📞

Đêm kinh hoàng trước Giáng sinh

07:00 | 18/12/2016
A Christmas Carol (Giáng sinh yêu thương) của đại văn hào Dickens là hành trình đặc biệt trong giấc mơ của ông già Scrooge với ba hồn ma trước đêm Giáng sinh đã truyền đi những thông điệp đầy tính nhân văn...

Đó là, dù trái tim con người có băng giá, có lạnh lẽo thì đâu đó nơi sâu thẳm trái tim họ vẫn có nắng ấm, vì trái tim quay ngược là ngọn lửa đang cháy. Và, một quy luật tự nhiên: mùa Đông lạnh lẽo rồi cũng sẽ qua, nhường chỗ cho niềm vui tươi, ấm áp, và sự sinh sôi khi nàng Xuân gõ cửa bên thềm.

Những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống

Ebenezer Scrooge xuất hiện trong mùa Giáng sinh là gã đàn ông ích kỷ, keo kiệt, bủn xỉn, độc ác. Trong khi, người người nô nức chào đón Giáng sinh thì lão về nhà – một mình và không có ý định đón Giáng sinh. Nhưng, sau đó, con người ông ta đã thay đổi hoàn toàn sau cuộc ghé thăm của những vị khách siêu nhiên trong đêm Giáng sinh - đó là những bóng ma.

Scrooge gặp hồn ma Marley, một đối tác kinh doanh.

A Christmas Carol không chỉ là câu chuyện kể đơn thuần. Kiệt tác của đại văn hào người Anh còn muốn gửi gắm thật nhiều những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống qua những trải nghiệm từ chính cuộc đời của tác giả.

Kể từ lần đầu ra mắt năm 1843 đến nay, A Christmas Carol là bài học vĩ đại về sự cho đi và nhận lại, tình yêu thương, sự quan tâm dành cho những mảnh đời bất hạnh, đừng sống chỉ biết đến công việc…

Thành công của cuốn tiểu thuyết là hình ảnh vẽ lên thế giới siêu nhiên trong không khí của một đêm Giáng sinh truyền thống. Không chỉ vậy, tiểu thuyết còn tái hiện những cảnh vật từ khi London còn rất nhiều ngôi làng, cao ốc sang trọng, đồng thời có cả những ngôi nhà của biết bao người nghèo, người ăn xin. Cuốn tiểu thuyết đồng thời đã khắc họa thế giới đầy những xung đột giữa các giai tầng trong xã hội ở London ngày đó.

Cuối thế kỷ XIX, các nhà văn đã nhận thấy nhiều điều đối lập ở London. Nhưng với riêng Dickens, London rực rỡ sắc màu, rộng lớn, đầy ắp tình yêu được tái hiện bằng một không gian ma quái, thế giới của những bóng ma.

Dickens đã nói với một người bạn rằng: A Christmas Carol cũng là tác phẩm được hình thành ý tưởng trong đầu khi ông đang đi bộ trên con phố hơn 24km. Và rồi, khi màn đêm buông xuống, người người chìm vào giấc ngủ say, rất nhiều hình ảnh đã hiện về trong đầu của Dickens, nào bóng ma, linh hồn, cùng những hình ảnh về thành phố trong mơ. Không có một thứ gì tồn tại vĩnh cửu dù trong quá khứ, hiện tại, và tương lai. Cũng như nhân vật chính trong kiệt tác A Christmas Carol của Dickens – tác phẩm lấy cảm hứng, trải nghiệm từ chính đời sống, con người, những gì tác giả được chứng kiến ở London.

Dickens đã xây dựng nhân vật Scrooge trên một hành trình không gian, thời gian khác nhau. Nghệ thuật hư cấu của tác phẩm cũng phần nào ảnh hưởng đến cách thức, phong tục đón Giáng sinh ngày nay.

Không khí Giáng sinh của gia đình người giúp việc Cratchit.

