Đại sứ Myanmar tại Anh Kyaw Zwar Minn phát biểu với báo chí bên ngoài trụ sở đại sứ quán ở London ngày 8/4. (Nguồn: Scotsman) |
Một cuộc 'đảo chính' khác ở London?
Ngày 7/4, Đại sứ Myanmar tại Anh Kyaw Zwar Minn cho biết ông đã bị chặn không cho vào trụ sở Đại sứ quán. “Đó là một kiểu đảo chính, ở trung tâm London. Họ đã chiếm tòa nhà của tôi”, ông nói với Reuters.
Lý do là trong vài tuần gần đây, ông đã có nhiều phát biểu bác bỏ tính hợp pháp của chính quyền quân sự và kêu gọi trả tự do cho nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi vốn bị quân đội bắt giữ cùng các quan chức chính quyền khác hôm 1/2.
Hồi tháng 3, ông Kyaw Zwar Minn nói với BBC rằng Myanmar đang bị “chia rẽ” và đứng trước nguy cơ một cuộc nội chiến. Ông cũng nói rằng những nhận xét này không nhằm phản bội lại đất nước, và rằng ông đứng trên lập trường “trung lập”.
Chính quyền quân sự Myanmar đã ra tuyên bố nói rằng Kyaw Zwar Minn bị triệu hồi, nhưng ông vẫn tiếp tục ở lại London.
Trước đó hồi tháng 2, sau chính biến, chính quyền quân sự Myanmar cũng đã sa thải đại sứ nước này tại LHQ Kyaw Moe Tun, sau khi ông này thúc giục Đại hội đồng LHQ sử dụng "bất kỳ biện pháp cần thiết nào" để đảm bảo rằng bà Aung San Suu Kyi vẫn là nhà lãnh đạo hợp pháp trong mắt quốc tế cộng đồng.
Ở thời điểm đó, ông Kyaw Moe Tun vẫn làm đại sứ sau khi ông Tin Maung Naing – vốn là Phó Đại sứ và được chính quyền quân đội chỉ định làm người thay thế ông Kyaw Moe Tun - từ chức, và đặc phái viên LHQ về Myanmar Christine Schraner Burgener đã kêu gọi các nước không công nhận hoặc thừa nhận tính hợp pháp của chính quyền quân sự.
Và sự khó xử của nước Anh
Sau một đêm ngủ trong ô tô vì không được phép vào trụ sở Đại sứ quán ở London, ông Kyaw Zwar Minn đã kêu gọi chính phủ Anh thực hiện đúng theo các tuyên bố của mình về việc duy trì các giá trị dân chủ toàn cầu và đứng về phía ông.
Ông yêu cầu Bộ Ngoại giao Anh hành động chống lại một “cuộc đảo chính ở trung tâm London” giống như việc nước Anh đã lên án cuộc chính biến ở Myanmar.
Ông cũng đề nghị không công nhận cấp phó của mình, người đã tiếp quản tòa nhà, làm người thay thế ông, mà thay vào đó, nhân vật cấp phó này nên bị trục xuất, cùng với những người khác đã ủng hộ chính quyền quân sự ở Myanmar.
Theo phát ngôn viên của ông Kyaw Zwar Minn, "Đại sứ đã bị chế độ quân sự Myanmar triệu hồi - kể từ đó ông ấy đã ngừng làm theo chỉ thị của Bộ ngoại giao Myanmar.
Chúng tôi tin rằng chính phủ Vương quốc Anh sẽ không ủng hộ những người đang làm việc cho quân đội và chúng tôi cũng muốn yêu cầu chính phủ Vương quốc Anh cho họ trở về nước.
Đã có một cuộc đảo chính ở Myanmar vào tháng Hai và bây giờ tình trạng tương tự ở trung tâm London. Đây là điều không thể chấp nhận được và thiếu tôn trọng không chỉ với người dân Myanmar mà rõ ràng nó còn là sự thiếu tôn trọng đối với toàn bộ xã hội dân chủ ở Anh ”.
Yêu cầu từ vị Đại sứ Myanmar đặt ra một vấn đề khó xử cho Anh.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab trong chuyến thăm các nước ở Viễn Đông đã viết trên Twitter: “Chúng tôi lên án các hành động bắt nạt của chế độ quân sự Myanmar ở London ngày hôm qua, và tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với Kyaw Zwar Minn vì sự quả cảm của ông ấy”.
“Vương quốc Anh tiếp tục kêu gọi chấm dứt cuộc đảo chính và bạo lực kinh hoàng, đồng thời khôi phục nhanh chóng nền dân chủ”.
Tweet này sau đó nhận được sự tán dương rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội bởi những người phản đối chế độ quân sự, những người này đã giải thích thông điệp trên như một hành động của Anh để phản đối nỗ lực loại bỏ Đại sứ Kyaw Zwar Minn.
Đơn cử, một người viết: “Cảm ơn sự ủng hộ của các bạn và chúng tôi mong các bạn sẽ ủng hộ cho đến tận cuối cùng của vấn đề này. Cảm ơn một lần nữa".
Một người khác tuyên bố: "Nền dân chủ ở Myanmar sẽ mãi mãi biết ơn những người bạn của của Myanmar."
Tuy nhiên, về lý thuyết, theo các nghi thức lễ tân ngoại giao, chính phủ Anh, không thể chỉ định và lựa chọn người mà các quốc gia khác bổ nhiệm làm đại diện của họ.
Mặc dù Ngoại trưởng Dominic Raab đã chỉ trích “hành động” bắt nạt, nước Anh cũng đã chấp nhận sự thay đổi tại Đại sứ quán. Vì theo Công ước Vienna về ngoại giao, công việc của một đại sứ chấm dứt ngay khi nước tiếp nhận Đại sứ nhận được thông tin về sự thay đổi người đứng đầu cơ quan đại diện.
Sau khi nhận được thông báo, Bộ Ngoại giao Anh nói họ “phải chấp nhận quyết định do Chính phủ Myanmar đưa ra”. Bộ Ngoại giao Anh hiện đã nhận được một lá thư từ Đại sứ quán Anh trong đó nói rằng Đại sứ Kyaw Zwar Minn đã bị cách chức vào ngày 9/3 và Phó Đại sứ Chit Win đã làm Đại biện lâm thời.
Việc một đại sứ bị cấp dưới "nhốt" bên ngoài khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu chính quyền sở tại có can thiệp được không, theo Công ước Vienna, cơ quan đại diện nước ngoài được hưởng quyền miễn trừ bất khả xâm phạm.
Hãng tin Reuters bình luận sự việc có thể tạo ra một hệ lụy xấu, ảnh hưởng tới các phái đoàn ngoại giao Myanmar trên thế giới.