TIN LIÊN QUAN | |
Ra mắt Câu lạc bộ Ẩm thực Đại sứ Delhi | |
Sóng radio tần số siêu cao giảm ô nhiễm tại Giải chạy New Delhi 2018 |
Một góc Old Delhi. |
Tôi đến New Delhi vào đêm muộn, khi đại đô thị hơn 20 triệu dân này còn chìm trong giấc ngủ. Con đường từ sân bay quốc tế Indira Gandhi về trung tâm thành phố khá đẹp, chạy qua nhiều cao ốc mới xây và những khu dân cư lụp xụp. Những chiếc xe sang BMW, Mercedes, Lexus phóng vun vút trên xa lộ, trong khi bên vệ đường là những người vô gia cư đang nằm co ro. Ấn tượng đầu tiên của tôi về New Delhi là một thành phố của những mặt đối lập tồn tại song song: giàu sang và nghèo đói, hiện đại và truyền thống, hội nhập và bảo thủ.
Vùng đất của những trái tim rộng mở
New Delhi được xem là mô hình thu nhỏ của đất nước Ấn Độ, là nơi lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa, tôn giáo và truyền thống của quốc gia Nam Á này. Hàng thế kỷ dài phát triển thương mại toàn cầu, những cuộc xâm lăng và thuộc địa hóa đã biến Delhi trở thành một trong những thành phố đa văn hóa nhất thế giới. Và những cư dân thích nghi với nền văn hóa luôn thay đổi này được gọi bằng cái tên “Dilliwalas”, xuất phát từ cụm từ “Dillwalo ki Dilli” – nghĩa là vùng đất của những con người có trái tim rộng mở.
Sự đa dạng này khiến một khách phương xa như tôi dễ dàng tìm thấy những góc cho riêng mình. Tôi đọc được một bình luận thú vị của BBC rằng, không khí của New Delhi giống hương vị trong một tiệm cà phê dễ chịu, chúng ta ngửi thấy nhiều mùi vị ngay khoảnh khắc bước vào và hoàn toàn tùy nghi chọn món mình thích. Quả thực, ở Delhi, tôi có thể thăm những khu chợ rất bình dân như Sarojini hay ngó nghiêng những shop hàng hiệu ở Connaught Place, có thể ăn trong những cửa hàng thức ăn nhanh KFC, McDonald hoặc thưởng thức ngon lành một cái bánh Nan truyền thống ngay bên hè phố.
Trong những ngày tôi lưu lại Delhi, đứng trên tầng cao nhìn xuống, thành phố luôn chìm trong một lớp bụi mờ. New Delhi là một trong những thủ đô ô nhiễm nhất thế giới, nhiều năm liền cùng với Bắc Kinh “kèn cựa” nhau để giành ngôi đầu trong vấn đề đáng lo ngại này. Nếu không may đến New Delhi vào một ngày mùa Đông, du khách sẽ hiểu ngay cảm giác tắm trong bụi là thế nào.
Thế nhưng, có một điều lạ là New Delhi luôn phủ đầy cây xanh. Vì vậy, mặc dù thường xuyên bị gắn mác “thủ phủ ô nhiễm” của thế giới, Delhi lại thực sự là một thành phố nằm giữa rừng. Công viên và cây xanh ở khắp mọi nơi, thậm chí chính quyền và người dân thành phố quan tâm bảo vệ đến từng cái cây. Nhiều cơ quan hay trường đại học ở Ấn Độ được xây dựng ngay giữa những cánh rừng lớn. Người ta dễ dàng bắt gặp cảnh tượng từng đàn chim bồ câu đậu trên vòng xoay giữa đường, những con sóc thoăn thoắt trên cành cây, vài chú khỉ nghịch ngợm trên nóc nhà…
Tác giả tại Lăng mộ Humayun, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. |
Tình người trong khu ổ chuột
Về những di sản kiến trúc, New Delhi có những công trình khiến bất cứ ai cũng phải choáng ngợp. Một buổi chiều muộn, tôi đến thánh đường Jama Masjid ở khu Old Delhi, ngồi mê đắm trên khoảng sân rộng ngắm trời chiều đang trôi. Hoàng hôn đã không còn những tia nắng ham vui, vương vấn trên mái thánh đường xưa làm Jama Masjid càng thêm huyền hoặc trong khoảnh khắc ngày đi đêm tới. Từ khoảnh sân tôi ngồi cũng có thể phóng tầm mắt sang Pháo đài Đỏ (Red Fort), với những tường thành in dấu ấn thời gian, tuy hoang phế phần nào nhưng vẫn rất uy nghi.