Cơn ác mộng bắt đầu

Scrooge nhìn ra phía bên ngoài cửa sổ thấy những bóng ma lang thang khắp chốn. Ông run sợ khi những linh hồn đó tiến lại gần. Bóng ma đầu tiên đã dẫn Scrooge đi mọi nơi từ trong quá khứ đến hiện tại. Scrooge đã nhìn thấy những khung cảnh vui vẻ, ngập tràn niềm vui mà lão ta chưa một lần có được, chưa một lần mang đến cho mọi người. Trong số những bóng ma đang vui đùa nói chuyện, hồn ma một người đàn ông nói: “Qua khung cửa sổ văn phòng của lão, ta đã thấy lão ngồi một mình và ta nghĩ là lão rất đơn độc”.

Sau đó, Scrooge đã nhìn thấy gia đình người giúp việc Cratchit. Tuy họ nghèo nhưng gia đình rất ấm cúng, họ quây quần bên nhau, hân hoan đón Giáng sinh.

Cuối cùng, bóng ma đã dẫn Scrooge đến với bữa tiệc đêm Giáng sinh trong ngôi nhà của đứa cháu Fred. Bạn bè của Fred đang chơi trò chơi đoán một nhân vật có đặc điểm như luôn có thái độ khó chịu, lúc nào cũng gầm lên, càu nhàu, sống ở London. Scrooge chính là người đang bị chế giễu.

Sau ác mộng, Scrooge tỉnh giấc, thấy mình vẫn còn sống, mọi thứ chỉ là giấc mơ. Ông vui mừng như một đứa trẻ. Sau đó, ông đã làm những việc mà trước đây chưa từng làm, đó là đi hỏi thăm mọi người, đến nhà thờ, chào đón Giáng sinh, đến ăn tối với đứa cháu Fred, yêu thương trẻ nhỏ, đi bộ trên phố ngắm nhìn dòng người qua lại vui vẻ, hỏi chuyện những người ăn xin, quyên góp tiền, tăng lương cho người giúp việc Cratchit…

Có thể nói, đó là những điều mà trước đây chưa bao giờ Scrooge làm và chưa bao giờ nghĩ những điều giản dị ấy có thể mang lại niềm hạnh phúc bất tận cho mình như lúc này.

Hồi kết đầy ý nghĩa trong câu chuyện như thức tỉnh trái tim, tâm hồn một con người. Bởi ai cũng có phần thiện đâu đó chưa hé mở. Những gì Scrooge chứng kiến trong cơn ác mộng trước Giáng sinh đều mang ý nghĩa, bài học về luân lý đạo đức xã hội. Chính ngôn từ trong tác phẩm đã làm sáng tỏ những thông điệp trân quý về cuộc sống. Giá trị nhân văn trong tác phẩm văn học đã xóa đi những tội lỗi của con người.

Từ bóng đêm lạnh lẽo, cô đơn và sợ hãi, những cảnh tượng rùng rợn, con người đã bước qua tội lỗi, mở rộng trái tim yêu thương, dang rộng vòng tay ấm áp. Để rồi biến cơn ác mộng thành hiện thực ngọt ngào, tính hà tiện, ích kỷ lùi xa để nhường chỗ cho những trải lòng, khổ đau bất hạnh qua đi giờ chỉ còn lại những sẻ chia.

Noel đến gần, những câu chuyện, những bài học mang đầy tính nhân văn mà Dickens muốn gửi gắm qua kiệt tác A Christmas Carol còn nguyên giá trị, giúp con người ta xua tan muộn phiền. Mùa đông không còn lạnh giá, ấm áp, vui tươi của nàng xuân lại gõ cửa. Cuộc sống rồi lại sang trang mới tươi đẹp, tràn đầy nhựa sống…

Trong rất nhiều cuốn sách khác như: Strange Case of Dr Jekyll and Mr Hyde (1886) của Robert Louis Stevenson, The Picture of Dorian Gray (1891) của Oscar Wilde, London là mảnh đất chứa đựng điều bí ẩn, thành phố của những con người có thể biến hình thành người khác chỉ từ việc di chuyển giữa các con phố, giữa những căn phòng.

Trong các tiểu thuyết nổi tiếng của Henry James: The Princess Casamassima (1886), nhà văn này đã viết: “Quanh năm, ở London có thói quen đi bộ. Tôi đã đi bộ rất nhiều, đi bộ khi tập thể dục, khi vui chơi, và tôi thường đi bộ về nhà lúc đêm muộn…”.

(theo The Guardian)