Và ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc đã rất nhanh nhạy nắm bắt xu hướng này. Thời gian gần đây, các kênh truyền hình thường xuyên trình chiếu những bộ phim truyền hình dài tập về đề tài ly hôn, miêu tả khá chân thực cuộc sống của những ông bố bà mẹ đơn thân sau ly hôn.
Điều này cho thấy, quan niệm về ly hôn trong xã hội Hàn Quốc đã dần cởi mở và không còn là điều cấm kỵ khi nhắc tới như trước đây.
Ngày càng có nhiều cặp đôi Hàn Quốc lựa chọn ly hôn khi cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc. (Nguồn: Yonhap) |
Quan niệm cởi mở hơn về ly hôn
Vào tháng 11/2020, Kênh truyền hình cáp TV Chosun đã phát sóng một chương trình thực tế có tên We Got Divorced, chia sẻ về câu chuyện ly hôn của những người nổi tiếng, được thể hiện một cách mới mẻ và đặc sắc. “Nhìn từ xa, bạn sẽ không bao giờ biết được câu chuyện bên trong của những cặp vợ chồng ly hôn”, trích một phần giới thiệu của chương trình.
Mặc dù có chút háo hức và hoài niệm về cuộc sống mà họ từng cố gắng xây dựng cùng nhau, nhưng các cặp đôi sớm phải đối mặt với thực tế rằng có nhiều điểm khác biệt không thể hòa giải, từ các vấn đề giao tiếp, nhìn nhận về giá trị khác nhau đến những bất hòa của cuộc sống vợ chồng, sự thiếu thân mật…
Cuộc sống sau khi ly hôn có thể nói là rất khó khăn, ít nhất là lúc ban đầu.
"Chuyện ly hôn chẳng nhẽ lại khó khăn đến vậy? Chẳng nhẽ tôi cứ phải giả vờ rằng mình ổn dù thực tế cuộc sống của mình đang là một mớ hỗn độn”, Rapper Lee Ha-neul của nhóm nhạc hip-hop 3 thành viên DJ D.O.C chia sẻ.
Rõ ràng, thời gian gần đây, những chuyển biến và thay đổi về văn hóa, thái độ, niềm tin và giá trị trong xã hội Hàn Quốc đã giúp xác định lại ý nghĩa của hôn nhân và giảm đáng kể sự kỳ thị đối với những người đã ly hôn.
Ngày càng có nhiều người coi hôn nhân là một sự lựa chọn cá nhân và là một phần của hạnh phúc, khác xa với niềm tin truyền thống cho rằng việc kết hôn là cam kết suốt đời và là nền tảng của xã hội, cần được bảo vệ.
Theo một cuộc khảo sát gần đây của Công ty tư vấn hôn nhân Duo có trụ sở tại Seoul được thực hiện trên 500 nam giới và 500 nữ giới độc thân từ 39 tuổi trở xuống, chỉ có 6,6% phụ nữ và 13,6% đàn ông nhìn nhận vấn đề ly hôn một cách tiêu cực.
Một cuộc khảo sát tương tự được thực hiện cách đây một thập niên đối với 478 nam giới và 500 nữ giới độc thân của Công ty Duo cho thấy, 55,6% nói rằng, một người nên ly hôn với vợ/chồng nếu họ thường xuyên cảm thấy không hạnh phúc, trong khi 23% nói rằng không nên. Tỷ lệ nam giới được hỏi lần lượt là 43,7% và 40,6%, cho thấy nam giới thường ít muốn ly hôn hơn.
Nhìn nhận về vấn đề “ly hôn xám” (ly hôn tuổi xế chiều), khoảng 23,8% phụ nữ cho biết họ sẽ không khuyến khích cha mẹ ly hôn, trong khi con số này là 45,8% ở nam giới.
