng gợi ý: "Đại học Việt Nam nên có sách giáo khoa tiếng Anh ở các ngành quan trọng như kỹ thuật, công nghệ..., bởi nếu chỉ dùng sách Việt Nam thì chắc chắn sẽ tụt hậu". Theo Giáo sư thì đây có phải là giải pháp tối ưu?
Về cơ bản thì tôi đồng ý tuy nhiên chúng ta có một thành tựu rất lớn mà ít quốc gia làm được đó là có thể chuyển ngữ mọi thuật ngữ tiếng Anh trong tất cả lĩnh vực, kể cả khoa học và công nghệ. Tôi cho là Nhà nước nên đầu tư để mọi ngành khoa học thuộc bậc đại học và sau đại học đều có giáo trình tiếng Anh.
Các giảng viên đại học dựa trên nền tảng kiến thức này, kết hợp với hoàn cảnh nước ta để soạn ra các giáo trình Việt ngữ giảng dạy cho sinh viên. Các nghiên cứu sinh bậc thạc sĩ và tiến sĩ nên tham khảo trực tiếp các giáo trình viết bằng tiếng Anh. Trước đây, Hàn quốc đã dịch toàn bộ sách giáo khoa tiếng Nhật để sử dụng. Dần dần mới xây dựng nên các bộ sách giáo khoa bằng tiếng Hàn.
Tôi đã khảo sát nền giáo dục ở Nepal, một nước có lẽ còn nghèo hơn chúng ta nhưng giáo dục rất tiến bộ. Tại nước này có hai hệ thống giáo dục - một hệ thống học toàn tiếng Anh từ bậc tiểu học. Số lượng theo hệ thống này hiện tại rất đông là chuyên gia của Liên hợp quốc hay là quan chức nhà nước. Hệ thống thứ hai học bằng tiếng Nepal nhưng được học thêm tiếng Anh từ tiểu học. Số này sau khi tốt nghiệp phổ thông đã khá thành thạo tiếng Anh giao tiếp và phần lớn đủ tiêu chuẩn tham gia vào việc xuất khẩu lao động.
Nhân đây tôi xin nói thêm là ở Nepal chỉ phân ban từ lớp 11, bao gồm 4 phân ban: Toán Lý, Hoá Sinh, Khoa học xã hội và Quản lý kinh doanh. Mỗi ban chỉ học có 4 môn, cho nên sách giáo khoa mỗi môn dày tới khoảng 700 trang và không ai cần tới học thêm, dạy thêm.
Tôi hoàn toàn phản đối dự án ở nước ta về chuyện phân ban từ lớp 10 và để học sinh tự chọn quá nhiều phân ban khác nhau.
Cảm ơn Giáo sư!