📞

Để người cao tuổi tiếp tục đóng góp cho xã hội

16:33 | 15/10/2015
Bố mẹ tôi năm nay đều đã gần 70 tuổi. Gần mười năm kể từ ngày về hưu, hai cụ còn bận hơn cả lúc còn làm việc nhà nước. Trong khi mẹ tôi say mê với việc tham gia hoạt động đoàn thể ở địa phương với vai trò Chi hội phó Hội người cao tuổi thì bố tôi dành thời gian tư vấn cho các công ty, tham gia xây dựng văn hóa doanh nghiệp - một lĩnh vực khá mới ở Việt Nam.
Ảnh minh họa.

 

Nhiều lúc con cháu khuyên các cụ nghỉ ngơi nhưng toàn bị hai ông bà vặn ngược: "Chúng mày có phong trào của thanh niên, hội phụ nữ, Công đoàn, còn người già có phong trào "Tuổi cao - Gương sáng", còn đóng góp được gì cho xã hội thì phải hết mình chứ". Đem chuyện này đến kể với đồng nghiệp, tôi mới vỡ lẽ là tâm sự của nhiều người già ở các gia đình khác cũng vậy.

Quả thật, lâu nay chúng ta cứ chú trọng vào việc mừng thọ cụ này 70, cụ kia 80 mà ít khi quan tâm việc nâng cao chất lượng sống cho người cao tuổi, trong đó có việc hỗ trợ nhóm xã hội này phát huy vai trò xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế.

Có lần đi họp ở phường về, mẹ tôi tâm sự nhiều cụ tuy được các con yêu thương, ăn ngon mặc ấm nhưng không được sử dụng hiểu biết, kinh nghiệm của mình nên luôn cảm thấy bức bối.

Bà nhiều lần bổ túc cho vợ chồng tôi về ý nghĩa của công việc mà các cụ đang làm. Theo bà, vai trò của người cao tuổi ngày càng được phát huy rõ hơn trong tham gia xây dựng hệ thống chính trị, phong trào văn hóa cơ sở, tích cực xây dựng quê hương, đất nước; nhiều cụ đã trở thành hạt nhân trong các phong trào, là chỗ dựa tinh thần cho làng xóm, cộng động...

Có lần gõ báo cáo giúp bà, tôi đọc được số liệu có 1,24 triệu người cao tuổi khắp cả nước đảm nhiệm chức danh bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, tổ trưởng tổ hòa giải, tham gia lao động sản xuất và phụ giúp con cháu...

Với chất lượng sống ngày càng được cải thiện, khi thời kỳ dân số vàng đi qua và tỷ lệ sinh tiếp tục giảm, người già ở Việt Nam sẽ ngày đông lên, tuổi thọ trung bình cao lên thì có khi tuổi 60 không được coi là già. Để phát huy tối đa trí tuệ và kinh nghiệm của bộ phận dân số này, đồng thời không để việc chăm sóc người cao tuổi trở thành gánh nặng xã hội thì mỗi gia đình, mỗi cơ quan rồi sau đó cả nước phải thực sự có kế hoạch trong việc tạo điều kiện làm việc cho người cao tuổi.

Ở Mỹ, bạn sẽ không khó bắt gặp một người già làm thêm ở sân bay trong vai trò nhân viên hỗ trợ dịch vụ. Thậm chí một số hãng hàng không nội địa của Mỹ còn có tiếp viên ở độ tuổi U60, U70. Còn tại thiên đường du lịch Thái Lan, bản thân tôi nhiều lần được trải nghiệm sự hóm hỉnh, hiểu biết lịch sử văn hóa của các hướng dẫn viên ngoài 60 tuổi.

Thực tế thì thời kỳ dân số trẻ qua đi và kịch bản của chúng ta cũng sẽ giống như các nước phát triển. Có thể không cần tăng tuổi nghỉ hưu nhưng nên chăng có phương án xây dựng mô hình phát huy sức lao động của người cao tuổi bởi thực sự thì không có cụ nào muốn ngừng lao động cả, điển hình như bố mẹ tôi.

Dương Lâm (Hải Phòng)