“Chúng tôi chỉ đưa ra những lựa chọn khác nhau trong nhiều hoàn cảnh. Tôi không nghĩ chúng tôi là những người thất bại vì chúng tôi lựa chọn ly hôn. Tôi luôn cảm thấy biết ơn vì những gì cuộc sống đã mang lại. Hiện tại tôi đang rất hạnh phúc. Thật sự là như vậy”, nữ diễn viên Sunwoo Eun-sook (61 tuổi) chia sẻ về cuộc sống sau ly hôn của mình trong chương trình We Got Divorced.
Bà và chồng cũ, nam diễn viên Lee Young-ha kết hôn năm 1981 và chính thức kết thúc cuộc hôn nhân 26 năm vào năm 2007.
Cơ hội cho ngành giải trí
Đề tài ly hôn cũng đặc biệt hút khách khán giả truyền hình Hàn Quốc những năm gần đây. Kể từ sau chương trình We Got Divorced, nhiều chương trình truyền hình thực tế kể về cuộc sống của những người sau ly hôn xuất hiện như Naekia của đài JTBC kể về cuộc sống của 3 bà mẹ đơn thân nổi tiếng, Dolsing Four Men của SBS về 4 người đàn ông đã ly hôn, theo đuổi tình bạn và tìm kiếm sự hài hước trong cuộc sống, hay Dolsingles của đài MBN kể về những người độc thân đã ly hôn đang tìm kiếm tình yêu mới và khởi đầu mới.
Ra đời vào khoảng năm 2004, “dolsing” là một từ tiếng Hàn mới để chỉ người đã ly hôn. Từ này là sự kết hợp của “dol”, có nghĩa là quay trở lại trong tiếng Hàn và từ “single” (độc thân) trong tiếng Anh.
Theo thống kê, năm 2020, Hàn Quốc có 214.000 cặp vợ chồng kết hôn thì có 107.000 cặp vợ chồng đã chia tay và đi theo con đường riêng. Trong số các vụ ly hôn, tỷ lệ chia tay sau khi chung sống hơn 20 năm chiếm tỷ lệ lớn nhất với 37,2%, ly hôn sau khi kết hôn 4 năm hoặc ngắn hơn là 19,8%.
Năm 2021 có thể là một năm đáng chú ý trong ngành giải trí Hàn Quốc khi đã có những tiếng nói mạnh mẽ hơn về sự kỳ thị trong ly hôn và chấp nhận các mô hình gia đình khác nhau.
Cặp đôi diễn viên Sunwoo Eun-sook và Lee Young-ha chia sẻ về cuộc ly hôn của họ trong chương trình "We Got Divorced" của đài TV Chosun. (Nguồn: TV Chosun) |
“Mặc dù có rất nhiều ông bố bà mẹ đơn thân ngoài kia, nhưng dường như mọi người vẫn chỉ coi trọng mẫu gia đình truyền thống”, Kim Na-young, một khách mời truyền hình đã tự mình nuôi dạy hai con trai nhỏ, nói trong cuộc họp báo của chương trình thực tế Naeki.
Còn Dolsing Four Men, phần phụ của chương trình dài tập nổi tiếng của đài SBS My little Old Boy lại là chương trình giải trí nhẹ nhàng, chứa đựng những câu chuyện hài hước về cuộc sống độc thân và đời sống của các ông bố đơn thân sau ly hôn.
Nhưng không phải ai cũng ủng hộ những chương trình thực tế như vậy.
Jung Yong-sun, bố đơn thân của một cậu con trai 7 tuổi và là một Youtuber thường đưa ra lời khuyên về các mối quan hệ cho biết, anh lo lắng những chương trình này có thể khiến nhiều gia đình không coi trọng chuyện ly hôn.
Người đàn ông 35 tuổi này cho biết, anh không có lựa chọn nào khác ngoài việc ly hôn khi không thể tìm được tiếng nói chung sau những hồi tranh cãi liên miên với vợ cũ.
“Tôi kết hôn để trở nên hạnh phúc. Tương tự như vậy, tôi ly hôn để trở nên hạnh phúc. Ly hôn hay không, chúng ta hãy đưa ra một quyết định ít đáng tiếc hơn”, anh nói.