Đối tượng cần quan tâm
ASEAN đã tổ chức Hội nghị cấp cao lần thứ 30 tại Manila trong bối cảnh các quan điểm chống toàn cầu hoá ngày càng tăng ở phương Tây. Trong khi các thị trường phương Tây hướng nội nhiều hơn, để duy trì sự phát triển của Hiệp hội, liên kết nội khối trong ASEAN trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Trong suốt thời gian diễn ra hội nghị cấp cao và các hội nghị liên quan, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã kêu gọi Hiệp hội nỗ lực chống lại xu hướng hướng nội và phát huy các nguồn tăng trưởng bên trong thông qua việc thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Đây được coi là một hiệp định đa phương có "chất lượng cao và đáng tin cậy". Việc hiện thực hóa thành công RCEP sẽ đưa vai trò của ASEAN gắn chặt với nền kinh tế toàn cầu.
Hội nhập kinh tế sâu sắc là chìa khóa chiến lược cho ASEAN trở thành một "người chơi" toàn cầu, duy trì vị thế, quan điểm hướng ngoại và cam kết với các nước khác trên thế giới. (Nguồn: TODAY Online) |
Hội nhập kinh tế sâu sắc sẽ là chìa khóa chiến lược cho ASEAN trở thành một "người chơi" toàn cầu, duy trì vị thế, quan điểm hướng ngoại và cam kết với các nước khác trên thế giới. Để làm được điều đó, Hiệp hội phải thúc đẩy các khía cạnh của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), đặc biệt là đưa AEC gần gũi hơn với mỗi người dân. AEC không phải là sáng kiến độc lập hay một sự kiện có tính nhất thời, AEC là cộng đồng được tạo thành từ người dân, vì vậy, AEC cần phải chú ý hơn đến những thành viên của mình.
AEC cần phải quan tâm tới hai tầng lớp người dân trong Hiệp hội. Thứ nhất là tầng lớp trung lưu đang phát triển, họ đòi hỏi sự tăng trưởng công bằng và các chính phủ minh bạch hơn. Công nghệ và các phương tiện truyền thông xã hội đã tạo ra cơ hội tiếp cận lớn hơn cho tầng lớp này với giới hoạch định chính sách. Điều này đang góp phần thay đổi phong cách quản trị ở một số quốc gia thành viên ASEAN, đáp ứng kỳ vọng của người dân về chính phủ. Nhiều tầng lớp trung, thượng lưu cũng đang phối hợp với chính phủ để đối phó với những thách thức khi chủ nghĩa dân túy gia tăng.
Ở Philippines, sự thất vọng của công chúng đối với nạn tham nhũng và các vấn đề xã hội khác đã góp phần làm nên chiến thắng của ông Rodrigo Duterte trong cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái. Ông Duterte từng được so sánh là Donald Trump của Philippines. Tương tự, ở Indonesia, chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống của “chính trị gia chân đất” Joko Widodo đã phần nào cho thấy sự bất mãn của công chúng với nhiều vấn đề mất cân bằng trong xã hội và mong muốn của họ về một nhà lãnh đạo gần gũi, lắng nghe người dân.
Phân khúc thứ hai mà AEC cần hướng tới là nhóm người dễ bị tổn thương trong ASEAN. Mặc dù Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính AEC có thể tạo thêm 14 triệu việc làm, nhưng ngày càng có nhiều lo ngại rằng lợi ích từ việc thành lập AEC có thể không được phân bố đều trong tất cả các nước thành viên hoặc trong những người dân cộng đồng; đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), nông dân sản xuất nhỏ, người lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức và lao động nhập cư không có giấy tờ hoặc không có giấy phép.
Một AEC thành công là một cộng đồng hướng tới người dân. Hội nhập kinh tế không chỉ kích thích sự tăng trưởng tổng thể, mà còn phải tạo ra nhiều việc làm và lợi ích rộng rãi trong toàn xã hội. ASEAN cần áp dụng một cách tiếp cận thận trọng đối với hội nhập kinh tế. Mối lo ngại về khoảng cách thu nhập ngày càng bị nới rộng của người dân có thể đe doạ kế hoạch hội nhập kinh tế trong tương lai của Hiệp hội. Các nhà lãnh đạo ASEAN cần đảm bảo lợi ích của hội nhập kinh tế được phân phối một cách công bằng. Bằng cách đưa người dân trở thành trọng tâm của việc hoạch định chính sách, những lợi ích của hội nhập kinh tế phải được cảm nhận bởi tất cả mọi người.
ASEAN cần biến tầm nhìn thành những hành động cụ thể, vì cuộc sống của người dân cộng đồng. (Nguồn: TODAY Online) |
SMEs là xương sống
Để đạt được những mục tiêu tiên, trước tiên ASEAN cần thúc đẩy sự phát triển của các SMEs. Đây là giải pháp hiệu quả và bền vững nhất để tạo ra sự tăng trưởng toàn diện hơn trong cộng đồng. SMEs là xương sống của các nền kinh tế Đông Nam Á, tạo ra đa số việc làm và là một nguồn không thể tách rời của tăng trưởng kinh tế. Khác với đầu tư nước ngoài, có thể tập trung vào một lĩnh vực cụ thể, các doanh nghiệp nhỏ ở địa phương tạo ra cơ hội trên các lĩnh vực đa dạng cũng như sử dụng nhiều bộ phận lao động. Do đó, trao quyền cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ là chìa khóa để đạt được một AEC vì người dân hơn.
Các nhà lãnh đạo ASEAN đã tìm cách tạo ra các cơ chế và thể chế để giúp tăng cường năng lực cạnh tranh giữa các SMEs khi khu vực ngày càng hội nhập chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, hạn chế về cơ sở hạ tầng của khu vực cũng là rào cản khiến các SMEs khó tiếp cận được với chuỗi giá trị khu vực cũng như toàn cầu. Các nhà lãnh đạo ASEAN cần phải tạo ra các cơ chế mới để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa vươn tới được các chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, cần một nỗ lực chung để có nhiều tiếng nói hơn trong quá trình ra quyết định của ASEAN, đặc biệt là tiếng nói của thanh niên, khu vực tư nhân và xã hội dân sự. ASEAN nên cùng làm việc với các doanh nghiệp để ưu tiên các sáng kiến liên quan tới trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp để có thể phát triển kinh tế xã hội bền vững, công bằng và hòa nhập hơn. Thêm nữa, ASEAN cũng cần nỗ lực hơn trong việc truyền đạt thành quả, tầm nhìn, mục tiêu của mình cho người dân. Mức độ nhận thức về ASEAN của người dân các nước thành viên là khác nhau, ý tưởng về bản sắc chung trong khu vực vẫn là một điều xa vời cho tới ngày hôm nay.
ASEAN đã đạt được thành công và thịnh vượng tương đối trong 50 năm qua. Giai đoạn tiếp theo của việc xây dựng cộng đồng sẽ còn nhiều thách thức hơn. Để hiện thực hóa cộng đồng lấy người dân làm trung tâm và hướng tới người dân, ASEAN cần biến chính sách thành hành động, dựa trên sự phối hợp với khu vực tư nhân và xã hội dân sự nhằm cải thiện cuộc sống của người dân cộng đồng.