Đêm xuống, tôi đến Cổng Ấn Độ (India Gate) - đài tưởng niệm chiến tranh lớn nhất tại đất nước này. Nằm giữa một quảng trường rộng và cao 42m, India Gate là nơi tưởng niệm 70.000 binh sĩ Ấn phục vụ trong quân đội Anh đã tử trận trong Thế chiến I. India Gate nhìn từ xa khá giống Khải hoàn môn ở Paris (Pháp), hay Cổng Patuxay ở Vientiane (Lào), nhưng lại gần thì thấy ngay nó “rất Ấn Độ” với những họa tiết trang trí đặc trưng của nền văn hóa Nam Á này.
Bên cạnh những điều hoành tráng và hào nhoáng kể trên, New Delhi còn có những khu ổ chuột – nơi trú ngụ của hàng triệu người dân nghèo. Nếu ai đã từng xem bộ phim nổi tiếng “Triệu phú khu ổ chuột” (Slumdog Millionaire), thì đây chính là sự phản ánh chân thực cuộc sống của một bộ phận không nhỏ người dân Ấn. Thế nhưng, trong những khu lúc nhúc người, nhếch nhác và bẩn thỉu đó là một thế giới tràn ngập tiếng cười trẻ thơ, là nhịp sống hối hả của những người lao động cần cù chân chất, là tình yêu thương con người.
Các danh thắng ở New Delhi muốn tìm hiểu kỹ càng chắc mất cả tháng, tôi chỉ ở đây 10 ngày thì chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”. Cuộc vui nào rồi cũng tàn, chuyến đi nào rồi cũng đến ngày kết thúc. Về Việt Nam, tôi nhớ mãi một buổi chiều màu hoàng hôn hòa cùng màu đỏ trên cổng thành Red Fort, nhớ đàn chim xao xác bay trên bầu trời Delhi trong một sáng sớm mùa Đông, nhớ những bác xích lô ở chợ Chandni Chowk lầm lụi trong cơn mưa.
Ở New Delhi, tôi học được nhiều điều từ Ấn Độ hơn những gì nhìn thấy bên ngoài hay từng đọc trên báo chí. Có thử cất lời chào “Namaskar” với một người địa phương mới thấy sự thân thiện vô cùng của dân Ấn. Có thử đi vào những khu ổ chuột rách nát, bẩn thỉu mới thấy những tâm hồn lạc quan, yêu cuộc sống như câu thơ của Tagore: “Come – Sorrow – come, I spread a seat for you” (Đến đi - Nỗi buồn ơi – hãy đến, ta trải chỗ mời ngươi). Ở New Delhi, tôi hiểu rằng những gì lấp lánh chưa hẳn là vàng, và những thứ thô ráp không hẳn là đất.
| Độc đáo chiêu “du lịch bầu cử” của Ấn Độ TGVN. Xu hướng “du lịch bầu cử” đang nổi lên như một hiện tượng mới và “ăn khách” tại Ấn Độ. Đặc biệt qua đợt ... |
| Du lịch Ấn Độ: Một ngày trên đất Phật mênh mang Dù không theo đạo Phật, cũng không phải người mê tín nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc dâng trào khi kinh hành quanh đại tháp ... |
| Du lịch Ấn Độ hút khách bằng dịch vụ chăm sóc sức khỏe chi phí thấp Có nhiều lý do để Ấn Độ trở thành điểm đến lý tưởng của du khách như văn hóa, ẩm thực, thời tiết. Nhưng những ... |