Năm 1993, khi đang học năm thứ 2 khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội, Việt Anh được thầy giáo giới thiệu thực tập tại Công ty phần mềm FPT. Sau 3 tháng thực tập, anh được công ty ký hợp đồng cộng tác viên và tham gia ngay vào một số dự án tại đây. Năm đó Việt Anh mới 18 tuổi. “Tôi đã tham gia FPT từ khi là sinh viên, chủ yếu trong lĩnh vực phần mềm. Trong 8 năm đầu tiên, từ 1993 chỉ tập trung vào thị trường trong nước” - Hoàng Việt Anh kể lại. Những dự án liên tiếp kéo chàng sinh viên vào công việc và gắn bó với FPT. Năm 1996, sau khi tốt nghiệp đại học, Việt Anh chính thức về làm việc tại bộ phận phần mềm của công ty FPT.
Năm 2001, một bước ngoặt đã đến với anh khi Công ty giao nhiệm vụ cho Việt Anh và nhóm lập trình viên trẻ sang bang Oregon (Mỹ) thuyết phục công ty ProDX chấp nhận dịch vụ gia công phần mềm của FPT. Nỗ lực không mệt mỏi của nhóm đã đem lại kết quả tốt: Hợp đồng được chấp nhận. Bắt đầu với một nhóm 10 người làm việc cho ProDX, sau gần 7 năm đã có gần 100 người làm việc cho khách hàng này. Từ năm 2001-2008, Việt Anh như con thoi đi lại giữa các thị trường Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương nhằm ráp nối dịch vụ với khách hàng nước ngoài.
2006 là năm đột biến của công ty FPT. Sau hai năm theo đuổi dự án thuyết phục khách hàng Petronas - Malaysia ký hợp đồng xuất khẩu phần mềm với Công ty Cổ phần Phần mềm FPT. Việt Anh đã mang về hợp đồng lớn nhất cho công ty này, đó cũng là hợp đồng lớn nhất của FPT ký với Petronas trị giá hơn 6 triệu USD. Hợp đồng này đã khẳng định vị thế của FPT khi lần đầu tiên làm chủ thầu ở nước ngoài.
Trong những tháng ngày tất bật chuẩn bị cho dự án Petronas, anh cũng tất bật với việc mở văn phòng FPT Software tại Singapore. Đây là lần đầu tiên một công ty Việt Nam mở công ty phần mềm và dịch vụ tại Singapore. Điều này cũng tạo tiền đề cho FPT chiếm lĩnh thị trường châu Á - Thái Bình Dương. Việt Anh cho biết: Công việc hiện nay của tôi tại Singapore là phụ trách toàn bộ công ty chi nhánh của FPT phần mềm tại Singapore. Nhiệm vụ chính là xây dựng thị trường xuất khẩu phần mềm. Thứ hai là đảm bảo nguồn lực để có thể triển khai thành công các dự án và chương trình như vậy.
Với niềm đam mê công nghệ, kỹ sư Hoàng Việt Anh còn vinh dự nhận giải thưởng Quả Cầu Vàng do Trung ương Đoàn trao tặng, giải thưởng tôn vinh 10 thanh niên Việt Nam tiêu biểu nhất có thành tích đóng góp cho nền công nghệ thông tin nước nhà. Hoàng Việt Anh tâm sự: Khi biết tin mình được giải thưởng Quả cầu vàng, tôi cảm thấy rất vinh dự. Nhưng tôi nghĩ còn rất nhiều gương mặt tiêu biểu khác ở Việt Nam hiện nay. Tôi mong muốn lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới sẽ phát triển mạnh hơn nữa. Đây là sự động viên Việt Anh vững tin hơn với những dự định mới trong tương lai. Dự định rất nhiều. Trong thời gian đến năm 2010, đẩy mạnh xuất khẩu phần mềm cho FPT tại châu Á - Thái Bình Dương, phấn đấu năm 2010, 1/3 tỷ doanh thu xuất khẩu phần mềm của FPT sẽ đến từ thị trường châu Á - Thái Bình Dương.
Trong suốt câu chuyện trao đổi với chúng tôi, Việt Anh hay nhắc đi nhắc lại câu: Việt Nam đang có cơ hội rất lớn về phần mềm. Chúng ta có thể làm tất cả những việc gì để đẩy mạnh chất lượng của năng lực sản xuất phần mềm của Việt Nam. Sự tin tưởng về tiềm năng xuất khẩu phần mềm của Việt Nam đang đong đầy trong đôi mắt của chàng trai me công nghệ thông tin này. Ngọc Linh