Trong bài báo vừa đăng tải trên Tạp chí Chính sách Hàng hải của Mỹ, một nhóm giảng viên và chuyên gia đến từ các trường đại học, cơ quan chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, cho rằng cần đưa ra một "Lời thề Hippocrat" để bảo tồn đại dương, tương tự lời thề của các bác sĩ về việc tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức đặc biệt khi hành nghề y.
Nhóm chuyên gia này đã nhóm họp tại Hội nghị bảo tồn thế giới của Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên - một sự kiện diễn ra định kỳ về bảo tồn lớn nhất thế giới ở Honululu (Mỹ) hồi năm ngoái nhằm thảo luận sự cần thiết của việc đưa ra Bộ Quy tắc ứng xử, cũng như đưa ra khung của văn kiện này.
Ngư dân kéo lưới ở khu vực bờ biển phía Nam Barbados. (Ảnh: David Gill) |
Theo các tác giả, vấn đề hiện nay là bảo tồn đại dương còn khá mới và không còn lâu nữa thế giới phải đạt được mục tiêu đề ra là bảo vệ 10% diện tích đại dương vào năm 2020. Sai lầm hoặc sự lơ là đều có thể xảy ra dưới sức ép về thời gian. Thêm vào đó, đại dương có những đặc trưng riêng khiến công việc bảo tồn gặp khó khăn như quyền chủ quyền trên biển không thể phân định rõ ràng như trên đất liền, quyền tài phán khó xác định và các nguyên tắc khó thực thi. Đó là chưa kể các khác biệt trong quan điểm về việc liệu có tiếp tục khai thác các nguồn tự nhiên của đại dương hay cần phải bảo vệ chúng hay không.
Người đứng đầu nhóm tác giả, ông Nathan Bennett - nhà nghiên cứu thuộc Đại học Washington, Đại học British Columbia và Đại học Stanford, cho rằng những thách thức cơ bản đối với bảo tồn tốt đại dương là việc giải quyết các vấn đề xung quanh cách thức đưa ra quyết định, cơ sở đưa ra quyết định, cũng như việc bàn thảo minh bạch các thông tin này.
Trong khi đó, lợi ích của việc đề ra Bộ Quy tắc ứng xử là nằm tránh những sai lầm trong quá khứ và rút ra bài học kinh nghiệm, do đó, giới chuyên gia đang nỗ lực thúc đẩy biện pháp này nhằm gia tăng tỷ lệ thành công của việc bảo tồn đại dương.