📞
Ngày Thế giới Phòng Chống Lao động Trẻ em 12/6

Để trẻ em không còn oằn mình trên đồng ruộng!

14:58 | 13/06/2019
TGVN. Nhân Ngày Thế giới Phòng Chống Lao động Trẻ em 12/6, nghĩ về câu chuyện làm sao để trẻ em nước nhà được cắp sách đến trường, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí hữu ích nhiều hơn là phải tham gia lao động, một nắng hai sương cùng cha mẹ. 
Để trẻ em không còn oằn mình trên đồng ruộng! (Nguồn: khampha)

Luật Trẻ em năm 2016 quy định rõ: “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động”. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng lao động trẻ em vẫn tiếp diễn trong thời gian qua.

Nhiều đứa trẻ đang phải đánh đổi tuổi thơ của mình, dù mới chỉ trên dưới 10 tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, đã phải làm đủ mọi nghề để kiếm sống. Trẻ làm từ những việc đơn giản như bán vé số dạo, bán báo đến những công việc nặng nhọc, nguy hiểm như phu đào vàng, làm ở mỏ đá, vác gạch…

Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách, hành động tích cực để chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, theo Điều tra Quốc gia về Lao động trẻ em cho thấy, vẫn có hơn 1,7 triệu lao động trẻ em tại Việt Nam. Trong đó, gần một nửa số trẻ em lao động không đi học, trên 1/3 đang làm việc trên 42 giờ/tuần.

Làm thế nào để hạn chế được tình trạng này vẫn là bài toán khó. Bởi thực tế, không ít gia đình vì kinh tế kiệt quệ, bệnh tật, trẻ em vô hình trung trở thành lao động trụ cột chính.

Có thể nói, lao động sớm cản trở trẻ em hoàn thiện phát triển về thể chất và tâm lý, là rào cản trong việc tiếp cận, thụ hưởng một nền giáo dục phù hợp. Trong khi đó, mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ mới khó đạt được kết quả như mong muốn nếu không có các giải pháp nhằm giảm số lao động trẻ em xuống mức thấp nhất.

Theo đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hiện nay trên toàn thế giới có khoảng 152 triệu trẻ em đang tham gia lao động. Ông Minoru Ogasawara, cố vấn của ILO từng chia sẻ: “Bạn có thể đang dùng socola làm từ nguyên liệu cô ca được thu hoạch bởi lao động trẻ em từ Cote d’Ivoire. Điện thoại di động bạn đang dùng có thể được chế tạo từ nguyên liệu kim loại do trẻ em khai thác từ Congo. Áo sơ mi bạn mặc có thể được dệt từ bông vải do trẻ em thu hoạch”.

Nghĩa là, lao động trẻ em là một vấn đề mang tính toàn cầu và không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Vì vậy, việc phòng chống, ngăn ngừa lao động trẻ em đòi hỏi phải có một chiến lược tổng thể, bền vững.

Trên phương diện quốc tế, Việt Nam rất quan tâm học hỏi kinh nghiệm của các nước tiên tiến, tích cực tham gia các diễn đàn bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại châu Á hình thành liên minh nhằm loại bỏ tất cả hình thức lao động trẻ em vào năm 2025.

Những năm qua, Việt Nam không ngừng mở rộng các quan hệ hợp tác quốc tế với xu hướng hội nhập, chia sẻ và phát triển. Sự hợp tác này đã đưa đến các bước tiếp cận mới trong quá trình lập kế hoạch ở cấp quốc gia. Công tác lập pháp và giám sát về bảo vệ trẻ em của Quốc hội được tăng cường. Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em và Luật trẻ em cũng đang đi vào cuộc sống. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt, Việt Nam vừa trúng cử Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021. Uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định và nâng cao.

Hy vọng vấn đề thực hiện các cam kết quốc tế về lao động, trong đó có vấn đề lao động trẻ em sẽ ngày càng được quan tâm hơn. Để mỗi chúng ta sẽ không còn phải day dứt với con số hơn 1,7 triệu trẻ em đang bị “đánh cắp” tuổi thơ, ước mơ của mình, hằng ngày oằn mình trên đồng ruộng hay co ro giữa cái lạnh Sa Pa…